Theo số liệu thống kê cho thấy, hiện nay tỷ lệ bệnh nhân bị bệnh tâm thần ở Việt Nam đang gia tăngvới tỷ lệ trẻ hóa ngày càng nhiều.
Trở về những thập kỷ trước, cuộc sống con người đơn giản hơn bởi các chế độ đãi ngộ từ cơm áo, gạo, tiền…đều do nhà nước chi trả. Thời nay xu hướng mở cửa, hội nhập bùng nổ, xã hội tiến bộ vượt bậc, thông thương nên đời sống con người được cải thiện. Tuy nhiên những mối lo về cạnh tranh kinh tế cũng là áp lực đối với cuộc sống mỗi người.
Nguyên nhân gây bênh tâm thần
+ Do di truyền.
+ Do mất cân bằng sinh hóa trong cơ thể.
+ Do tổn thương hệ thần kinh.
Tỷ lệ bệnh nhân tâm thần tăng nhanh do áp lực công việc, thi cử, lo lắng kinh tế…
+ Do cuộc sống đối mặt với nhiều áp lực như công việc, học tập, thi cử, kinh tế.
+ Do những tác động của mặt trái xã hội gồm nghiện game, chất kích thích cũng làm gia tăng bệnh tâm thần…
Các bệnh về tâm thần
+ Tâm thần phân liệt.
+ Rối loạn hành vi.
+ Trầm cảm.
+ Loạn thần tuổi già.
+ Loạn thần do nghiện rượu, ma túy…
Tâm sự của người nhà bệnh nhân
Anh N.M.T (Thanh Xuân, Hà Nội) có con trai 17 tuổi bị tâm thần chia sẻ
“Sau khi vào lớp 10, không biết có phải vì áp lực học tập hay tác động ngoài xã hội nào mà gần 2 tháng nay, cháu nó có những biểu hiện không bình thường về tâm lý.
Lúc thì ngồi lì trong phòng đóng cửa hàng giờ liền, không nói chuyện với ai, có lúc lại nổi cáu, cục cằn với mọi người một cách vô cớ. Nhưng đáng lo nhất là về đêm, cháu rất hay thức dậy đi lang thang quanh nhà, trong khi đây đang là tuổi ăn, tuổi ngủ”.
Chị B (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết
“Gia đình lo làm ăn, ít quan tâm tới cháu nên nó nghiện game tới mức trầm cảm mới phát hiện ra. Cũng may sau hơn 3 tháng điều trị, sức khỏe và tinh thần của cháu đã có tiến triển tốt”.
Nghiện game cũng là nguyên nhân dẫn đến tâm thần
Ý kiến của các chuyên gia
TS-BS La Đức Cương, Giám đốc BV Tâm thần Trung ương
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh tâm thần, như: di truyền, mất cân bằng sinh hóa, nghiện game, rượu, ma túy tổng hợp…
Ngoài ra, do nhiều người ngày càng phải đối mặt với áp lực về kinh tế, công việc, học hành căng thẳng hay biến cố trong đời sống cá nhân cũng gây ra những tác động không nhỏ tới tâm trí.
Đáng lo hơn, hiện nay số người được chẩn đoán và tự biết mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần chỉ chiếm chưa tới 30%, còn lại không biết và không thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên không được chăm sóc và điều trị kịp thời đúng bệnh.
BS Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội
Trung bình mỗi năm bệnh viện Tâm thần Hà Nội phải khám chữa bệnh ngoại trú cho gần 20.000 người và điều trị nội trú trên 3.500 bệnh nhân. Tuy nhiên, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa lại thiếu rất nhiều so với nhu cầu điều trị của người bệnh.
Thực trạng về việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân tâm thần
Trong khi số người mắc các rối loạn về tâm thần đang tăng nhanh thì việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần đang gặp nhiều khó khăn.
Phân biệt đối xử của xã hội đối với người bệnh
Đáng lo ngại là việc thiếu nguồn nhân lực y bác sĩ chuyên ngành tâm thần, cũng như thiếu cơ sở chuyên khoa tâm thần chuyên biệt để điều trị cho bệnh nhân nội trú, ngoại trú.Bên cạnh đó, chính sách thu hút đối với cán bộ chuyên khoa tâm thần hiện còn nhiều bất cập, thu nhập thấp trong khi phải làm việc vất vả nên việc tuyển dụng bác sĩ vào các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa tâm thần rất khó khăn, đặc biệt ở tuyến tỉnh. Hiện nay, nhiều bệnh viện tâm thần tuyến tỉnh vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu bác sĩ chuyên khoa.
Mặc dù Việt Nam đã xây dựng mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, nhưng mới chỉ tập trung vào việc điều trị tâm thần phân liệt và động kinh. Đầu tư trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần cũng chỉ mới dừng ở mức độ chăm sóc, điều trị, cấp phát thuốc khi đã mắc bệnh. Còn những vấn đề về dự phòng, tầm soát và phát hiện sớm chưa thực sự được quan tâm đầu tư đúng mức, trong khi số người bị rối loạn trầm cảm trong cộng đồng lại có xu hướng ngày càng tăng ở nhiều lứa tuổi.
Đặc biệt, sự khó khăn trong xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội đối với người bệnh và sự trở ngại trong việc hồi phục, tái hòa nhập cộng đồng.
Lời kết
Theo các nghiên cứu chuyên khoa về tâm thần, thời gian gần đây số người mắc bệnh tâm thần tăng nhanh. Thống kê cho thấy hiện có khoảng 20% dân số đang mắc 1 trong 10 loại bệnh tâm lý, tâm thần thường gặp như: trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi…Đáng báo động là tỷ lệ bệnh thường gặp ở tuổi 30 chiếm 45% số bệnh nhân đến khám và điều trị.
Vì vậy, để bảo vệ bản thân và gia đình, chúng ta cần sắp xếp công việc và thời gian hợp lý, điều hòa cuộc sống của chính bản thân mình. Tránh căng thẳng, stress kéo dài, không sử dụng các chất gây nghiện, đặc biệt tránh sức hút “nghiện game” và những ảnh hưởng tiêu cực từ đời sống hiện đại…
Hải Yến – Benh.vn