Các chất phóng xạ rò rỉ từ nhà máy điện hạt nhân hay từ một vụ nổ bom nguyên tử thường gây phơi nhiễm phóng xạ ở mức độ cao với những tổn thương nặng nề đối với cơ thể nạn nhân và có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học cho biết đang phát triển một loại thuốc mới có tên là DMOG, có thể giúp những bệnh nhân bị nhiễm phóng xạ nặng kéo dài sự sống, đồng thời mở ra hy vọng mới trong việc điều trị cho các bệnh nhân bị ung thư.
Trong một công trình nghiên cứu được đăng trên tờ Science Translational Medicine số ra ngày 14/5, các nhà khoa học đến từ trường Đại học Stanford của Mỹ đã thử nghiệm tác dụng của hai loại protein có tên HIF1 và HIF2 trong việc ngăn ngừa cũng như giảm thiểu những tổn thương trên cơ thể, đặc biệt là ống ruột, đối với những con chuột thí nghiệm bị nhiễm phóng xạ ở mức độ cao.
Đầu tiên, các nhà nghiên cứu sử dụng những con chuột biến đổi gene nhằm triệt tiêu enzyme PHD vốn có khả năng kiềm chế sự ổn định và phát triển của hai loại protein trên.
Kết quả cho thấy 70% con chuột biến đổi gene có thể sống sót ít nhất 30 ngày sau khi vùng bụng của chúng tiếp xúc với phóng xạ ở nồng độ cao, trong khi 27% sống sót ít nhất 30 ngày sau khi toàn bộ cơ thể bị nhiễm phóng xạ.
Đo chỉ số phóng xạ cao tại nhà máy điện Fukushima, Nhật Bản (ảnh)
Tiếp đó, các nhà khoa học tiếp tục cho những những con chuột bình thường dùng thuốc DMOG – giúp ức chế hoạt động của enzyme PHD – trước khi cho chúng tiếp xúc với phóng xạ.
Họ nhận thấy rằng 67% trong số chúng có thể sống ít nhất 60 ngày sau khi bị nhiễm phóng xạ cao ở vùng bụng và 40% sống được ít nhất 30 ngày sau khi toàn bộ cơ thể bị nhiễm xạ nặng.
Việc điều trị bằng DMOG đối với những con chuột bị nhiễm xạ sau 24 tiếng cũng mang lại kết quả khả quan khi thuốc này giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi những tổn thương trong cơ thể.
Trong khi đó, trong cả hai trường hợp, những con chuột bình thường đều chết trong vòng 10 ngày sau khi bị nhiễm phóng xạ nặng. Nghiên cứu cũng cho thấy protein HIF2 đóng vai trò tích cực hơn HIF1 trong việc bảo vệ cơ thể khi bị nhiễm phóng xạ.
Mặc dù ngạc nhiên trước khả năng bảo vệ cơ thể và chữa lành những tổn thương của DMOG cùng hai loại protein HIF1 và HIF2 đối với những con chuột bị nhiễm phóng xạ, các nhà khoa học cho rằng vẫn còn cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nữa bởi chuột có khả năng chịu đựng các tác động của phóng xạ cao hơn con người.
Tuy nhiên, họ cũng đánh giá việc nghiên cứu và tìm hiểu cơ chế của DMOG là một tài liệu vô giá, góp phần phát triển những phương thức điều trị mới cho bệnh nhân bị nhiễm phóng xạ, đồng thời giúp phần nào giảm thiểu các độc tố mà bệnh nhân ung thư có thể bị ảnh hưởng khi được điều trị bằng phương pháp xạ trị.
Bên cạnh những hiệu quả to lớn trong công nghiệp và y học, các chất phóng xạ và tia bức xạ cũng gây ra những hậu quả vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe con người nếu sự tác động vượt quá giới hạn an toàn. Khi cơ thể bị nhiễm phóng xạ, người bệnh có thể mắc các bệnh như ban đỏ, da bong vảy, giảm bạch cầu hạt, ung thư, vô sinh.
Nhiễm phóng xạ khiến cơ thể không thể tự sửa chữa tổn thương đúng cách, dẫn đến nhiều nguy cơ gây biến đổi gen của cơ thể, gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm và có thể để lại di truyền cho nhiều thế hệ. Ngoài ra, việc tiếp xúc phóng xạ ở mức độ lớn cũng khiến con người bị bỏng da, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.