Tại phòng khám nam khoa, một bệnh nhân nam khi nghe thông báo của bác sĩ rằng bộ phận sinh dục nam không hoàn chỉnh của anh chính là lý do gây ra tình trạng vô sinh bấy lâu nay đã sửng cồ quát lại: “Bác sĩ đừng đùa, bố mẹ tôi từ ngày đẻ tôi ra đã kiểm tra cẩn thận, bản thân tôi ngày nào tắm cũng sờ”. Tôi chẳng thiếu gì cả, chỉ có bác sĩ thiếu trình độ thì có!”
Mục lục
Đã quá quen với những kiểu phản ứng tiêu cực như thế này, bác sĩ nhẹ nhàng trấn an bệnh nhân và đề nghị anh ta lắng nghe giải thích, kèm theo sự thăm khám tại chỗ minh họa cho lời giải thích. Nghe xong, từ thái độ hùng hổ mặt bệnh nhân chuyển sang tái dại , lắp bắp mãi mới thốt được câu hỏi: “Bác sĩ ơi, thế thì tôi có khác gì thái giám đâu. Làm sao bây giờ!”.
Trong đợt khám lại lần 2 tại Trung tâm Y tế quận, các bác sĩ đã chờ dài cổ mà vẫn rất ít bậc cha mẹ đưa con đến khám. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh khi đưa con đến khám đã không hề có một chút nhận biết nào về bất thường bộ phận sinh dục của con
Theo các bác sĩ nam khoa, tình trạng của bệnh nhân trên không hiếm trong y văn và hoàn toàn có thể khắc phục được nếu phát hiện sớm từ tuổi nhỏ.
Tuy nhiên, với nhiều ông bố bà mẹ định nghĩa về một đứa con trai “hoàn hảo” nghĩa là khi mới đẻ ra, vạch tã xem có đủ “lượng” bên ngoài hay không, còn “chất” bên trong thì không quan tâm. Để rồi đến mấy chục năm sau đó lại có một người đàn ông lấy vợ lâu năm mà không có con gân cổ cãi bác sĩ rằng “tôi hoàn hảo”, trước khi tái dại đi vì hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình
“Chuyện động trời” ở quận trung tâm Thủ đô
Sàng lọc có đến 2/3 số trẻ em gặp vấn đề về bộ phận sinh dục
Với nhiều người câu chuyện trên là mới và gây tò mò, nhưng với những cán bộ ở Trung tâm Dân số – Kế hoạch hóa gia đình của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đây thực sự là một thực tế đáng lo ngại dưới góc độ sức khỏe sinh sản và chất lượng dân số.
Từ lý do này, một kế hoạch hành động đã được tham mưu để UBND cho phép thực hiện trên địa bàn quận với sự ra đời của “Chương trình sàng lọc các chỉ số phát triển, sàng lọc khiếm thính, sàng lọc phát hiện các bất thường bộ phận sinh dục ở trẻ trai tuổi đầu đời tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn quận năm 2016” (gọi tắt là Chương trình).
Ở góc độ sàng lọc phát hiện các bất thường bộ phận sinh dục ở trẻ trai tuổi đầu đời, Chương trình đã kết hợp với các bác sĩ nam khoa thuộc Bệnh viện Thận Hà Nội để tiến hành thăm khám tại 35 trường trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Kết quả cho thấy tổng số trẻ tham gia sàng lọc là 2675 trẻ, trong đó chỉ có 1023 trẻ phát triển bình thường (chiếm 38,24%); 465 trẻ (chiếm 17,38%) cần chú ý vấn đề vệ sinh hành ngày do dính, bán dính bao quy đầu, viêm nhiễm; 1187 trẻ (chiếm 42,29%) cần can thiệp chuyên khoa ở các dạng khác nhau.
Đặc biệt, trong số 1187 trẻ cần can thiệp chuyên khoa này thì có 56 trẻ cần can thiệp càng sớm càng tốt. Lý do vì 56 trẻ này thiếu tinh hoàn, cá biệt có 16 trường hợp thiếu cả hai bên tinh hoàn.
Tình trạng tinh hoàn ẩn
Trường hợp thiếu một hoặc cả hai bên tinh hoàn với y văn đây chính là biểu hiện của tình trạng tinh hoàn ẩn và không hiếm gặp. Tinh hoàn được hình thành trong bụng trong quá trình phát triển của bào thai. Trong vài tháng cuối cùng của bào thai, tinh hoàn dần dần rời khỏi bụng, đi qua một ống ở vùng bẹn và xuống bìu.
Vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà mà tinh hoàn không di chuyển vào vị trí thích hợp của nó trong túi da treo phía sau dương vật (bìu) trước khi bé trai sinh ra. Tình trạng này được gọi là tinh hoàn ẩn hoặc tinh hoàn lạc chỗ
Tuy nhiên vì một số nguyên nhân như: một sự kết hợp của di truyền học, sức khỏe bà mẹ và các yếu tố môi trường khác có thể làm gián đoạn hóc-môn, thay đổi vật lý và hoạt động thần kinh ảnh hưởng đến sự phát triển của tinh hoàn….mà tinh hoàn không di chuyển vào vị trí thích hợp của nó trong túi da treo phía sau dương vật (bìu) trước khi bé trai sinh ra.
Thường thì chỉ một tinh hoàn bị ẩn, nhưng trong một số trường hợp, cả hai tinh hoàn có thể không xuống. Tình trạng này được gọi là tinh hoàn ẩn hoặc tinh hoàn lạc chỗ. Đây là một bất thường cơ quan sinh dục hay gặp nhất ở trẻ em.
Tỷ lệ mắc khoảng 21% ở trẻ sinh thiếu tháng, 2 – 4% ở trẻ đủ tháng và 1% ở trẻ 1 tuổi; 90% tinh hoàn ẩn một bên, 10% tinh hoàn ẩn cả hai bên. Trẻ mắc tinh hoàn ẩn nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ mắc ung thư tinh hoàn, vô sinh và xoắn tinh hoàn.
Trong đó, đáng lưu ý đến vấn đề vô sinh. Bởi trong trường hợp trẻ bị ẩn cả hai bên tinh hoàn thì tỷ lệ vô tính rất cao, lên tới 89%.
Bố mẹ vẫn thờ ơ ngay cả khi đã biết vấn đề của con
Như vậy, có thể nói đối với y văn và các bác sĩ, đây không phải ca bệnh khó, thế nhưng tại sao khi xảy ra ở quận Hoàn Kiếm nó lại trở thành “chuyện động trời”?
Để trả lời câu hỏi này, phóng viên đã có mặt tại buổi khám lần 2 diễn ra tại Trung tâm y tế quận. Tức là sau khi khám sàng lọc, với những trường hợp đặc biệt cần can thiệp chuyên khoa ở các dạng khác nhau, bác sĩ gửi giấy mời trong đó thông báo về tình trạng bất thường bộ phận sinh dục ở trẻ để gia đình đưa con em đến khám lần nữa kỹ hơn và có những tư vấn phù hợp.
Trong buổi khám lần 2 này, các bác sĩ nam khoa của Bệnh viện Thận Hà Nội và bác sĩ, tư vấn viên của Trung tâm Dân số – Kế hoạch hóa gia đình đặc biệt trông chờ sự có mặt của 56 bé trai ẩn tinh hoàn.
Theo tính toán của các bác sĩ, đợt khám lần 2 diễn ra trong 2 ngày cuối tuần thứ bảy và chủ nhật, chắc chắn bố mẹ sẽ rảnh rỗi quan tâm đưa con đi khám.
Tuy nhiên dường như niềm hy vọng đã bị đặt nhầm chỗ, bởi chỉ có lác đác một, hai gia đình đưa con đến, còn lại không biết vì lý do gì đều vắng mặt.
“Khi nhận lời khám cho các cháu ở quận Hoàn Kiếm, nói thật chúng tôi nghĩ sẽ rất nhẹ nhàng vì đây là quận trung tâm Thủ đô, trình độ dân trí cao. Nhưng kết quả thật bất ngờ, trái hoàn toàn với dự đoán của chúng tôi. Ngay trong buổi khám sàng lọc đầu tiên chúng tôi đã giật mình vì có quá nhiều bé trai có bất thường ở bộ phận sinh dục như: tinh hoàn ẩn, lệch lỗ tiểu; hẹp, dính, bán dính bao quy đầu, viêm nhiễm….” – Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thế Lương – Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội, chuyên gia về nam khoa học cho biết.
Cũng theo bác sĩ Lương, trong đợt khám lại các bác sĩ đã dài cổ ngồi chờ bệnh nhân với mong muốn được tư vấn, hướng dẫn kịp thời nhằm đảm bảo sự phát triển bình thường cho trẻ trong tương lai, tuy nhiên, chờ hoài chẳng thấy.
Còn với những ông bố bà mẹ đưa con đến khám, có người thì sửng cồ chất vấn bác sĩ: “Sao dám nói con tôi bất bình thường bộ phận sinh dục, tôi sờ vẫn thấy chim, thấy bìu bình thường”; có người lại hỏi những câu hỏi rất ngây ngô như: “Con trai cứ phải có tinh hoàn trong bìu à, không có thì có sao không”. Và hầu hết các bậc phụ huynh đều không đồng tình với lời khuyên của bác sĩ nhất thiết phải can thiệp y khoa sớm.
Con trẻ sẽ phải trả giá như thế nào nếu cha mẹ thờ ơ?
Tài liệu y khoa cho thấy, theo cấu tạo bộ phận sinh dục nam, nhiệt độ ở bìu bình thường bao giờ cũng thấp hơn so với nhiệt độ của cơ thể, giúp tinh hoàn phát triển và hoạt động bình thường. Nếu tinh hoàn ẩn trong bụng hoặc những nơi khác và gặp nhiệt độ cao bên trong cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ các biến chứng như: ung thư tinh hoàn; vấn đề sinh sản; xoắn tinh hoàn…
Ở khía cạnh chức năng sinh sản, theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh nhân tinh hoàn ẩn nếu được điều trị khi quá 15 tuổi, tỷ lệ có con tự nhiên chỉ còn 15%. Điều trị từ giữa 9-12 tuổi, tỷ lệ có con tự nhiên là 30%; giữa 5-8 tuổi là 40%; giữa 2-3 tuổi là 50% và giữa 1-2 tuổi là 90%. Tỉ lệ tinh trùng thấp kém là nguyên nhân đe dọa sức khỏe sinh sản. Với tinh hoàn ẩn 1 bên, tỉ lệ không có tinh trùng là 20 – 25%, nếu tinh hoàn ẩn cả 2 bên, tỉ lệ không có tinh trùng là 60-80%.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Thế Lương cho biết, mới đây, bác sĩ vừa thực hiện ca phẫu thuật cắt một bên tinh hoàn ung thư cho bệnh nhân 11 tuổi. “Bên cạnh việc ảnh hưởng chức năng sinh sản sau này, thì yếu tố tâm lý với những bệnh nhân mất một bên tinh hoàn cũng rất nặng nề. Các bậc cha mẹ cứ thử nghĩ xem con mình sẽ phải đối diện với điều gì khi ở trong nhà vệ sinh bị các bạn phát hiện ra và trêu chọc và sau này trong cuộc sống gia đình, người bạn đời sẽ nghĩ gì.
Ở nước ngoài, đối với những bệnh nhân cắt một bên tinh hoàn, người ta sẽ lắp vào đó một tinh hoàn giả để đảm bảo tính thẩm mỹ và giải quyết vấn đề tâm lý.
Tuy nhiên, điều kiện Việt Nam chưa cho phép làm điều này bởi giá thành một tinh hoàn giả là quá cao khoảng 75 triệu đồng chưa kể các chi phí y khoa khác, và cứ vài năm thì lại phải thay một lần để phù hợp với kích cỡ trưởng thành của cơ thể. Các ông bố bà mẹ cứ thử nghĩ xem, chỉ vì sự thờ ơ của mình hôm nay mà con em sẽ phải trả cái giá quá đắt sau này. Điều này có đáng không?” – bác sĩ Lương nhấn mạnh.
Vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà mà tinh hoàn không di chuyển vào vị trí thích hợp của nó trong túi da treo phía sau dương vật (bìu) trước khi bé trai sinh ra. Tình trạng này được gọi là tinh hoàn ẩn hoặc tinh hoàn lạc chỗ
Cũng tại Bệnh viện Thận Hà Nội, một bệnh nhân ở Yên Bái cưới nhau 3 năm không có con. Sau khi điều tra bệnh sử, anh này kể với bác sĩ 20 tuổi mới biết tinh hoàn mình lạc chỗ sau một lần tình cờ đi khám sức khỏe. Ngay sau đó anh ấy đã phẫu thuật nhưng không còn khả năng làm bố vì tinh hoàn đã hỏng do ẩn quá lâu trong ổ bụng.
Như vậy, từ câu chuyện “động trời” ở một quận trung tâm Thủ đô có thể thấy một thực tế nguy hiểm đang đe dọa. Đó là cha mẹ có thể biến con thành “thái giám” vì sự thiếu hiểu biết của mình. Và cũng cần nói thêm rằng, trong 30 quận huyện của Hà Nội thì quận Hoàn Kiếm là quận đầu tiên tiến hành cuộc sàng lọc này.
Con số sẽ khủng khiếp như thế nào nữa, nếu như hoạt động này được tiến hành đồng loạt ở Hà Nội và nhiều địa phương khác nữa. Nhưng nếu né tránh, thì một tương lai dân tộc bị ảnh hưởng bởi chất lượng dân số kém là điều khó tránh khỏi!
“Nhiều cha mẹ đưa con đến khám ăn mặc diện lắm, đẹp trai xinh gái lắm, nhưng lại không có tí khái niệm gì về bộ phận sinh dục của con. Đã thế cứ cãi bác sĩ rằng cứ có bìu là khắc có tinh hoàn. Mà nếu không có thì lớn sẽ có, đâu sẽ vào đấy. Tôi có cảm tưởng đối với họ cháy nhà chết người mới đáng quan tâm, còn tương lai của con thế nào thì bỏ mặc” – bà Trương Thị Kim Hoa – Giám đốc Trung tâm Dân số và KHHGĐ quận Hoàn Kiếm
“Thời điểm cha mẹ đưa trẻ đi khám sẽ quyết định rất nhiều đến việc có bảo tồn được tinh hoàn hay phải cắt bỏ. Trẻ đến khám càng muộn thì khả năng bảo tồn càng thấp. Với trẻ lớn hơn 12 tháng tuổi mà tinh hoàn vẫn không về đúng vị trí thì phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất” – bác sĩ Nguyễn Thế Lương – Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội
“Trong đợt khám sàng lọc vừa qua, trường tôi có 221 cháu được khám và có không ít cháu có bất thường về bộ phận sinh dục và có 1 cháu không có cả hai bên tinh hoàn. Đợt khám sàng lọc này đã giúp giáo viên chúng tôi nhận thức được vấn đề là bé trai cũng cần phải chăm sóc về sức khỏe sinh sản, bộ phận sinh dục thay vì chỉ quan tâm đến bé gái như trước đây. Chúng tôi mong các cha mẹ hãy bỏ thời gian cùng với nhà trường, cơ quan y tế quan tâm đến sức khỏe sinh sản của các con” – Cô Phạm Thu Thủy – Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ, quận Hoàn Kiếm.
Benh.vn (Theo Pháp luật VN)