Đối với một số quốc gia trên thế giới, trước khi kết hôn các cặp đôi phải đi khám sức khỏe tiền hôn nhân theo quy định của pháp luật để đảm bảo sức khỏe sinh sản và hạnh phúc lứa đôi. Tuy nhiên, tại Việt Nam vấn đề này được coi là “tế nhị” dẫn đến nhiều bi kịch…Trước thực tế trên, dự thảo Luật Dân số Bộ Y tế đang xin ý kiến quy định về khám sức khỏe tiền hôn nhân…
Mục lục
Thế nào là khám sức khỏe tiền hôn nhân
Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm khám sức khỏe tổng thể; các kiểm tra có liên quan đến bệnh di truyền, bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần và bệnh liên quan đến thụ thai, mang thai, bệnh gây nguy hiểm cho sự phát triển bình thường của thai nhi.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân mang đến hạnh phúc trọn vẹn cho cả 2 giới, đặc biệt, tránh những rủi ro, tan vỡ do vô sinh, mất khả năng sinh lý…từ cả 2 phái.
Những câu chuyện có thật
Cú lừa ngoạn mục của người phụ nữ 30 tuổi
Câu chuyện về một doanh nhân tên M ở TPHCM khiến ai nghe kể cũng phải bất bình. Vì mải làm ăn, lại kén chọn nên đến tuổi tứ tuần anh mới chọn được “một nửa” ưng ý.
Cô gái mà anh cảm mến có ngoại hình khá bắt mắt, lại có một công việc ổn định ở một ngân hàng. Bố, mẹ là cán bộ công chức nhà nước nên anh M thực sự yên tâm và tin tưởng mình đã chọn được đúng người bạn đời phù hợp.
Tuy vậy, nếu xét về tuổi, cô gái này đã ở tuổi “toan về già” tuổi 30 như các cụ vẫn thường ví von lại xinh đẹp, có trình độ mà chưa có ý trung nhân thì có vẻ không hợp lý cho lắm…Vì vậy, anh có chút lăn tăn nhưng lại gạt đi ngay.
Sau 6 tháng tìm hiểu, đám cưới được tổ chức trong sự vui mừng của nhà trai…nhưng gần một năm sau ngày cưới, vợ anh mãi chưa có thai. Động viên vợ đi khám, lúc đó, cả gia đình mới ngã ngửa vì vợ anh đã bị phẫu thuật cắt buồng trứng nên không thể có con.
Lúc này, gia đình vợ mới nói cho anh biết sự thật. Biết ăn phải trái đắng, anh đành ngậm ngùi giải quyết ly hôn và mất luôn cả căn nhà 4 tầng ở mặt phố quận 4 vào tay cô vợ ghê gớm.
Gần 20 năm sống trong hy vọng
Anh A và chị H sống với nhau đã được gần 20 năm…Tuy nhiên, cảnh nhà vẫn cô quạnh, không có tiếng cười của con trẻ vì vợ anh bị vô sinh (sau khi kết hôn mới phát hiện ra), không có khả năng sinh nở.
Vì rất yêu và thương vợ nên cả hai đã tìm đến biện pháp thụ tinh nhân tạo để có con nhưng hết lần này đến lần khác hy vọng rồi thất vọng. Do vậy, từ một người đàn ông yêu đời, vui nhộn anh trở thành một con người lầm lỳ, ít nói, đôi lúc cục cằn…
Một ngày kia, vợ anh phát hiện chồng mình cặp bồ và cuộc sống của hai vợ chồng giờ như hai đầu biển cả mặc dù không ly dị nhau.
Thực tế và điều cần thiết để đưa khám tiền hôn nhân vào dự Luật
Việc vợ, hoặc chồng phát hiện vô sinh hoặc khó có con sau hôn nhân không phải là câu chuyện hiếm gặp. Có người chấp nhận chia tay, nhưng không ít cặp vợ chồng tình sâu nghĩa nặng đành sống với nỗi đau không thể có và đối mặt với vô vàn thách thức tan vỡ vì áp lực từ nhiều phía.
Vì vậy, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc làm khoa học, hết sức cần thiết. Trước thực tế trên, dự thảo Luật Dân số Bộ Y tế đang xin ý kiến quy định về khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Trong đó, dự thảo về nguyên tắc tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân là tự nguyện, tôn trọng nhân thân và bảo đảm bí mật riêng tư phù hợp với pháp luật hiện hành.Qua đó, các cặp nam nữ cần trao đổi thông tin với nhau về kết quả khám sức khỏe của mỗi người và những ảnh hưởng đến việc mang thai, sinh con và con có nguy cơ bị bệnh, tật bẩm sinh…
Những đối tượng đặc biệt
Đặc biệt, người thuộc hộ nghèo, người có điều kiện và hoàn cảnh khó khăn được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí khám sức khỏe tiền hôn nhân. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, mức hỗ trợ chi phí khám sức khỏe tiền hôn nhân theo từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra những trường hợp nam, nữ có nguy cơ cao ảnh hưởng đến việc mang thai, sinh con và con có nguy cơ bị bệnh, tật bẩm sinh. Đó là người có tiền sử các bệnh di truyền, truyền nhiễm, tâm thần của gia đình;Sống, làm việc ở môi trường có hóa chất độc hại, thuốc gây dị dạng, tia xạ; tiền sử sử dụng lâu dài các loại thuốc đặc hiệu, nghiện thuốc lá, nghiện rượu;Có bố, mẹ đẻ là những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời.
Việc dự thảo đưa khám sức khỏe tiền hôn nhân vào Luật là việc làm cần thiết mang tính thiết thực, bảo vệ cuộc sống lứa đôi, hạnh phúc và giống nòi Việt Nam. Đặc biệt, dự thảo còn mang tính nhân văn, bảo vệ cả nam cũng như nữ giới nếu không thể có con có thể chọn giải pháp khác để cân bằng cuộc sống.
Hải Yến