Theo nhà nghiên cứu dịch tễ, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn hay còn gọi là muỗi “nhà vua”, thường sinh sôi nảy nở ở những nơi có nguồn nước trong tại các gia đình, chứ không phải ở ao tù, cống rãnh như mọi người vẫn nghĩ.
Mục lục
Muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết
Người dân hiểu sai về sự phát triển của muỗi vằn gây bệnh
Tình hình dịch bệnh
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 25.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại 48 tỉnh, thành phố trong cả nước và đã có 12 người tử vong do bệnh này.
Căn bệnh đang có khả năng bùng phát trên diện rộng, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chủ quan và chưa hiểu rõ cách phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.
Thông tin về loài muỗi truyền bệnh
Theo TS Trương Đình Bắc – Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, nhiều người dân hiểu nhầm muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết thường sinh nở ở những nơi ao tù, nước đọng, cống rãnh… Do vậy, ngay tại chính gia đình nhiều người chủ quan không để ý đến các biện pháp phòng bệnh.
Cho nên muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, hay còn gọi là muỗi vằn hoặc muỗi “nhà vua” có khả năng sinh sản cao và có tập tính đẻ ở nơi nước trong. Loại muỗi “siêu đẻ” này trung bình một vòng đời sống được 1- 2 tháng và cứ sau mỗi lần hút máu no khoảng 3 ngày chúng lại đẻ trứng một lần.
Muỗi vằn hay còn gọi là muỗi “nhà vua” có tốc độ sinh đẻ rất nhanh chóng khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi. Trung bình một con muỗi cái có thể đẻ trứng khoảng từ 8 – 10 lần trong vòng đời của chúng. Tuy nhiên trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp như vào mùa hè nóng ẩm, muỗi cái có thể sống kéo dài tới 3 tháng. Đây chính là lý do muỗi sinh sôi phát triển với mật độ rất cao trong thời gian ngắn.
Muỗi vằn sinh sôi ở đâu
Khi đẻ trứng, muỗi vằn thường chọn đẻ nơi nước sạch, chúng hoàn toàn không đẻ nơi ao tù, nước thải cống hôi thối như nhiều người dân thường nghĩ.
Muỗi vằn có thể đẻ rất nhiều nơi nếu như có nước sạch, các dụng cụ chứa nước ưa thích của chúng phải kể đến như lọ hoa để trên ban thờ, chậu hoa cây cảnh chứa nước, bể chứa nước mưa và đặc biệt các dụng cụ phế thải xung quanh nhà có khả năng chứa nước mưa như: vỏ đồ hộp, chai lọ vỡ, mảnh gáo dừa, lốp xe, chum vại, chậu, thau ….
Đặc biệt, trứng muỗi còn có đặc điểm bám vào thành chum vại và có thể tồn tại trong thời gian lên đến 6 tháng kể cả để khô, chỉ cần khi có nước thì lập tức trứng đó phát triển thành bọ gậy rồi hình thành muỗi. Vì thế, muỗi thường sống trong nhà và xung quanh hộ gia đình.
Do không hiểu hết về những đặc tính trên của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, nhiều hộ gia đình chủ quan, không dọn dẹp, vệ sinh thường xuyên mọi vật dụng bỏ đi chứa nước mưa, nước sạch có thể chứa trứng muỗi, bọ gậy (loăng quăng), bao gồm cả dụng cụ chứa nước trong như lọ hoa chứa nước lâu ngày, nên đây chính là môi trường để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Điều trị bệnh sốt xuất huyết thường có chi phí rất cao
Chi phí cho một ca bệnh
Theo nghiên cứu của Bộ Y tế tại một số bệnh viện thuộc khu vực miền Nam, trung bình mỗi người bệnh sốt xuất huyết dengue phải nghỉ từ 7-14 ngày để điều trị bệnh, người thân phải nghỉ việc từ 7-9 ngày để chăm sóc người bệnh.
Tiền thiệt hại do người bệnh sốt xuất huyết dengue giao động từ 40,7 USD đến 126,2 USD (nghĩa là từ 900.000 đến 2.700.000 đồng) tùy theo độ nặng và tuổi của người bệnh, các chi phí bao gồm các chi phí trực tiếp cho y tế như khám, xét nghiệm, điều trị và chi phí gián tiếp như như mua vật dụng, đi lại, ăn uống, chi cho người chăm sóc, chi phí bị mất do nghỉ việc và các khoản chi phí khác.
Với mức chi phí như trên, người dân sẽ giảm được gần 16 tỷ đồng chi phí cho mỗi 10.000 trường hợp phòng ngừa mắc bệnh. Theo ước tính năm 2013 đã giảm được gần 50 tỷ đồng và năm 2014 đã giảm được gần 100 tỷ đồng chi phí của người dân cho việc chăm sóc, điều trị bệnh sốt xuất huyết dengue tại bệnh viện so với giai đoạn 2010-2012.
Khuyến cáo của cục Y tế Dự phòng
Chính vì những tác hại to lớn của bệnh sốt xuất huyết Dengue, Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần loại bỏ hoàn toàn các dụng cụ chưa nước, môi trường thuận lợi để cho muỗi đẻ trứng.
“Hãy đổ nước bình hoa, úp chum lọ không dùng đến, dọn sạch sẽ các dụng cụ có nguy cơ đọng nước ở vườn tược, thả cá vào bình chứa nước, bể cảnh, vệ sinh thường xuyên hoặc đậy kín khay nước thải điều hòa, tủ lạnh, bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, xô, chậu, máng gia súc/gia cầm, bát kê chạn, hốc cây, lon, hũ, chai, lọ phế thải, mảnh vỡ chum, vại, lốp xe, vỏ dừa,…dọn sạch trên tất cả các tầng, sân thượng, lan can… và xung quanh nhà”, theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng.
Ngoài ra, mỗi tuần các gia đình dành 5 phút dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa để đảm bảo không còn bọ gậy (loăng quăng), không còn bệnh sốt xuất huyết. Đảm bảo việc phun hóa chất diệt muỗi cần bao phủ được tất cả các hộ gia đình, tất cả các tầng, phòng, khu tập thể trong khu vực ổ dịch.
Lời kết
Trong thời điểm hiện nay, khi đột nhiên xuất hiện sốt cao 38-40 độ C, nhất là ở trong vùng cũng có người bị sốt xuất huyết dengue, nên đến bệnh viện để được khám, tư vấn, xét nghiệm và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không nên tự chữa bệnh tại nhà, nhất là đối với trường hợp trẻ em nghi mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue.
(Theo KP)