Nhai trầu là một thói quen có từ rất xưa và hiện vẫn còn phổ biến ở một vài nước trên thế giới. Mặc dù cơ chế sinh bệnh còn chưa được rõ ràng nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng, nhai trầu có thể gây ra các tổn thương niêm mạc miệng và các tổn thương này có thể phát triển thành ung thư niêm mạc miệng…
Mục lục
Nhai trầu là tập tục rất phổ biến đối với phụ nữ Việt Nam xưa.
Tổn thương miệng khi nhai trầu
Do các thành phần hóa học trong trầu cau
Giống như nicotine, chất cồn và caffeine, trầu cau được tin là một trong những chất kích thích thần kinh phổ biến nhất trên thế giới. Ngoài phụ nữ, nhiều người đàn ông cũng nhai trầu cau để tỉnh táo hơn trong lúc lái xe, đánh bắt hay làm việc trên công trường xây dựng.
Ở châu Á, quả cau thường được nhai tươi hoặc sau khi phơi khô cùng một ít vôi tôi, lá trầu, các chất tạo mùi như bạch đậu khấu, quế hoặc thuốc lá… Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã đưa tất cả những thành phần này, ngoại trừ bạch đậu khấu và quế vào danh sách các chất sinh ung thư. Trong đó, vôi tôi được cho là nguy hiểm hơn cả vì nó tạo ra hàng trăm vết xước da li ti trong miệng, tạo đường vào cho nhiều chất gây ung thư.
Do cọ xát trong lúc nhai trầu
Bên cạnh đó, khi ăn trầu, do tác dụng trực tiếp của miếng trầu hoặc do cọ xát của miếng trầu trong lúc nhai khiến niêm mạc có thể bị tổn thương. Niêm mạc miệng bị tróc vảy ở lớp thượng bì hay có những vết trợt, có thể bị bong ra hoặc còn dính lại một cách lỏng lẻo trên bề mặt niêm mạc miệng, đặc biệt là ở hai bên má. Tổn thương có màu đỏ sáng, khi chùi sạch có thể thấy lộ những đốm vàng. Ngoài ra, còn có các tổn thương tiền ung thư khác như là bạch sản và xơ hóa dưới niêm mạc miệng.
Một người đàn ông được chẩn đoán là ung thư niêm mạc miệng sau 20 năm bỏ nhai trầu.
Dấu hiệu của tổn thương
Dấu hiệu sớm để nhận biết là những tổn thương màu trắng hoặc đỏ xuất hiện trong miệng, nhưng chúng sẽ nhanh chóng tiến triển thành khối u loét thịt “gớm ghiếc”. So với những loại ung thư khác, u và ung thư miệng khó che giấu hơn nên người bệnh thường bị ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe cũng như tâm lý. Đôi khi, ngay cả sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cũng không thể làm những việc bình thường như thể hiện cảm xúc khuôn mặt vì hàm dưới đã bị cắt, tùy thuộc phạm vi ung thư…
Lời kết
Ăn trầu là một thói quen văn hóa, tập tục của một số dân tộc. Thói quen này có nên duy trì hay không còn tùy thuộc vào từng dân tộc, địa phương. Tuy nhiên, đứng về phương diện y học cũng như dựa trên các nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới, các nhà khoa học khuyến cáo chúng ta không nên duy trì thói quen này.
An Nguyên – Benh.vn