Đối với bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối chưa được chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc sẽ có chế độ ăn kiêng khem chặt chẽ. Thường bệnh nhân phải được bác sĩ kiểm tra xét nghiệm máu và đánh giá mức độ tồn đọng các chất cần thải để đề nghị chế độ ăn thích hợp cho từng bệnh nhân và cũng tùy theo nguyên nhân gây suy thận mà có những lưu ý riêng.
Do vậy, đây chỉ là câu trả lời những gì chung cho bệnh nhân suy thận mạn nặng mà chưa xét đến những vấn đề trên.
1. Ăn nhạt, hạn chế tối đa việc thêm muối hoặc nước mắm vào thức ăn, không ăn thức ăn kho, hoặc mắm, hoặc các loại động vật khô như cá khô, mực khô.
2. Giảm ăn trái cây, nhất là những trái cây chứa nhiều potassium (Kali) như chuối, cam, quít, bưởi, nho…
3. Giảm ăn đạm động vật (thịt, cá, tôm…) tăng cường đạm thực vật (các loại đậu), thay đổi tùy theo cân nặng và tình trang dinh dưỡng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ cho giới hạn cụ thể. Người trung bình có cân nặng khoảng 50 Kg, thì chỉ được ăn trong vòng 150g thịt/ngày.
4. Lượng nước uống sẽ tiết chế tùy theo lượng nước tiểu mà bệnh nhân tiểu được.
5. Trừ bệnh nhân tiểu đường hoặc béo phì, vẫn cần tiết chế đường, những bệnh nhân khác không kiêng ăn tinh bột (cơm, bánh mì…).
Chế độ ăn có thể thay đổi không chỉ tùy từng bệnh nhân và đặc biệt trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối là giai đoạn nặng, mà chế độ ăn sẽ còn thay đổi ở những thời điểm khác nhau (mỗi tháng). Nếu cần biết cụ thể cho từng trường hợp, người bênh nên đến khám bệnh tại bác sĩ chuyên khoa, xét nghiệm và xin tư vấn về chế độ ăn cụ thể hơn.
Benh.vn