Tiểu đường là một trong những căn bệnh nguy hiểm gây ra cái chết cho hàng triệu người. Theo thống kê, trên thế giới có khoảng hơn 190 triệu người mắc bệnh tiểu đường và con số này đang gia tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó việc lạm dụng chất tạo ngọt nhân tạo cũng dẫn đến tình trạng trên.
Tìm hiểu về chất tạo ngọt nhân tạo
Các chất làm ngọt nhân tạo hay các chất thay thế đường, được sử dụng để tạo vị ngọt cho các loại đồ ăn và thức uống mà không làm tăng lượng carbohydrate hay mức năng lượng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nhiều loại thực phẩm và đồ uống sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo vẫn chứa mức năng lượng cao do thành phần carbohydrate vốn có trong loại thực phẩm đó, khiến cho đường huyết tăng cao.
Hiện có 5 loại chất làm ngọt nhân tạo đã được Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ chấp nhận sử dụng trên thị trường. Chúng có mặt trong các loại thức ăn, đồ uống, đồng thời cũng được bán dưới dạng các gói nhỏ để sử dụng trong nấu nướng và làm bánh. Năm chất tạo ngọt gồm Acesulfame kali, Aspartame, Saccharin, Sucralose và Stevia.
Nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2
Nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 từ chất tạo ngọt nhân tạo là phát hiện mới của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Adelaide (Úc).
Cụ thể, báo The Guardian đưa tin những tình nguyện viên được cho bổ sung hai chất tạo ngọt khác nhau 3 lần/ngày trước bữa ăn trong suốt hai tuần. Sau đó, các chuyên gia xét nghiệm khả năng phản ứng của họ đối với glucose.
Kết quả, những người nạp chất làm ngọt nhân tạo có hàm lượng glucose cao hơn và mức đường huyết cũng cao hơn. Ngoài ra, khả năng của cơ thể để hạn chế lượng glucose tăng trong máu sau bữa ăn cũng giảm đáng kể. Qua đó các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên lạm dụng chất tạo ngọt nhân tạo để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Benh.vn (Theo Thanhnien.vn)