Vào mùa đông, số người đến khám vì bị ngứa, mẩn đỏ, thậm chí da nổi sẩn thành từng mảng, phù lại tăng. Nguyên nhân là do dị ứng với lạnh.
Trong đó nổi mày đay vì lạnh là một bệnh dị ứng khá phổ biến. Bác sĩ Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh như: yếu tố vật lý nóng, lạnh, tiếp xúc với dị nguyên lạ: có người dị ứng sơn, cỏ may, cây cỏ, ăn uống, thuốc…, trong đó có nổi mày đay do lạnh. Có người không thể ở trong phòng điều hòa vì cứ vào là bị ngứa, nổi mày đay. Đặc trưng của bệnh là các mảng sẩn đỏ trên da, đường kính từ vài mm đến vài cm, có người bị sẩn cả mảng rất to.
Bác sĩ Nguyễn Thành, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) cũng cho biết, ngứa là triệu chứng điển hình nhất của bệnh. Ngứa rất dữ dội, càng gãi càng ngứa. Có khi gãi đến chảy cả máu vẫn không đỡ. Da của người bệnh thường bị sẩn, phù, xuất hiện rất nhanh ở bất kỳ vùng da nào. Kích thước và hình dáng của các mảng sẩn thay đổi nhanh chóng, khi lặn đi thường không để lại dấu vết gì.
Đa số người bệnh thường cảm thấy rất ngứa, cũng có trường hợp chỉ cảm giác châm chích hoặc rát bỏng. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và hay tái phát. Bệnh thường không ảnh hưởng đến sức khỏe bởi chỉ là biểu hiện ngoài da, nhưng làm bệnh nhân khó chịu.
Theo các chuyên gia, bệnh dễ phát hiện vì có biểu hiện rõ ràng nhưng lại khó chữa vì khó xác định nguyên nhân. Chỉ cần tránh tác nhân gây mày đay là sẽ không bị bệnh nữa. Vì thế, với những người bị bệnh do lạnh thì vào mùa đông cần giữ ấm, tránh tiếp xúc với lạnh. Đi ngoài đường mùa đông thì chú ý che chắn, khẩu trang, khăn quàng che cổ, găng tay, mũ, ấm toàn bộ, chân đi tất.
Khi trên da xuất hiện các mảng sẩn, phù thì nên hạn chế gãi, chà xát mạnh trên da. Người bệnh có thể áp lạnh hoặc tắm lạnh, tránh tắm nóng, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp, mặc quần áo cotton nhẹ nhàng, tránh các hoạt động nặng hoặc các nguyên nhân gây ra mồ hôi.
Ngoài mày đay còn có hiện tượng viêm da tiếp xúc dị ứng do lạnh, không có tổn thương dạng mày đay mà chỉ ngứa, đỏ da đơn thuần. Cách phòng bệnh cũng là tránh yếu tố lạnh, bác sĩ Hùng cho biết.
Cũng có những trường hợp bị ngứa, mẩn đỏ đơn giản vì da bị khô. Thời tiết lạnh, hanh khô, độ ẩm xuống thấp, đặc biệt làm việc trong môi trường điều hòa khiến làn da dễ bị mất nước, dẫn tới khô và nứt nẻ. Nhiều người da khô nhưng chăm sóc da không đúng cách khiến bệnh càng nặng hơn, da nổi mụn đỏ mẩn ngứa, nếu gãi có thể xây xát, nhiễm trùng.
Trong trường hợp này thì việc giữ ẩm cho da là điều tối quan trọng. Đồng thời tuyệt đối không được gãi khiến vùng da bị mẩn ngứa lan rộng. Đối với da mặt, người bệnh nên hạn chế lột da mặt, thay vào đó rửa mặt thật sạch, chăm đắp các loại mặt nạ như: đu đủ, dưa chuột, cà chua, cà rốt…sẽ rất tốt cho da. Đồng thời, massage da mặt thường xuyên để giúp máu lưu thông và sử dụng các sản phẩm có độ ẩm cao.
Benh.vn (Theo Vnexpress)