Một trong những điểm mới sửa đổi trong năm 2015 được người dân quan tâm là Luật pháp Việt Nam cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Kết quả, trong tháng đầu tiên của năm 2016, bệnh viện Phụ sản Trung ương đang chuẩn bị chào đón một em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp nhân văn này…
Mục lục
Tại Hội thảo khoa học “Đánh giá bước đầu thực hiện Nghị định của Chính phủ về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: Kết quả, khó khăn và thuận lợi”, GS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế, năm 2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/1/2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
10 nội dung đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ
Cặp vợ chồng vô sinh gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này, bao gồm:
1. Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ
2. Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
3. Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào trước đó
4. Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận
5. Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
6. Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi và đã từng sinh con
7. Bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này
8. Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ
9. Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa ( gồm: Các phương án khác ngoài việc mang thai hộ hoặc xin con nuôi; Quá trình thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ; Các khó khăn khi thực hiện mang thai hộ; Tỷ lệ thành công của kỹ thuật có thể rất thấp nếu dự trữ buồng trứng của người vợ thấp hoặc người vợ trên 35 tuổi; Chi phí điều trị cao;Khả năng đa thai; Khả năng em bé bị dị tật và có thể phải bỏ thai; Các nội dung khác có liên quan
10. Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên ( gồm Các vấn đề về tâm lý trước mắt và lâu dài của việc nhờ mang thai hộ, người thân và bản thân đứa trẻ sau này; Người mang thai hộ có thể có ý định muốn giữ đứa bé sau sinh; Hành vi, thói quen của người mang thai hộ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa trẻ; Tâm lý, tình cảm khi nhờ người mang thai và sinh con; Thất bại và tốn kém với các đợt điều trị mang thai hộ có thể gây tâm lý căng thẳng, mệt mỏi ; Các nội dung khác có liên quan.)
3 cơ sở y tế có đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ
Hiện, tại Việt Nam có 3 cơ sở khám chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo thống kê, sau 1 năm thực hiện Nghị định cả nước đã thu nhận được gần 100 hồ sơ xin được cho phép mang thai hộ. Tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia (Hà Nội) đã duyệt 60 hồ sơ, trong đó đã thực hiện 46 ca; tại Trung tâm hiếm muộn bệnh viện Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã có 33 hồ sơ từ các cặp vợ chồng hiếm muộn và đủ điều kiện mang thai hộ và đã thực hiện 19 ca.
Dự kiến những đưa trẻ đầu tiên được sinh ra bằng kỹ thuật mang thai hộ sẽ chào đời trong tháng 1 năm 2016. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương tỷ lệ thành công sau khi thực hiện kỹ thuật này đã đạt được 50%.
Khó khăn của việc thực hiện mang thai hộ
Bộ Y tế cho biết, trong 1 năm thực hiện Nghị định ngành y tế gặp không ít khó khăn, như Luật chỉ cho phép các cặp vợ chồng hiếm muộn chưa có con chung mới được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều cặp vợ chồng có con chung nhưng bị tật nguyền, tàn tật trong quá trình sinh nở trước thì lại không được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Ngoài ra, còn những khó khăn về mặt pháp lý khi các cặp vợ chồng hoàn thiện hồ sơ để đăng ký mang thai hộ…
Tương tự, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng chia sẻ khó khăn do cơ sở khám chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong năm tối thiểu là 300 ca; chưa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khám chữa bệnh liên quan đến kỹ thuật thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm; đáp ứng nhu cầu và bảo đảm thuận lợi cho người dân.