Đường hóa học là loại đường bị giới hạn liều lượng sử dụng khi dùng cho thực phẩm đồng thời khi dùng phải có sự hướng dẫn của bác sĩ, nếu dùng nhiều và lâu dài sẽ gây tác hại rất xấu cho cơ thể. Vậy mà cũng như hàn the và các phụ gia thực phẩm bị cấm khác đường hóa học vẫn bị lạm dụng quá mức cho phép khi chế biến thực phẩm. Đường hóa học thực chất là gì, tác hại mà nó gây ra cho cơ thể như thế nào?
Mục lục
Đường hóa học là gì?
Đường hóa học là dạng tinh thể, màu trắng (Ảnh minh họa)
Đường hóa học, tên tiếng Anh là Saccharin, là chất tạo ngọt tổng hợp, không có trong tự nhiên, ngọt hơn so với đường kính Saccharose (loại đường chiết xuất tự nhiên từ mía, củ cải) khoảng 500 lần và không có giá trị dinh dưỡng nào khác.
Hiện nay ở Việt Nam, quy định danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế ban hành năm 2001 có cho phép sử dụng 6 loại chất ngọt tổng hợp: manitol, acesulfam kali, aspartam, isomalt, saccharin (và các muối Na, K, Ca của nó), sorbitol, sucralose.
Đường hóa học được sử dụng ra sao?
Đường hóa học bị lạm dụng vì giá thành rẻ và độ ngọt cao hơn đường tự nhiên (Ảnh minh họa)
Đường hóa học được sử dụng trong các chế độ ăn kiêng và các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường vì nó không làm tăng đường huyết không dẫn đến tác dụng phụ là kích hoạt cảm giác đói và thèm ngọt nhưng chỉ được dùng với một liều lượng nhỏ dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Thế nhưng trên thị trường hiện nay đường hóa học bị lạm dụng trên mức báo động, chưa bao giờ đường hóa học và các sản phẩm được chế biến từ đường hóa học lại tràn lan đến thế. Những người bán hàng hay những công ty, nhà sản xuất thản nhiên cho đường hóa học vào thực phẩm mà không quan tâm đến liều lượng cũng như tác hại cho người tiêu dùng. Chỉ đơn giản bởi đường hóa học rẻ và cho độ ngọt hơn gấp cả trăm lần, tiết kiệm chi phí mang lại lợi nhuận cho họ hơn so với khi sử dụng đường tự nhiên rất nhiều.
Tác hại của đường hóa học đối với sức khỏe con người
Đường hóa học ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai phụ (Ảnh minh họa)
Trên thị trường hiện nay tồn tại rất nhiều những chất tạo ngọt có gốc hóa học là sodium cyclamate – một loại đường hóa học không hề có trong danh mục các loại phụ gia thực phẩm đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành tại Việt Nam, nó có thể gây ra ung thư gan, ung thư phổi, dị dạng bào thai, ảnh hưởng đến các yếu tố di truyền…
Nếu thai phụ thường xuyên ăn nhiều đường hóa học, sẽ gây kích thích niêm mạc đường ruột và ảnh hưởng đến chức năng men tiêu hóa, dẫn đến suy giảm chức năng tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa và gây trở ngại cho sự hấp thụ chất dinh dưỡng. Đồng thời có thể tăng gánh nặng cho thận, có hại đối với thận. Sử dụng bừa bãi có thể gây ung thư gan, thận, phổi hoặc thậm chí gây dị dạng bào thai.
Với trẻ nhỏ chức năng thải độc của gan, thận đều kém nên các hóa chất này sẽ tích lũy lại. Một số trẻ tự nhiên biếng ăn bởi các hóa chất cản trở khả năng hấp thu protein, sắt, kẽm khiến trẻ chậm lớn.
Và cho đến hiện nay các nhà nghiên cứu khoa học vẫn đang nghiên cứu thêm, chúng ta vẫn không thể biết được rằng đường hóa học còn bao nhiêu tác hại nguy hiểm và khó lượng đối với cơ thể nữa.
Nhận biết đường hóa học và những cách bảo vệ bản thân khỏi tác hại của chúng
Đường hóa học thường khiến món ăn có vị ngọt sắc, không ngọt dịu như đường tự nhiên và cảm giác sau khi ăn những thứ làm từ đường hóa học là cổ họng sẽ có vị đắng.
Chỉ nên dùng đường tự nhiên và các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng (Ảnh minh họa)
Để tránh tình trạng lạm dụng đường hóa học trong chế biến thực phẩm hiện nay, chúng ta nên hạn chế dùng đường hóa học, chỉ nên sử dụng các loại chất tạo ngọt nhân tạo có trong danh mục được phép lưu hành của Bộ Y tế và với liều lượng nhỏ trong mức cho phép. Đồng thời người tiêu dùng nên sử dụng các loại thực phẩm có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo, hạn chế ăn ở các quán hàng ven đường để đảm bảo sức khỏe.
Về mặt quản lý, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho những người bán hàng về tác hại cũng như cung cấp thông tin, liều lượng cho phép về các loại chất tạo ngọt cho họ. Thanh tra các cấp cần liên tục rà soát kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm để phát hiện sai phạm và xử lý kịp thời.
Benh.vn tổng hợp