Chứng mất ngủ hiện đang là một vấn đề nghiêm trọng ở khá nhiều người. Nếu không hiểu nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ sẽ rất khó điều trị dứt điểm, lâu dài dẫn tới tình trạng bệnh lý tâm thần kinh nặng, khó điều trị.
Mục lục
Nguyên nhân gây mất ngủ
Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ, đó có thể là do những lo âu hay căng thẳng nào đó trong đời sống hàng ngày chưa được giải quyết ổn thỏa; những thói quen sinh hoạt hàng ngày như hút thuốc lá, uống cà phê nhiều, thay đổi múi giờ khi đi xa, làm việc ca đêm, ăn quá nhiều hoặc quá no trong đêm; những bệnh lý thực thể… đều có thể gây mất ngủ.
Có thể phân ra 2 nhóm nguyên nhân gây mất ngủ như sau:
Chứng mất ngủ do sinh hoạt
- Do hút thuốc lá, uống nhiều cà phê; do ăn nhiều nặng bụng trong đêm; ăn nhiều chất kích thích…
- Do rối loạn lịch thức – ngủ trong ngày, chẳng hạn như lịch làm việc thay đổi bất thường, làm việc theo ca không thường xuyên, do thay đổi múi giờ chênh lệch như khi đi du lịch đến các vùng có mức chênh lệch múi giờ từ 6-24 giờ.
- Do căng thẳng lo âu nhiều trong học tập, làm việc, trong cuộc sống hàng ngày.
- Do phân bổ giờ giấc ngủ không hợp lý, ngủ ngày quá nhiều.Ngoài ra, theo sự phát triển tâm sinh lý ở mỗi người, chu kỳ thức – ngủ sẽ thay đổi dần theo tuổi tác. Ở người cao tuổi, thời gian ngủ sẽ ít dần, có khuynh hướng ngủ muộn hơn và thức dậy sớm hơn.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là chất lượng của giấc ngủ, sau khi ngủ dậy phải cảm thấy tinh thần sảng khoái, phấn chấn, thích làm việc… đó mới là dấu hiệu của một sức khỏe tốt và lối sống lành mạnh.
Chứng mất ngủ do nguyên nhân thực thể
- Do dùng thuốc để điều trị bệnh: Như các thuốc điều trị đau đầu có chứa cafein, thuốc chống viêm như corticoide, thuốc lợi tiểu…
- Do bệnh lý: Các bệnh lý gây mất ngủ như đau đầu do viêm xoang, do tăng huyết áp, đau do viêm loét dạ dày tá tràng, đau do Zona, đau do kích thích thần kinh, đau trong bệnh khớp xương… Việc điều trị phải chú ý vào nguyên nhân gây bệnh.
- Do rối loạn tâm thần chức năng hoặc thực thể, do trầm cảm.
Điều trị chứng mất ngủ
- Về nguyên tắc điều trị mất ngủ, cần loại bỏ những nguyên nhân chủ quan gây mất ngủ. Ví dụ như uống cà phê quá nhiều vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ; ăn quá nhiều chất cay nóng, ăn quá no vào buổi tối; đi du lịch đến nơi có sự thay đổi múi giờ quá lớn hay căng thẳng trong công việc…
- Nếu cố gắng tìm hiểu, người bệnh sẽ biết được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và có thể tự điều chỉnh để ngủ được mà không cần nhờ đến thuốc.
- Tránh uống cà phê ít nhất 8 tiếng trước khi đi ngủ.
- Tránh uống rượu với mục đích giúp ngủ (tuy rượu là thuốc mê nhưng rượu thường làm thức giấc vào nửa sau của giấc ngủ).
- Uống nước nhiều quá vào buổi chiều tối có thể làm thức giấc vì nhu cầu đi vệ sinh.
- Ăn nhiều hoặc để bụng đói đều làm khó ngủ.
- Không nên hút thuốc lá bởi nicotine ở thuốc lá là thuốc kích thích gây khó ngủ.
- Thể dục, vận động sẽ giúp dễ ngủ, nhất là thể dục vào xế chiều.
- Làm nóng thân thể (ngâm chân hoặc tắm nước nóng) vào lúc xế chiều sẽ giúp ngủ say.
- Phòng ngủ mát mẻ giúp ngủ ngon vì nhiệt độ cơ thể giảm xuống vào ban đêm, phòng nóng nực sẽ làm thức giấc. Nên tạo tâm trạng thư thái để dễ dàng đi vào giấc ngủ, giường ngủ cần đặt ở nơi thoáng mát và có chăn màn sạch sẽ.
- Khi tỉnh giấc vào ban đêm không nên bật đèn quá sáng. Nên dùng màn cửa và mặt nạ che mắt.
- Quy định một thời gian cố định để thức giấc và không nên thay đổi.
- Đảm bảo thời gian đi ngủ một cách cố định, chỉ đi ngủ khi đã mệt mỏi.
- Ðừng xem đồng hồ vào ban đêm.
- Khi bị khó ngủ thường xuyên, không nên ngủ ngày.
- Trước khi đi ngủ, nên tạo một khoảng thời gian thanh thản.
- Dùng thuốc ngủ kết hợp với thuốc điều trị nguyên nhân gây bệnh theo chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý khi điều trị chứng mất ngủ
Thuốc ngủ chỉ chữa được phần ngọn và mang tính nhất thời. Không nên dùng thuốc lâu hay quá lạm dụng, thuốc ngủ chỉ được dùng khi cần thiết và chỉ dùng trong thời gian ngắn. Nên chữa bệnh từ nguồn gốc chính gây ra mất ngủ mới có thể cải thiện được tình trạng bệnh này.