Nhiều người thường nhầm lẫn kháng sinh có khả năng tiêu diệt các loại vi sinh vật. Nhưng thực tế có phải như vậy?
Đặc điểm của vi sinh vật gây bệnh
Vi sinh vật là những sinh vật có kích thước rất nhỏ, bao gồm vi khuẩn, virus và nấm.
Mỗi loại vi sinh vật khác nhau có khả năng gây bệnh khác nhau. Ví dụ: Virus cúm thường gây ra ho và cảm lạnh, vi khuẩn phế cầu có thể gây viêm phổi, nấm sợi có khả năng gây nhiễm trùng da.
Ngoài ra, các vi sinh vật khác nhau có thể là nguyên nhân của cùng một loại bệnh. Chẳng hạn như: viêm họng có thể do cả vi khuẩn hoặc virus gây ra.
Có phải kháng sinh có hiệu quả trên tất cả các loại vi sinh vật?
Quan niệm kháng sinh có khả năng tiêu diệt các loại vi sinh vật là hoàn toàn sai lầm.
Chỉ có các bệnh gây ra bởi vi khuẩn thì kháng sinh mới có hiệu quả. Kháng sinh chỉ có khả năng tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, chứ không có tác dụng trên các loại vi sinh vật khác.
Trước khi vi khuẩn có thể nhân lên và gây ra các triệu chứng bệnh nhiễm khuẩn, chúng thường bị tiêu diệt bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, đôi khi chúng nhân lên một cách quá nhanh và quá mạnh, khiến cho hệ miễn dịch không chống trả được hoặc vì một lý do nào đó hệ thống miễn dịch của chúng ta bị suy yếu, không đủ khả năng tiêu diệt vi khuẩn, lúc này các triệu chứng nhiễm khuẩn sẽ xuất hiện.
Trong trường hợp đó kháng sinh là vũ khí hữu hiệu để chống lại và giúp cứu sống con người khỏi nhiễm trùng.
Kháng sinh đầu tiên trên thế giới là penicillin G được tìm ra vào năm 1928. Cho đến nay đã có thêm rất nhiều kháng sinh được nghiên cứu và đưa vào sử dụng, cứu sống hàng triệu người. Tuy nhiên, nếu không dùng kháng sinh đúng cách, vi khuẩn có thể học được cách chống lại kháng sinh, làm cho kháng sinh không còn tác dụng. Nếu thế giới không còn kháng sinh có hiệu quả, con người sẽ lâm vào đại nạn bởi lúc đó chúng ta hoàn toàn có thể tử vong chỉ vì một nhiễm khuẩn rất nhỏ – do không có kháng sinh điều trị.