Hướng dẫn mới chẩn đoán và điều trị bệnh Giang Mai của Bộ Y tế
3. Chẩn đoán giang mai
3.1. Chẩn đoán xác định
Mục lục
– Khai thác tiền sử.
– Lâm sàng: theo các giai đoạn. – Xét nghiệm.
3.2. Các xét nghiệm
a) Tìm xoắn khuẩn: Ở các thương tổn như săng, mảng niêm mạc, sẩn hoặc hạch. Có thể soi tìm xoắn khuẩn trên kính hiển vi nền đen thấy xoắn khuẩn giang mai dưới dạng lò xo, di động hoặc nhuộm thấm bạc Fontana Tribondeau.
b) Các phản ứng huyết thanh
– Phản ứng không đặc hiệu: Kháng thể là một kháng thể kháng Lipid không đặc hiệu có tên là Reagin. RPR (Rapid Plasma Reagin), VDRL (Venereal Disease Research Laboratory). Hiện nay phản ứng RPR hoặc VDRL thường sử dụng vì các ưu điểm:
+ Phản ứng dương tính sớm.
+ Kỹ thuật đơn giản nên có thể sử dụng như phản ứng sàng lọc, lồng ghép khám sức khỏe hàng loạt.
+ Là phản ứng không đặc hiệu nhưng có giá trị chẩn đoán.
– Các phản ứng đặc hiệu: Kháng nguyên là xoắn khuẩn gây bệnh giang mai, kháng thể đặc hiệu. T.P.I (Treponema Pallidum Immobilisation’s Test): phản ứng bất động xoắn khuẩn. F.T.A (Fluorescent Treponema Antibody’s Test): phản ứng miễn dịch huỳnh quang có triệt hút. F.T.Aabs (Fluorescen Treponema Antibody Absortion’s Test), T.P.H.A (Treponema Pallidum Hemagglutination’s Assay).
4. Điều trị
4.1. Nguyên tắc
– Điều trị sớm và đủ liều để khỏi bệnh, ngăn chặn lây lan, đề phòng tái phát và di chứng.
– Điều trị đồng thời cho cả bạn tình của người bệnh.
– Penicilin là thuốc được lựa chọn, cho đến nay chưa có trường hợp nào xoắn khuẩn giang mai kháng penicilin.
4.2. Penicilin
4.2.1 Cơ chế tác dụng
– Penicilin có tác dụng diệt xoắn khuẩn
– Tác dụng diệt xoắn khuẩn chủ yếu xảy ra trong giai đoạn xoắn khuẩn
sinh sản, phân chia.
– Chu kỳ sinh sản của xoắn khuẩn là 30 – 33h/lần. Ở giang mai sớm, xoắn khuẩn càng sinh sản và phát triển mạnh thì tác dụng của penicilin càng cao. Ngược lại, ở giang mai muộn, nhịp độ sinh sản và phát triển của xoắn khuẩn chậm thì dùng penicilin càng kém hiệu quả. Vì vậy, cần kéo dài thời gian dùng penicilin hơn.
– Nồng độ ức chế tối thiểu là 0,03 đv/ml huyết thanh. Nhưng nồng độ điều trị phải là 0,07 – 0,2 đv/ml huyết thanh. Nồng độ cao của penicilin không có tác dụng diệt xoắn khuẩn mà còn ức chế sự sinh sản của xoắn khuẩn nên chỉ loại penicilin chậm tiêu là thích hợp nhất.
4.2.2 Phác đồ điều trị: Tùy theo bệnh giang mai mới mắc hay đã mắc lâu mà áp dụng phác đồ thích hợp.
a) Điều trị giang mai I: Áp dụng 1 trong 3 phác đồ theo thứ tự ưu tiên:
– Benzathin penicilin G: 2.400.000 đv tiêm bắp sâu liều duy nhất, chia
làm 2, mỗi bên mông 1.200.000 đv.
– Hoặc penicilin procain G: Tổng liều 15.000.000 đv. Mỗi ngày tiêm 1.000.000 đv, chia 2 lần, sáng 500.000 đv, chiều 500.000 đv.
– Hoặc benzyl penicilin G hòa tan trong nước. Tổng liều 30.000.000 đv. Ngày tiêm 1.000.000 đv chia làm nhiều lần cứ 2 – 3h tiêm 1 lần, mỗi lần 100.000 – 150.000 đv.
b) Điều trị giang mai II sơ phát, giang mai kín sớm: Áp dụng 1 trong 3 phác đồ theo thứ tự ưu tiên:
– Benzathin penicilin G: Tổng liều 4.800.000 đv tiêm bắp sâu, trong 2 tuần liên tiếp. Mỗi tuần tiêm 2.400.000 đv, chia làm 2, mỗi bên mông 1.200.000 đv.
– Hoặc penicilin Procain G: Tổng liều 15.000.000 đv. Mỗi ngày tiêm 1.000.000 đv, chia 2 lần, sáng 500.000 đv, chiều 500.000 đv.
– Hoặc benzyl penicilin G hòa tan trong nước. Tổng liều 30.000.000 đv. Ngày tiêm 1.000.000 đv chia làm nhiều lần cứ 2 – 3h tiêm 1 lần, mỗi lần 100.000 – 150.000 đv.
* Nếu dị ứng với penicilin thì thay thế bằng: tetracyclin 2g/ngày x 15 ngày hoặc erythromycin 2g/ngày x 15 ngày.
c) Điều trị giang mai II tái phát, phụ nữ có thai, giang mai III, giang mai kín muộn, giang mai bẩm sinh muộn ở người lớn: Áp dụng một trong ba phác đồ theo thứ tự ƣu tiên:
– Benzathin penicilin G: Tổng liều 9.600.000 đv, tiêm bắp sâu trong 4 tuần liên tiếp. Mỗi tuần tiêm 2.400.000 đv, chia làm 2, mỗi bên mông 1.200.000 đv, hoặc
– Penicilin Procain G: Tổng liều 30.000.000 đv. Mỗi ngày tiêm 1.000.000 đv, chia 2 lần, sáng 500.000 đv, chiều 500.000 đv, hoặc
– Benzyl penicilin G hòa tan trong nước: Tổng liều 30.000.000 đv. Ngày tiêm 1.000.000 đv chia làm nhiều lần, cứ 2 – 3h tiêm 1 lần, mỗi lần 100.000 – 150.000 đv.
* Nếu người bệnh dị ứng với penicilin có thể thay thế bằng tetracyclin 2 – 3g/ngày trong 15 – 20 ngày. Phụ nữ có thai dùng erythromycin 2 – 3 g/ngày trong 15 – 20 ngày.
d) Điều trị giang mai bẩm sinh:
– Đối với giang mai bẩm sinh sớm (trẻ ≤ 2 tuổi)
+ Nếu dịch não tủy bình thường: Benzathin penicilin G 50.000 đv/kg cân nặng, tiêm bắp liều duy nhất.
+ Nếu dịch não tủy bất thường: Benzyl penicilin G 50.000 đv/kg cân nặng tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp 2 lần/ngày trong 10 ngày hoặc procain penicilin G 50.000 đv/kg cân nặng tiêm bắp trong 10 ngày.
– Đối với giang mai muộn (trẻ > 2 tuổi): Benzyl penicilin G 20.000 – 30.000 đv/kg/ngày tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp chia 2 lần, trong 14 ngày.
* Nếu người bệnh dị ứng với penicilin: Erythromycin 7,5 – 12,5mg/kg, uống 4 lần/ngày trong 30 ngày.
Lưu ý:
– Điều trị có hiệu quả khi định lượng hiệu giá kháng thể sau điều trị giảm xuống.
– Xét nghiệm lại RPR nên được tiến hành vào tháng thứ 3, 6 và 12 sau khi hoàn thành điều trị.
– Phần lớn các trường hợp giang mai có HIV sẽ đáp ứng tốt với phác đồ điều trị chuẩn.
5.Phòng bệnh
– Tuyên truyền, giáo dục y tế cho cộng đồng thấy được nguyên nhân, cách lây truyền, biến chứng và cách phòng bệnh.
– Tập huấn chuyên môn cho các bác sĩ đa khoa, chuyên khoa da liễu và sản phụ khoa để khống chế đến mức tối đa lậu mắt ở trẻ sơ sinh.
– Hướng dẫn tình dục an toàn: Chung thủy một vợ, một chồng. Tình dục không xâm nhập. Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục: Dùng đúng cách và thường xuyên, đặc biệt các đối tượng có nguy cơ cao như gái mại dâm, “khách làng chơi”. Thực hiện chương trình 100% sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với đối tượng gái mại dâm.