Tác hại của thiếu ngủ
Hiện nay con người phải chia ca, kíp làm việc nên giấc ngủ cũng bị đảo lộn theo ca, kíp. Do đó, khi làm đêm thì chúng ta phải ngủ ngày. Việc thiếu ngủ 1-2 tiếng/ngày và kéo dài vài ngày không gây hại gì đáng kể. Nhưng tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe vì bộ não không được phục hồi.
Thiếu ngủ sẽ làm giảm trí nhớ, giảm khả năng phản ứng, khiến con người làm việc không hiệu quả, thiếu kiên nhẫn trong ứng xử và thiếu linh hoạt trong các mối quan hệ xã giao. Chất lượng giấc ngủ cũng rất quan trọng và tùy thuộc thời gian ngủ (chứ không phải thời gian nằm trên giường). Khi ngủ dậy, nếu bạn thấy khỏe hơn, sảng khoái hơn thì có thể coi là ngủ đủ, chất lượng giấc ngủ tốt. Rối loạn giấc ngủ có nhiều kiểu khác nhau, có khi là bình thường, có khi là bệnh lý.
Rối loạn giấc ngủ bệnh lý
Rối loạn giấc ngủ có thể là một trong các triệu chứng của rối loạn khác, hoặc là tâm thần (trầm cảm, rối loạn khí sắc…), hoặc là cơ thể (viêm não, u não, đau bao tử, đau nhức cơ, khớp…). Dưới góc độ tâm thần học, rối loạn giấc ngủ được chia thành: mất ngủ, ngủ nhiều, rối loạn nhịp thức ngủ, ác mộng, chứng mộng du (đi trong khi ngủ), chứng hoảng sợ khi ngủ.
Mất ngủ do nhiều nguyên nhân gây ra. Mất ngủ trong 1-2 ngày thường là do lạ chỗ, do chưa thích nghi với môi trường mới. Đây là kiểu mất ngủ bình thường. Mất ngủ 4-7 ngày thường là do yếu tố tâm lý, bị ảnh hưởng của stress (stress do yếu tố kinh tế như bị giật hụi, làm ăn thua lỗ; stress do yếu tố gia đình hoặc môi trường xã hội dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột…). Nếu giải quyết được các nguyên nhân gây stress, bệnh nhân sẽ ngủ ngon.
Nếu bị mất ngủ kéo dài từ trên một tuần, vài tuần đến vài tháng, bạn cần đi khám xem có bệnh lý gì kèm theo không. Các bệnh lý kèm theo có thể là bệnh nội khoa hoặc tâm thần như rối loạn khí sắc, trầm cảm, động kinh trong giấc ngủ.
Khi bị rối loạn khí sắc, người bệnh thường có biểu hiện mất ngủ hoặc ngủ nhiều. Họ khó ngủ, thức sớm, thức dậy có cảm giác buồn, uể oải, không có sức lực, thậm chí không muốn ngồi dậy, không muốn cầm ly nước đánh răng. Mất ngủ cũng có thể là biểu hiện đầu tiên của bệnh rối loạn lo âu; người bệnh luôn có cảm giác chờ đợi nặng nề, sợ hãi vô cớ, có cảm giác không an toàn kỳ lạ…
Với bệnh động kinh trong giấc ngủ, người bệnh ngủ khó, có lúc thức đột ngột giữa đêm, có khi kèm theo tiểu dầm.
Những người bị hội chứng mệt mỏi kinh niên (do làm việc căng thẳng trong thời gian kéo dài), trầm cảm (với biểu hiện mất năng lượng, mất mọi quan tâm và hứng thú làm việc) cũng có thể bị rối loạn giấc ngủ: ngủ chập chờn, chất lượng giấc ngủ kém, ngủ không sâu, không có sức lực khi thức dậy.
Khi mắc phải vấn đề nghiêm trọng về giấc ngủ, người bệnh cần phải đến bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được giúp đỡ. Không tự ý dùng thuốc ngủ và tránh lạm dụng thuốc ngủ.