Tài sản quý giá của con người bao gồm trí tuệ, sức khỏe và ngày xưa các cụ thường ví von “giàu hai con mắt”…Qua đó, nêu bật lên vai trò của nhãn quang trong đời sống cũng như sự thiệt thòi của những người không may mất đi thị lực. Tuy nhiên, nhờ sự tiến bộ của y học, một người phụ nữ ở Anh đã lấy lại được ánh sáng bằng phương pháp điều trị tế bào gốc, mở ra một quá trình điều trị mới cho loài người…
Một người phụ nữ Anh đã trở thành bệnh nhân đầu tiên trong lịch sử đi tiên phong trong việc sử dụng phương pháp chữa trị bằng tế bào gốc nhằm lấy lại thị lực do mắt bị lão hóa qua thời gian.
Hành trình 10 năm nghiên cứu
Các nhà khoa học và các bác sĩ của Anh đã tiến hành chữa trị bằng phương pháp phẫu thuật cấy ghép tế bào mắt – ở đây là tế bào biểu mô sắc tố ở lớp võng mạc (retinal pigment epithelium) – vào đôi mắt của bệnh nhân. Các tế bào mắt này được phát triển từ các tế bào gốc và được cấy ghép thông qua một “mảnh vá y khoa” được thiết kế đặc biệt. “Mảnh vá” này sau đó sẽ được chèn vào phía sau lớp võng mạc.
Điều trị bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc mở ra một triển vọng mới
Quá trình chữa trị chỉ kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, nhưng đây lại chính là kết quả của hơn 10 năm nghiên cứu và phát triển của Dự án London Project to Cure Blindness (Anh). Mục tiêu của dự án này là mang lại thị lực cho những bệnh nhân mắc phải bệnh thoái hóa võng mạc (age-related macular degeneration (AMD)). Căn bệnh này chiếm tỷ lệ hơn một nửa trong số các bệnh suy giảm thị lực ở các quốc gia phát triển và ảnh hưởng đến hơn 50 triệu dân số trên toàn cầu.
Phương pháp tế bào gốc có thể chữa trị rất thành công bệnh thoái hóa võng mạc ướt (‘wet’ AMD). Nguyên nhân của căn bệnh này bắt nguồn từ những chất cặn trong mắt bị chảy vào “điểm vàng” – một điểm đặc biệt trong mắt nằm gần trung tâm của võng mạc. Trong khi đó, bệnh thoái hóa võng mạc khô lại bắt nguồn từ sự mỏng đi của lớp tế bào biểu mô sắc tố nằm trong lớp võng mạc ở điểm vàng. Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp chữa trị hiệu quả bệnh thoái hóa võng mạc khô.
Chuyên gia phẫu thuật võng mạc Lyndon Da Cruz ở Viện Mắt Moorfiels cho biết “Chúng tôi đang tiếp tục tiến hành nghiên cứu, và trong một tương lai không xa, những bệnh nhân mắc chứng thoái hóa võng mạc ướt sẽ hoàn toàn được chữa khỏi nhờ vào phương pháp cấy ghép tế bào gốc”.
Kết quả khả quan
Bệnh nhân nữ người Anh hiện đang được các bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe sau khi trải qua cuộc phẫu thuật vào cuối tháng 9. Vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu lạ hay biến chứng nào xảy ra. Nhóm các nhà khoa học dự đoán rằng, những dấu hiệu phục hồi thị lực đầu tiên ở bệnh nhân sẽ xuất hiện vào khoảng tháng 12.
Các bác sĩ sẽ quan sát sự phục hồi của bệnh nhân trong khoảng thời gian 1 năm. Nếu phương pháp cấy ghép tế bào gốc này có thể thành công, thực sự phục hồi phần thị lực đã mất của bệnh nhân, thì trong một tương lai không xa, hàng triệu bệnh nhân mắc chứng thoái hóa võng mạc trên toàn thế giới đều sẽ được chữa trị dứt điểm.
“Chúng tôi thực sự rất hy vọng kết quả của phương pháp chữa trị này sẽ được như mong đợi”, Pete Coffey, bác sĩ chuyên khoa Mắt tại viện nghiên cứu UCL nói. ”Mặc dù phương pháp này chỉ có thể chữa trị được bệnh thoái hóa võng mạc khô. Và căn bệnh này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nhóm bệnh thoái hóa võng mạc nói chung. Nhưng đây sẽ là một tiền đề quan trọng trong việc phát triển các phương pháp chữa trị mới trong tương lai”.
Được biết, hiện có thêm 9 bệnh nhân đăng ký mong muốn được áp dụng chữa trị bằng phương pháp vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm này.
Tổng hợp