Khi mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, ngoài việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ thì chế độ ăn uống có vai trò rất quan trọng trong việc điều trị. Mục tiêu làm giảm tác động của axit tiết ra trên niêm mạc dạ dày, giúp bệnh mau hồi phục, dưới đây là một vài tư vấn về ăn uống cho những người mắc bệnh này:
Mục lục
Không nên ăn quá no
Vì khi ăn quá no sẽ làm dạ dày phồng căng, sinh ra nhiều axit có hại dễ gây đau. Nên nhai kỹ, nuốt chậm vì trong khi nhai sẽ làm tăng thêm sự bài tiết của nước bọt, nước bọt có tác dụng giảm độ axit và bão hòa axit trong dạ dày.
Các loại thức ăn nên dùng
Một số loại thức ăn như cơm nhão, cháo, bánh mỳ, bánh quy, cơm nếp, thịt cá nghiền nát, hấp hoặc om, sữa, trứng, các loại thực phẩm có tính bao bọc niêm mạc dạ dày như gạo nếp, bột sắn, bánh mỳ… trong đó, uống một lượng sữa thích hợp là loại thức ăn lý tưởng của người bị loét dạ dày – hành tá tràng vì những thức ăn này mềm, dễ tiêu hóa lại có chất kiềm, có tác dụng làm bão hòa axit trong dạ dày. Tôm cá không những giàu chất Protein với chất lượng cao, mà còn giàu nguyên tố vi lượng kẽm mà cơ thể con người cần thiết, nguyên tố vi lượng là một chất rất quan trọng để làm lành ổ loét.
Nên ăn các thức ăn mềm khi bị viêm loét dạ dày tá tràng
Các thực phẩm nên kiêng
Một số loại thực phẩm có độ axít cao; các loại quả chua (như chanh, cam, bưởi), cà muối, giấm, mẻ, tương ớt…; các loại thực phẩm sinh hơi trong dạ dày (các loại đậu đỗ, các loại dưa cà muối, hành…); các loại thực phẩm làm hư hại niêm mạc dạ dày (rượu, bia, ớt, tỏi, cà phê, trà…); các loại thức ăn tăng tiết axít như các loại nước xốt thịt, cá đậm đặc… Ngoài ra cũng không nên ăn các loại hoa quả (chuối tiêu, đu đủ, táo…) và các loại thức ăn chế biến sẵn (giăm bông, lạp xưởng, xúc xích…); không ăn sữa chua, không uống các loại nước ngọt có gas.
Không nên ăn những thức ăn thô ráp như các loại quả khô, lương thực cứng, rau cần, hẹ, các loại thức ăn cay, là những loại thức ăn khó tiêu hóa, có thể kích thích bài tiết nhiều axit và làm hỏng niêm mạc dạ dày, khó lành chỗ loét thậm chí càng loét thêm.
Không nên ăn những thức ăn sống, lạnh, tuyệt đối không nên ăn những thức ăn đã biến chất, tốt nhất là ăn những thức ăn hấp, nấu, ninh. Hạn chế những thức ăn rán, chiên, muối, nộm không dễ tiêu hóa sẽ tăng thêm gánh nặng cho dạ dày.
Những người bệnh dạ dày còn phải giữ một tinh thần luôn vui vẻ, tạo dựng thói quen tốt trong sinh hoạt, không nên làm việc quá mệt mỏi, căng thẳng, hút thuốc lá.
Một loại thực phẩm giúp chống lại cơn đau dạ dày
Gừng: Thường được sử dụng làm gia vị chữa bệnh, có tác dụng cải thiện hệ tiêu hóa bằng cách kích thích việc tiết enzyme tiêu hóa.
Gừng rất tốt trong việc chống đau dạ dày
Cây thì là: Thì là chứa nhiều anethole, chất có tác dụng kích thích việc tiết dịch vị và dịch tiêu hóa. Thì là cũng là nguồn phong phú a-xít aspartic, giúp chống đầy hơi. Đó là lý do vì sao nhiều người có thói quen nhai hạt thì là sau bữa ăn.
Cây bạc hà: Bạc hà được dùng điều trị chứng khó tiêu, cơn đau bụng, chứng ợ nóng và đầy hơi. Bạc hà cũng có tác dụng kích thích sự ngon miệng, điều trị cơn buồn nôn và chứng đau đầu. Trà bạc hà cay có thể giúp giảm đau họng.
Việc ăn uống hợp lý, không cần kiêng khem quá mức sẽ giúp giảm các triệu chứng khi bị mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng. Ngoài ra đủ dinh dưỡng cũng sẽ giúp nhanh lành các vết thương viêm loét.
Benh.vn