Rất nhiều bệnh không cần sử dụng kháng sinh mà nhiều người vẫn nhầm lẫn. Kháng sinh dùng để điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây ra và không có tác dụng trên các loại vi sinh vật khác như: virus, nấm,… nên nếu lạm dụng hoặc sử dụng sai sẽ là không cần thiết, lãng phí, nhưng nghiêm trọng hơn cả là gây ra tình trạng kháng kháng sinh.
Mục lục
Kháng kháng sinh càng lan rộng, vi khuẩn sẽ càng ngày càng “mạnh lên”, thế giới sẽ thiếu trầm trọng các loại kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn. Nếu không còn kháng sinh có hiệu quả, con người sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ bệnh tật, thậm chí tử vong chỉ vì những nhiễm khuẩn đơn giản.
Chính vì vậy, việc sử dụng kháng sinh đúng cách là rất cần thiết. Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh không cần dùng kháng sinh nhưng lại bị nhầm lẫn là do vi khuẩn gây ra, dẫn đến dùng sai kháng sinh. Vậy đó là những bệnh nào?
1. Những bệnh do virus gây ra không cần dùng kháng sinh
Nhiều bệnh lý do virus như cảm cúm, đau họng, thực tế không cần dùng kháng sinh. Nhưng nhiều nhà thuốc vẫn kê thêm cho bệnh nhân với lý do “điều trị bao vây.
Các loại bệnh cảm không cần dùng kháng sinh
Bệnh cảm cúm là do virus gây ra. Có nhiều loại cảm như cảm lạnh, cảm cúm (cúm A, các loại H5n1, H1N1), cúm mùa đều được kê thêm kháng sinh. Việc dùng kháng sinh khi bị nhiễm virus đem đến nhiều tác hại hơn là lợi ích . Sử dụng kháng sinh khi không cần thiết sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là tình trạng kháng kháng sinh do sử dụng sai cách.
90% trường hợp đau họng không cần dùng kháng sinh
Đau họng vẫn có thể do vi khuẩn gây ra (Liên cầu Streptococcus), nhưng nguyên nhân này khá hiếm gặp ở người lớn, chỉ chiếm khoảng 10%.
Đau họng do vi khuẩn Streptococcus có biểu hiện là đau họng, sốt và sưng hạch ở cổ, cũng có thể đi kèm với viêm amidan có mủ.
Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp đau họng không phải do nhiễm liên cầu mà là do các chủng virus nên không cần dùng kháng sinh. Điển hình với triệu chứng chảy nước mũi, ho, đau cơ, khô rát cổ.
Viêm phế quản là do virus
Hầu hết các trường hợp viêm phế quản (85 – 95%) là do virus gây ra nên không cần dùng kháng sinh. Kháng sinh không có tác dụng điều trị với các trường hợp này.
Viêm phế quản thường dễ bị nhầm lẫn với viêm phổi. Cả hai bệnh này đều có thể có ho nhiều nhưng viêm phế quản thường đi kèm đau họng nhẹ hoặc sổ mũi. Mặt khác, viêm phổi ngoài biểu hiện ho thường có sốt cao hơn, thở ngắn và đau ngực.
Viêm mũi xoang không cần sử dụng kháng sinh
Trong phần lớn trường hợp, bệnh này là do virus chứ không phải vi khuẩn. Tuy nhiên, có tới 83% người bệnh được kê kháng sinh.
Nếu bị viêm mũi xoang có sổ mũi, có thể điều trị tại nhà và không cần dùng kháng sinh. Thử dùng ibuprofen hoặc acetaminophen để giảm sốt và đau, ngoài ra có thể dùng thêm thuốc làm thông mũi. Bạn cũng có thể dùng thuốc xịt mũi trong 5 ngày. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý và súc miệng họng hàng ngày cũng giúp giảm tình trạng viêm mũi xoang mà không cần dùng đến thuốc
Có một số trường hợp có thể được chỉ định dùng kháng sinh gồm: có các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao và đau xoang mũi, đau ngay từ khi bắt đầu; các triệu chứng kéo dài trên 10 ngày hoặc các triệu chứng ngày càng tệ hơn.
2. Các vấn đề răng miệng không cần dùng kháng sinh
Các vấn đề răng miệng hoàn toàn có thể không cần sử dụng kháng sinh nếu điều trị sớm và vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Trong nhiều trường hợp đau răng đơn giản, thuốc kháng sinh sẽ không có ích. Có thể răng bạn nhạy cảm gây đau khi uống đồ nóng hoặc lạnh vì chân răng bị hở, hoặc dây thần kinh ở giữa các răng có thể bị viêm, hoặc là bị sâu răng. Vi khuẩn không gây nên những tình trạng này
Nhiệt miệng do nhiều nguyên nhân nhưng không gồm vi khuẩn. 1 số nguyên nhân gây nhiệt miệng gồm virus, thay đổi hormon, do thực phẩm độ acid cao, nóng trong… Do đó, người bị nhiệt miệng không cần dùng kháng sinh để điều trị.
Các tình trạng bắt đầu có viêm nướu, viêm quanh răng nhẹ chỉ cần vệ sinh răng miệng bằng các loại nước súc miệng kháng khuẩn cũng có thể giúp loại bỏ các tác nhân gây viêm. Do đó, không cần sử dụng kháng sinh trong các trường hợp này. Nếu có sưng nướu, cân nhắc dùng thêm thuốc tiêu viêm như Medrol, Alphachoay trước khi súc miệng để tăng hiệu quả điều trị.
Trong một số trường hợp có thể dùng kháng sinh khi bị đau răng bao gồm: vùng xung quanh răng bị sưng, khi có ổ mủ hoặc bị sốt, ớn lạnh hoặc mệt mỏi.
Kết luận: Hãy cẩn trọng trước khi sử dụng kháng sinh để chữa bệnh. Nhiều loại bệnh không thực sự cần dùng kháng sinh như chúng ta vẫn tưởng. Hãy hướng tới các biện pháp tự nhiên và khoa học. Nếu thực sự có viêm nhiễm, có thể dùng các kháng sinh tự nhiên trước khi sử dụng thuốc kháng sinh.