Ngày hè là khoảng thời gian đầy đam mê của trẻ nhỏ bởi các em được vui chơi, luyện tập những môn thể thao yêu thích như điền kinh, đá bóng, đánh cầu lông, trượt patin, bơi lội… giúp trẻ tăng cường sức khỏe, tinh thần thể thao và kỷ luật. Tuy nhiên, môn thể thao nào cũng tiềm ẩn những chấn thương do khách quan và chủ quan nên cha mẹ cần biết để đảm bảo an toàn cho trẻ bất cứ lúc nào.
Mục lục
Các môn thể thao trẻ yêu thích
– Đá bóng.
– Bóng rổ.
– Đánh cầu lông.
– Đá cầu.
– Trượt patin.
– Bơi lội.
– Nhảy hiện đại…
Những chấn thương thường gặp ở trẻ khi chơi thể thao
Chấn thương cơ
Cơ là cơ quan dễ bị tổn thương nhất trong thể thao với nhiều mức độ tổn thương khác nhau như giãn cơ, căng cơ, rách cơ.
Chấn thương cơ ở trẻ thường gặp ở các môn đá bóng, đánh cầu lông, trượt patin, nhảy hiện đại…với các biểu hiện như đau điếng ở vùng cơ bị chấn thương nhưng không có máu bầm, vận động chi không bị giới hạn…
Nguyên nhân do các sợi cơ bị kéo giãn quá mức cho phép do chơi quá sức, không vận động trước khi chơi, do bị vấp ngã…
Lời khuyên: Khi trẻ bị chấn thương cơ cần chườm lạnh, ngưng chơi thể thao và chấn an trẻ. Nếu thấy không đỡ cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám.
Chấn thương các khớp, chấn thương xương
Bất kỳ khớp xương nào cũng có thể bị chấn thương, từ các khớp ở chi trên, chi dưới cho đến các khớp ở cột sống với các mức độ tổn thương như bong gân, chấn thương xương, gãy xương.
Những chấn thương trên xảy ra khi va chạm mạnh, khi vấp ngã. Loại chấn thương này thường gặp ở các môn thể thao đối kháng như đá bóng, chơi bóng rổ, đôi khi xảy ra khi các em đi xem đạp, đánh cầu lông bị vấp ngã, khi tập các điệu nhảy hiện đại…
Đặc biệt, trượt patin môn thể thao được trẻ yêu thích thường gặp rủi ro cao hơn môn thể thao khác do trẻ chưa có sân chơi riêng cho môn này mà thường là tự phát, trượt patin trong các sân tập thể, ngoài đường…xe cộ đi lại đông đúc dẫn đến va chạm, ngã…dẫn đến chấn thương các khớp, chấn thương xương.
Nguyên nhân dẫn đến chấn thương ở trẻ
Trẻ rất dễ dính phải những chấn thương thể thao vì nhiều lý do. Đặc biệt ở những bé dưới 8 tuổi, thường ít tập trung hơn và có những phản ứng chậm hơn người lớn vì chúng vẫn còn trong giai đoạn phát triển nên thường vấp ngã dẫn đến các chấn thương không đáng có.
Ngoài ra, mỗi đứa trẻ cùng độ tuổi có tốc độ phát triển về chiều cao, cân nặng, sức khỏe khác nhau. Do đó, khi những đứa trẻ có kích thước khác nhau chơi thể thao cùng với nhau thì nguy cơ chấn thương cũng cao hơn. Tương tự, khi trẻ lớn hơn và mạnh hơn, nguy cơ chấn thương cũng tăng lên, phần lớn là do độ lớn của lực có liên quan.
Khác người trưởng thành, trẻ không thể dự đoán được nguy cơ chấn thương của một hoạt động nào đó dẫn đến các hành động có thể dẫn đến chấn thương.
Ngoài nhóm nguyên nhân trên, các chuyên gia cho biết có một nguyên nhân đặc biệt liên quan đến các yếu tố như cạnh tranh trong thể thao, do cha mẹ muốn con tập luyện quá nhiều và sự chuyên môn hóa theo một môn thể thao nhất định ở độ tuổi sớm hơn.
Phòng tránh chấn thương thể thao
Sử dụng dụng cụ thích hợp, thiết bị bảo hiểm
Việc quan trọng nhất khi chơi thể thao là các con phải có những dụng cụ và thiết bị bảo vệ thích hợp có kích thước chính xác và vừa vặn với cơ thể của trẻ như đội mũ bảo hiểm, đeo kính bảo vệ mắt không vỡ, bảo hiểm giày, đệm ống chân… khi đạp xe đạp, chơi bóng rổ, bóng ném, trượt patin…
Sân chơi thích hợp
Cần bố trí cho trẻ sân chơi và kiểm tra sân chơi của trẻ để đảm bảo an toàn không có những lỗ hoặc vết nún có thể khiến trẻ té ngã. Những trẻ chơi những môn thể thao tác động cao như bóng rỗ hoặc điền kinh nên chơi trên những sân chơi thích hợp với từng môn thể thao, tuyệt đối không chơi trên sân xi măng.
Có sự giám sát của người có chuyên môn
Bất cứ đội nhóm hoặc hoạt động thể thao nào khi trẻ tham gia cần được giám sát bởi những người lớn có đầy đủ chuyên môn.
Huấn luyện viên của trẻ cần hiểu biết các kỹ năng sơ cấp cứu cần thiết, phương châm đề cao sức khỏe của trẻ hơn thành tích.
Không áp đặt trẻ luyện tập vì thành tích
Ngoài các yếu tố trên, cha mẹ không nên áp đặt con tập luyện quá nhiều để giành thành tích cũng như chuyên môn hóa theo một môn thể thao nhất định ở độ tuổi sớm hơn.
Cuối cùng, hãy đảm bảo con bạn chơi những môn thể thao phù hợp với kỹ năng, độ trưởng thành về thể chất và tinh thần để trẻ được phát triển toàn diện.
Benh.vn (Tổng hợp)