Nghiên cứu đã chỉ ra, lớp mỡ bụng dưới của phần bụng có thể sản sinh ra nhiều loại protein làm tăng nguy cơ ung thư so với mỡ ở dưới các vùng da khác trên cơ thể. Nghiên cứu tại Đại học bang Michigan, Hoa Kỳ được cho là đã góp phần giải thích nghi vấn trên. Một loại protein đặc biệt ở trong phần mỡ của cơ thể có khả năng biến đổi tế bào bình thường thành tế bào ung thư.
Mối liên hệ giữa “chỉ số vòng 2” và nguy cơ ung thư
Theo ước tính khoảng hơn một phần ba dân số trên thế giới đang mắc bệnh béo phì. Các chuyên gia cho rằng béo phì có mối liên kết với một số bệnh ung thư như ung thư vú, ruột kết, tuyến tiền liệt, tử cung, và thận.
PGS. Jamie Bernard, Khoa Dược học và Độc học, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Mặc dù hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư tân tiến giúp cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân, tuy nhiên số trường hợp mắc phải bệnh ung thư ngày càng tăng. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân gây nên ung thư để có các biện pháp phòng ngừa như điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc nhờ sự can thiệp của các liệu pháp điều trị để giảm số trường hợp ung thư”.
Theo quan điểm của bà Bernard, thừa cân không phải là nguyên nhân duy nhất để xác định nguy cơ ung thư. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc sử dụng chỉ số cơ thể (BMI) không phải là chỉ thị (indicator) tốt nhất. Thay vào đó, nồng độ một loại protein gọi là Fibroblast growth factor-2 (FGF2) có thể được xem là chỉ thị tốt nhất trong việc xem xét nguy cơ tế bào biến đổi thành ung thư”.
Mỡ bụng được chia thành hai lớp. Lớp trên cùng gọi là lớp mỡ dưới da (subcutaneous fat). Lớp phía dưới gọi là lớp mỡ phủ tạng (visceral fat). Lớp mỡ này được cho là nguy hiểm hơn so với lớp mỡ dưới da.
Thí nghiệm trên chuột
PGS Bernard và cộng sự đã sử dụng chuột để tiến hành thí nghiệm, áp dụng chế độ ăn nhiều chất béo. Sau đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng lớp mỡ phủ tạng sản sinh ra một lượng lớn FGF2 so với lớp mỡ dưới da. FGF2 kích thích một số tế bào nhạy cảm với protein này trong cơ thể và biến chúng thành các khối u.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu lấy mô mỡ phủ tạng từ nữ giới phẫu thuật cắt bỏ tử cung và cấy vào trong chuột. Kết quả cho thấy mô mỡ này sản sinh ra lượng lớn protein FGF2 và biến đổi nhiều tế bào bình thường thành tế bào ung thư.
Qua đó, bà Bernard kết luận “Mỡ trong cá thể chuột và người có khả năng biến đổi tế bào bình thường thành các tế bào ung thư ác tính”. Ngoài ra, mỡ còn sản sinh ra vài hợp chất khác bao gồm hóc-môn estrogen có khả năng ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư. Nhưng nhiều giả thuyết cho rằng hóc-môn này chỉ có mối liên hệ với ung thư nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ung thư. Có khả năng yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.
Được biết, nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Oncogene và tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ. Qua đó mở ra tia hy vọng cho sự phát triển các hợp chất chống ung thư mới, ngăn chặn ảnh hưởng của protein FGF2.
Cẩm nang y học Benh.vn (Theo Sciencedaily & Soha.vn)