Tình trạng lão hóa dẫn đến rụng răng ở người cao tuổi ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, phát âm, nói thều thào hoặc ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, rụng răng còn dẫn đến giảm thính lực, thậm chí lâu ngày dẫn đến điếc.
GS Hoàng Tử Hùng, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết ở người cao tuổi diễn ra quá trình lão suy ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, trong đó có bộ răng. Tuy nhiên, rụng răng không phải là tiến trình bắt buộc mà đa số răng có thể tồn tại đến cuối đời nếu biết cách bảo vệ và chăm sóc.
Bộ răng cần được bảo vệ và chăm sóc trong suốt đời sống, từ giai đoạn trong bụng mẹ, từ khi trẻ chưa có răng, trong thời kỳ bộ răng sữa và suốt đời sống. Có hai biện pháp chính, là biện pháp cá nhân và biện pháp cộng đồng. Trong đó, các biện pháp cá nhân giữ vai trò quyết định.
Đó là thói quen giữ gìn vệ sinh răng miệng, cần chải răng tối thiểu mỗi ngày hai lần (một lần sau bữa ăn sáng và một lần trước khi đi ngủ). Đa số kem đánh răng hiện nay đều có chất fluor giúp ngừa sâu răng và chải răng giúp làm sạch răng, tránh được mảng vi khuẩn có hại gây viêm nướu. Việc chải răng như thế nào cũng cần tìm hiểu để phù hợp với răng miệng của từng người.
Sử dụng hợp lý thực phẩm (gồm thức ăn và thức uống), ngoài việc chú ý cân đối về mặt dinh dưỡng, cần tránh dùng thức ăn vặt có chất bột đường (nhiều loại kẹo, bánh) dễ dính vào răng; cũng cần tránh việc sử dụng thường xuyên các loại nước giải khát có đường đóng chai vì hầu hết đều có chứa chất bảo quản gây mòn răng. Cách sử dụng bộ răng cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe của chính nó. Khám răng miệng định kỳ (sáu tháng đến một năm một lần) để phát hiện và điều trị sớm các bệnh răng miệng.
Ngoài ra, người cao tuổi nên có một kế hoạch điều trị nha khoa một cách triệt để trước khi bước vào tuổi 60. Những răng bị sâu nên trám lại, nếu mất răng nên trồng lại răng giả mới. Vì càng lớn tuổi sức khỏe càng kém, điều trị nha khoa triệt để là điều cần thiết ở giai đoạn này.
Benh.vn/Tổng hợp