Bị ung thư buồng trứng giai đoạn 3, bà Lê Thị Thắm (50 tuổi, Lào Cai) đã 6 tháng điều trị ở Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều (Hà Nội). Nhà xa, hai mẹ con đi về mất 1,2 triệu đồng, là một khoản tiền không hề nhỏ với hoàn cảnh gia đình của bà.
“Nhà nghèo, bệnh trọng, con trai phải nghỉ làm trông mẹ nên hai mẹ con không dám đi thuê nhà trọ, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó, dù không biết mình có thể sống được đến bao giờ. Tìm được chỗ nào nằm thì nằm, lạnh thì đắp thật nhiều chăn”, bà Thắm nói.
Bệnh nhân được ở trọ miễn phí, giường nằm có đệm, gối và màn. Ảnh khu nhà lưu trú tại Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều: Nam Phương.
Những trường hợp như bà Thắm không phải hiếm gặp tại Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Thuê trọ ở gần bệnh viện rẻ nhất 40.000 đồng, không thì 80.000-100.000 đồng một ngày. Số tiền này trong một vài ngày có thể không nhiều, nhưng với bệnh nhân ung thư phải điều trị dài ngày nhân lên thì là một con số không hề nhỏ. Rất nhiều người bệnh chấp nhận nằm vạ vật ở hành lang, gầm cầu thang hay bất cứ chỗ nào có thể tranh thủ nằm được tại bệnh viện.
Vì thế, nhằm giúp đỡ người bệnh ung thư một phần nào đó, bệnh viện đưa vào hoạt động khu nhà lưu trú cho người bệnh, người nhà bệnh nhân đúng ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Nhiều người bệnh chia sẻ “từ nay sẽ không phải lo tìm chỗ ngủ, thậm chí là tranh nhau vị trí gầm cầu thang”.
Khu nhà lưu trú được xây dựng theo hình thức lắp ghép, với quy mô 240 giường trong giai đoạn 1. Công trình do bệnh viện kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa với kinh phí khoảng 3,3 tỷ đồng.
Phó giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, thời gian đầu người bệnh, người nhà sẽ được ở trọ miễn phí, về sau có thể tính toán với giá thấp nhất 15.000 đồng (tiền điện, nước). Bệnh viện sẽ cố gắng tìm nguồn kinh phí để bệnh nhân, người nhà được ở miễn phí.
Theo phó giáo sư Thuấn, số giường bệnh hiện nay mới đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu của bệnh nhân. Đại diện công ty tài trợ xây nhà lưu trú cũng chia sẻ sẵn sàng giúp bệnh viện xây thêm khu nhà lưu trú nữa, cũng như hỗ trợ các bệnh viện khác có nhu cầu.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng việc đưa khu nhà lưu trú vào hoạt động, nhất là với bệnh viện ung thư, có ý nghĩa đặc biệt. Bệnh nhân có thời gian nằm điều trị dài và chủ yếu là người dân nghèo.
“Hiện ung thư vẫn là bệnh nan y, nhân viên y tế nơi đây chứng kiến nỗi buồn nhiều hơn niềm vui. Vì thế, tôi rất vui khi bệnh viện đã quan tâm hơn đến người bệnh, người nhà bệnh nhân, không để họ nằm ngoài hành lang, vỉa hè vừa nhếch nhác vừa rất khổ”, Bộ trưởng Tiến chia sẻ
Nguồn: VnExpress