Thời tiết vào ngày Tết ở nước ta thường lạnh và có mưa phùn, trẻ nhỏ sức đề kháng còn yếu nên dễ bị cảm lại kết hợp nếp sinh hoạt của trẻ bị đảo lộn, ăn uống thất thường nên nguy cơ cảm sốt tăng lên. Nếu không được điều trị kịp thời rất dễ dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi… Lúc này, các bà mẹ nên làm gì?
Khi thân nhiệt của bé trên 39oC là sốt cao, các bà mẹ nên dùng khăn nhúng nước ấm lau mình cho trẻ, để trẻ trong phòng nhiệt độ khoảng 200C, cho trẻ uống nước nhiều lần, mỗi lần một ít để bù nước do sốt cao gây mất nước. Khi thấy bé sốt cao kèm theo mạch ở cổ tay phù, khẩn (mạch nổi và nhanh), các bà mẹ nên nhanh chóng thực hiện các cách sau:
Đánh gió:
Dùng một quả chanh cắt đôi chà dọc hai bên cột sống lưng, vùng hai bên ngực từ giữa ra hai bên, dọc theo dẻ xương sườn, vùng giữa và hai bên bụng. Công dụng: hai bên đốt sống cổ và sống lưng có các đôi thần kinh giao cảm và phó giao cảm (còn gọi là hạch hưng phấn và hạch ức chế), dùng chanh tác động hai bên đốt sống để làm cân bằng giữa hưng phấn với ức chế, giúp thần kinh trung ương điều hòa nhiệt đột trở lại trạng thái bình thường. Từ ngực ra hai bên theo kẽ xương sườn và vùng giữa, hai bên bụng có đám rối thượng vị, đám rối thần kinh mặt trời (thái dương), đám rối thần kinh hạ vị và dây phế vị có liên quan đến hoạt động của hệ tim mạch, hệ tiêu hóa và tiết niệu sinh dục. Tác động vùng ngực bụng làm công năng hoạt động của ba hệ trên được điều hòa, mạnh mẽ hơn.
Cho trẻ uống thuốc trị sốt cao: dùng lá ngải cứu khô một nắm, sắc với 1 bát nước còn nửa bát cho uống nóng rồi đắp chăn cho ra mồ hôi.
Hoặc tía tô, bồ công anh mỗi vị 9g, gừng tươi 3 lát, sắc chia 2 lần uống ấm trong ngày.
Lá diếp cá 50g, lá rau má 10g rửa sạch giã nhỏ cho nước sôi vào hòa, lọc lấy 150ml nước đặc, cho đường phèn 15g (hoặc mật ong) quấy đều, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 3 ngày.
Củ cải 60g lấy phần non thái miếng, cho vào bát to, lấy mật ong 30g đổ lên trên, chưng cách thủy cho chín, chia 2 lần cho trẻ ăn trong ngày, ăn liền 3 ngày.
Xông phòng trẻ nằm: dùng 50 – 100ml giấm ăn cho một phòng khoảng 10m2), thêm lượng nước gấp đôi lượng giấm, đun nóng, sôi bốc hơi để xông phòng trẻ nằm, thời gian 60 – 90 phút. 2 ngày xông 1 lần. Cũng có thể xông để đề phòng cảm mạo.
Day bấm huyệt:
Nếu trẻ sốt mà không ra mồ hôi thì làm ra mồ hôi để hạ nhiệt bằng cách day nhẹ huyệt hợp cốc, bấm mạnh huyệt phục lưu (giữa mắt cá chân trong và gân gót (huyệt thái khê đo thẳng lên 2 tấc, trong khe của mặt trước gân gót chân và cơ gấp dài riêng ngón cái).
Nếu mồ hôi ra nhiều cần giảm lại thì bấm mạnh huyệt hợp cốc, day nhẹ huyệt phục lưu.
Nếu trẻ ngạt tắc mũi, chảy nước mũi thì day ấn hai huyệt nghinh hương (nằm hai bên cánh mũi) một phút. Hoặc dùng ngón tay trỏ bóp, day mạnh hai đầu xương sống mũi từ 1 – 2 phút, ngày làm 2 – 3 lần đến khi khỏi.
Nếu sốt tăng lên, ấn huyệt khúc trì 30 lần, xát mạnh huyệt dũng tuyền 100 lần (co bàn chân và các ngón chân lại, chỗ hõm xuất hiện ngay ở 1/3 trước gan bàn chân chính là vị trí của huyệt).
Nếu trẻ ho thêm huyệt phế du, đản trung (ở điểm gặp nhau của đường dọc giữa xương ức với đường đi qua 2 núm vú), thái uyên (trên lằn chỉ ngang cổ tay, nơi chỗ lõm trên động mạch tay quay, dưới huyệt là rãnh mạch tay quay). Họng đau, khô day ấn thêm huyệt ngư tế (gấp ngón tay trỏ vào lòng bàn tay, đầu ngón tay trỏ chạm vào chỗ nào ở mô ngón tay cái thì đó là huyệt) 50 – 70 lần rồi day, vuốt hai bên cổ họng từ trên xuống khoảng 3 phút.
Giữ ấm cho trẻ là biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho trẻ trong dịp này.
Benh.vn (theo skds)