Ở tuổi đi học, nhiều trường hợp con hay bị bạn bè trêu trọc, đánh… nước mắt ngắn, dài về mách bố mẹ. Vậy làm thế nào dạy con cách giải quyết và bảo vệ mình? Câu hỏi này không hề đơn giản đối với các bậc làm cha mẹ.
Mục lục
Chia sẻ của người trong cuộc
Chị H có con trai đầu lòng mới đi học lớp 1 được vài tháng nhưng ngày nào về cũng mếu máo kể: bạn đánh con, bạn lấy bút chì, lấy thước…Khi hỏi con vì sao không mách cô? cậu bé trả lời bạn đã trả đồ nhưng khi ra chơi, không có cô, bạn lại đánh rất đau.
Chuyện cứ vậy qua đi, đến một ngày vào sân trường đón con, chị H thấy bạn trai học cùng lớp đang cầm cái cây đuổi theo và đánh vào đầu con rất mạnh nhưng bé không phản kháng gì mà chỉ ôm đầu kêu đau. Chị H rất lo lắng vì không biết thế nào để dạy con cách bảo vệ mình khi bị đánh. Nghĩ lại việc trước đây dạy con không được đánh bạn chị H thấy hối hận vì không lường trước được những việc như thế này sẽ xảy ra.
Sau đó chị đã cho con đi học võ để hiểu về thuyết “nắm đấm sắt” và cũng giúp con tự tin vào sức khỏe của bản thân mình.
Khuyến cáo của chuyên gia
Dạy trẻ nhờ sự giúp đỡ của người khác
Từ câu chuyện trên, các chuyên gia khuyên các bậc phụ huynh phương pháp hướng dẫn trẻ cách giải quyết vấn đề. Khi bị đánh, nhờ bạn khác giúp đỡ,tránh đi tới chỗ dễ xảy ra đánh nhau, không có cử chỉ hành vi khiêu khích trẻ khác, không đánh lại chúng, có thể nói: “ Bạn thôi ngay đi, nếu không tôi sẽ mách cô giáo”.
Ngoài ra, dặn trẻ hô to lên và ra dấu nếu bị bạn đánh, chạy đến chỗ có người lớn và kêu cứu thật to, tìm cách thoát thân, nhờ giáo viên, bố mẹ trợ giúp để không bị đánh đập.
Bên cạnh đó, chỉ cho con biết những nguyên nhân dẫn đến xung đột, đặt ra những tình huống khác nhau để hướng dẫn trẻ cách giải quyết xung đột: học kỹ năng giao tiếp, ra quyết định, tự phòng vệ…
Tìm hiểu nguyên nhân
Đối với cha mẹ, khi con bị bạn đánh, bố mẹ nên bình tĩnh để tìm biện pháp thích hợp. Nên xác minh xem trẻ giao lưu với ai, tìm hiểu vể đứa trẻ đã hành hung con mình, tìm hiểu lý do vì sao con mình bị đánh, nắm chi tiết của sự việc xô xát. Sau đó gặp gỡ phụ huynh của trẻ đó trao đổi để cả hai gia đình giáo dục, khuyên nhủ ngăn ngừa sự tái phạm.
Trao đổi với giáo viên, nhà trường
Song song với việc đó, cha mẹ cần gặp giáo viên để nhắc nhở trẻ đã đánh con mình. Nên đề nghị giáo viên tăng cường giáo dục cho học sinh tình yêu thương, tình đoàn kết trong lớp học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa vui vẻ để trẻ hiểu biết lẫn nhau hơn và tránh xung đột. Có thể đề nghị nhà trường tăng cường hệ thống và biện pháp bảo vệ hiệu quả, răn đe và xử nghiêm minh những hành vi bạo lực học đường.
Bảo vệ con khi chứng kiến cảnh con bị đánh
Trường hợp bố mẹ chứng kiến cảnh con mình bị bạn dọa dẫm thì nên đến ngay chỗ đó để chúng biết mình là bố mẹ của trẻ. Không nên tìm cách dằn mặt gây bạo lực, cũng không nên chấp nhận im lặng do sợ bị trả thù hoặc không nên thờ ơ bỏ qua chuyện con bị dọa nạt vì cho rằng đó là chuyện nhỏ của trẻ con. Khi con kể lại sự việc không nên mắng con vì có thể lần sau con sẽ giấu đi không dám kể.
Nếu chứng kiến con đang bị đánh bố mẹ nên kéo con ra khỏi nơi đó, ôm con vào lòng làm chỗ dựa cho con, không mắng mỏ con. Dạy con làm thế nào để các bạn tôn trọng mình như học giỏi, biết cách xử sự, ăn mặc sạch sẽ…
Benh.vn (Theo tuoitre.vn)