Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sản xuất thành công vac-xin dại từ tế bào chuột đất vàng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Đinh Kim Xuyến, Phó Chủ nhiệm Phòng chống bệnh dại – Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.
Mục lục
- 1 Thưa TS, bao giờ loại vac-xin mới này được đưa vào sử dụng rộng rãi và giá thành cụ thể là bao nhiêu?
- 2 Hiện nay, nước ta đang sử dụng những vac-xin dại nào. Vì sao lại phải nhập khẩu vac-xin thưa TS?
- 3 Khi tiêm vac-xin phòng dại cần lưu ý những điều gì và thường có phản ứng nào xảy ra?
- 4 Phụ nữ có thai và trẻ em mới sinh có tiêm vac-xin dại được không?
- 5 Thưa TS, hiện nay, trong dân gian đang lưu truyền một số bài thuốc nam chữa bệnh dại. Tác dụng của loại thuốc này thể nào?
TS Đinh Kim Xuyến
Thưa TS, bao giờ loại vac-xin mới này được đưa vào sử dụng rộng rãi và giá thành cụ thể là bao nhiêu?
Dự kiến đầu năm 2007 loại vac-xin sẽ được đưa ra thị trường với giá 30.000-50.000 đồng/chu trình tiêm, thay thế cho loại vac-xin hiện nay người dân đang sử dụng là 160.000/mũi (một chu trình tiêm 5 mũi).
Đây là một bước tiến cực kỳ quan trọng trong công tác Phòng chống bệnh dại (PCBD), nó giúp nhiều người dân nghèo có điều kiện để tiêm phòng căn bệnh nguy hiểm này.
Hiện nay, nước ta đang sử dụng những vac-xin dại nào. Vì sao lại phải nhập khẩu vac-xin thưa TS?
Hiện, chúng ta đang sử dụng vac-xin dại Fuendalida sản xuất tại Việt Nam. Vac-xin này được sản xuất từ việc nuôi cấy vi rút trên não chuột ổ 1-3 ngày tuổi. Loại vac-xin này cũng có hiệu quả nhất định trong điều trị dự phòng cho người bị nhiễm vi rút dại.
Ưu điểm lớn nhất là giá thành thấp nhưng loại vac-xin này còn tồn tại một số nhược điểm như: Trong quá trình tinh chế để tách vi rút sẽ không loại bỏ được tất cả các thành phần không cần thiết như Protein và myelin của não chuột vì vậy có thể gây ra tổn thương hệ thần kinh, phản ứng tại chỗ và toàn thân tương đối nhiều; hiệu quả bảo vệ toàn thân chưa cao; thời gian bảo vệ ngắn… nên khi tiêm phải thực hiện theo chỉ dẫn của Bác sỹ.
Chính vì những nhược điểm này Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo những nước đang sử dụng vac-xin nên hạn chế và ngừng sử dụng càng sớm càng tốt. Việt Nam cũng đã cho nhập khẩu 100.000 liều vac-xin dại tế bào Verorab của Pháp mỗi năm. Hiện chúng ta đang sử dụng 2 phác đồ tiêm bắp và tiêm trong da.
Bệnh dại do chó mèo cắn gây ra
Khi tiêm vac-xin phòng dại cần lưu ý những điều gì và thường có phản ứng nào xảy ra?
Đến năm 2007 khi chúng ta đã sản xuất được loại vac-xin dại an toàn thì vẫn sử dụng hai phác đồ tiêm cũ.
Đối với tất cả các loại vac-xin dại hiện nay, để đạt hiệu quả cao khi tiêm phòng cần lưu ý: Phải tiêm sớm ngay khi bị súc vật cắn nếu có chỉ định của Bác sỹ. Cần tiêm đủ số mũi, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo chỉ định của bác sỹ với từng loại vac-xin.
Trong thời gian tiêm không nên làm việc quá sức, không uống rượu và các chất kích thích. Ngoài ra, không dùng các thuốc có dạng corticod, ACTH, các bài thuốc làm giảm miễn dịch…trong và sau khi khi tiêm phòng dại 6 tháng.
Đối với vac-xin Fuenzalida có thể gặp một số phản ứng tại chỗ tiêm như: ngứa, xưng tấy đỏ tại nơi tiêm…thường vài ngày sau đó sẽ hết. Đối với người có cơ địa dị ứng, mắc bệnh mãn tính, nghiện rượu có thể có phản ứng như sốt, nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt… trường hợp nặng có thể gây viêm tuỷ dị ứng, viêm não thường xảy ra sau mũi tiêm thứ ba trở đi. Tuy nhiên, tỷ lệ người có phản ứng nặng ít xảy ra, khoảng 1-2 phần vạn. Khi có các triệu chứng trên, bệnh nhân phải báo ngay cho bác sỹ ở phòng tiêm để có biện pháp kịp thời.
Vac-xin tiêm phòng dại thế hệ mới Verorab được sản xuất nuôi cấy vi rút dại trên tế bào Vero nên không còn lượng myelin tồn dư, do đó rất an toàn. Ít có phản ứng toàn thân, không gây ra các bệnh về não tuỷ. Thời gian bảo vệ được 1 năm. Vì vậy loại vac-xin này được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng để tiêm cho những người bị con vật dại, nghi dại cắn tiếp xúc với chúng và tiêm phòng cho những người có nguy cơ mắc bệnh dại cao như cán bộ Thú ý, kiểm lâm, chế biến thực phẩm từ gia súc.
Phụ nữ có thai và trẻ em mới sinh có tiêm vac-xin dại được không?
Những đối tượng này vẫn có thể tiêm phòng dại được những phải có chỉ định và theo dõi của bác sỹ chuyên khoa và nên sử dụng loại vac-xin phòng dại tế bào.
Thưa TS, hiện nay, trong dân gian đang lưu truyền một số bài thuốc nam chữa bệnh dại. Tác dụng của loại thuốc này thể nào?
Cho đến nay, kể cả Y học hiện đại và Y học cổ truyền đều khẳng định bệnh dại khi đã lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%. Biện pháp duy nhất để cứu chữa những người bị súc vật dại cắn hoặc tiếp xúc với vi rút dại là phải tiêm vac-xin dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng có hiệu quả. Tuyệt đối không chữa bằng thuốc nam để tránh cái chết oan uổng.
Xin cảm ơn bà!
Benh.vn (Theo dantri)