Thiên chức của người phụ nữ là sinh nở, duy trì nòi giống. Chín tháng mười ngày mang thai, cảm nhận sinh linh bé bỏng đang lớn lên từng ngày trong cơ thể là niềm hạnh phúc lớn lao của tất cả các bà mẹ. Tuy nhiên, nghĩ đến chuyển dạ và những đau đớn sẽ trải qua khi sinh em bé… ai cũng “lo lắng”.
Mục lục
Sự lo lắng không đơn thuần là nỗi lo đau đớn về thể xác mà lo mình có kỹ năng cần thiết để sinh em bé “mẹ tròn con vuông” hay không, khi sinh em bé mình phải làm gì… nhất là những bà mẹ sinh con lần đầu.
Với những phương pháp hỗ trợ giảm đau khi vượt cạn dưới đây sẽ giúp các bà mẹ có những kỹ năng cần thiết đón em bé chào đời.
Tìm hiểu về quá trình chuyển dạ
Sau chín tháng mười ngày mang thai là quá trình chuyển dạ. Chuyển dạ trải qua 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Cổ tử cung mỏng đi và mở ra
Giai đoạn này tử cung co bóp, khiến cổ tử cung mỏng đi và mở dần ra, cuối cùng đủ rộng cho đầu bé lọt (khoảng 10 cm). Đây là giai đoạn dài nhất và khó khăn nhất trong chuyển dạ (kéo dài vài tiếng).
Quá trình chuyển dạ (Ảnh minh họa)
Giai đoạn 2: Rặn đẻ
Khi cổ tử cung mở trọn vẹn là lúc các sản phụ bắt đầu rặn đẻ (nếu là con đầu, giai đoạn này kéo dài khoảng một tiếng, con sau thì nhanh hơn).
Cơn co tử cung lúc này đều đặn, mạnh nhưng không đau nhiều như khi trước. Mỗi cơn co lại muốn rặn, lúc này cần rặn mạnh và đều. Đầu bé từ trong tử cung di chuyển dần ra âm đạo, mỗi cơn co và rặn, bé nhích thêm một chút.
Khi bé ra gần đến cửa âm đạo, có thể sẽ phải chờ cửa âm đạo giãn. Vài lần rặn mạnh nữa, đầu bé mới chui ra ngoài, rồi đến cả thân người. Bác sĩ sẽ hút nhớt, lau sạch người bé, kẹp và cắt rốn. Bé cất tiếng khóc chào đời.
Giai đoạn 3: Sổ rau
Sau khi bé ra đời, tử cung vẫn còn co bóp, rau bong ra khỏi thành tử cung và được đẩy ra âm đạo. Lúc này sản phụ tiếp tục rặn để đẩy rau ra ngoài. Nếu rau bong không hoàn toàn, cán bộ y tế sẽ phải can thiệp để lấy hết rau ra.
Các dấu hiệu khi chuyển dạ
- Bụng tụt xuống.
- Đi tiểu thường xuyên.
- Đau lưng dưới.
- Cơn gò mạnh.
- Tiêu chảy.
- Tăng tiết dịch âm đạo.
- Âm đạo ra máu.
- Vỡ ối.
Cơn gò mạnh, tăng tiết dịch âm đạo…là dấu hiệu chuyển dạ (Ảnh minh họa)
Các phương pháp hỗ trợ giảm đau khi chuyển dạ
Để quá trình chuyển dạ bớt đâu đớn, ngoài việc nghĩ tới dùng thuốc, bà bầu có thể áp dụng những biện pháp cực kỳ hữu hiệu sau đây.
1. Thư giãn
– Thư giãn và nghĩ về những khung cảnh thanh bình: hoàng hôn trên biển, cánh đồng mùa lúa chín hoặc sắp được bế em bé trên tay…
– Hát một đoạn bài hát về tình cảm của cha mẹ dành cho con, một đoạn thơ nào đó…khiến cho tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái, cảm giác đau đớn sẽ bị lấn át…
2. Thở đúng cách
Kỹ thuật thở giúp ích rất nhiều cho quá trình chuyển dạ.
- Thở nông khi tử cung bắt đầu xuất hiện những cơn co thắt. Hít vào thở ra chủ yếu tập trung ở miệng (thời gian này thường kéo dài, kỹ thuật thở áp dụng cho giai đoạn 1).
- Thở sâu để tránh cảm giác đau đớn, hít vào bằng mũi thật sâu và thở ra chậm rãi khi đến điểm cuối của những cơn co thắt.
- Khi “thời điểm” đã đến, cần hít vào thật sâu, dồn hơi xuống bụng rồi rặn thật mạnh (kỹ thuật thở áp dụng cho giai đoạn 2)
Bác sỹ hướng dẫn kỹ năng thở khi chuyển dạ (Ảnh minh họa)
3. Massage
Massage chân, tay, lưng hoặc bất kỳ chỗ nào cảm thấy mỏi và đau nhức sẽ khiến sản phụ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều (chị, mẹ hoặc chồng…)
4. Di chuyển
- Cố gắng đi lại trong phòng (nếu không thể tự di chuyển có thể vịn vào người thân) sẽ cảm thấy bớt đau đớn và làm cho giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ ngắn hơn.
- Khoa học đã chứng minh việc đi lại giúp sản phụ bớt đau đớn và làm cho giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ ngắn hơn. Tư thế đứng thẳng sẽ làm cho cổ tử cung nhanh mở, giúp cho máu lưu thông đến thai nhi dễ dàng.
5. Nghe nhạc
Nghe những âm thanh êm dịu giúp sản phụ bớt căng thẳng và lo lắng, nhất là những bài hát về tình mẫu tử giúp mẹ có thêm nghị lực để đón em bé chào đời.
6. Dùng dầu thơm
- Dầu thơm phù hợp có tác dụng làm êm dịu thần kinh giúp giảm đau, giảm sự co thắt khi chuyển dạ.
- Nên sử dụng một số tinh dầu thơm như: oải hương, hoa cúc, khuynh diệp, trà xanh, bưởi…
7. Châm cứu
Châm cứu giúp thai phụ đỡ đau và các mạch máu trong cơ thể lưu thông tốt, giảm stress, buồn phiền, chống đau lưng…
Lưu ý: Phương pháp châm cứu giảm không được sử dụng rộng rãi.
8. Dùng thuốc giảm đau hoặc gây tê ngoài màng cứng
Sử dụng các biện pháp giảm đau như: dùng máy xung điện, hỗn hợp khí và không khí, thuốc giảm đau hoặc gây tê ngoài màng cứng…
Gây tê ngoài màng cứng giúp giảm đau trong quá trình chuyển dạ (Ảnh minh họa)
Lưu ý: hạn chế tối đa việc sử dụng các biện pháp can thiệp giảm đau vì một số biện pháp có thể mang lại những bất lợi cho sản phụ hoặc em bé.
Lời kết
“Mang nặng đẻ đau” là điều mà bất cứ người mẹ nào cũng phải trải qua. Khi các cơn co thắt tử cung dữ dội ập đến báo hiệu tiến trình chuyển dạ đã bắt đầu. Lúc này các sản phụ nên bình tĩnh, lắng nghe sự chỉ dẫn của các bác sỹ về: kỹ thuật rặn đẻ, lúc nào ngừng, lúc nào rặn… kết hợp kỹ thuật thở, các phương pháp thư giãn để cuộc chuyển dạ được an toàn.
Sinh con ai cũng phải trải qua đau đớn nhưng đó không phải là cái đau không thể chịu đựng nổi. Nghị lực, sự quyết tâm và tình mẫu tử sẽ là động lực dẫn đến con đường thiên chức cao cả của người phụ nữ là được làm mẹ.
Xem thêm: Cách giảm đau hiệu quả để mẹ bầu vượt qua cơn đau chuyển dạ