Ngộ độc khí carbon monocyd (CO) là một tai nạn thường gặp nhất trong các loại ngộ độc khí độc, thường gây tử vong và để lại di chứng thần kinh-tâm thần cao.
Mục lục
Theo một nghiên cứu của Mỹ năm 2012, các tai nạn liên quan đến ngộ độc khí CO từ năm 1991-2009 cho thấy có 1888 trường hợp bị nhiễm khí CO, tử vong 75 ca. Hấu hết tử vong (94%) là xảy ra tại nhà và nguyên nhân hàng đầu là do dùng máy phát điện trong nhà tới 83%, do dùng than củi để sưởi vào mùa đông.
Khí carbon monocyd (CO)
Khí carbon monocyd (CO) là một chất khí không màu, không mùi và không gây kích thích, có khả năng khuếch tán mạnh. Do vậy, khi bị ngộ độc thường khó phát hiện, đến khi người bệnh nhận biết được mình bị nhiễm độc thì họ không còn khả năng gọi cấp cứu nữa. Là chất gây ngạt toàn thân do nó tranh chấp với oxy gây giảm oxy máu ở tất cả các cơ quan của cơ thể, những cơ quan nào sử dụng nhiều oxy nhất sẽ bị tổn thương năng nhất đặc biệt là các cơ quan quan trọng là não và tim.
Khí CO được tạo ra từ các sản phẩm cháy không hoàn toàn của các chất có chứa carbon. Nguyên nhân gây nhiễm độc khí carbon monocyd thường gặp là dùng các loại than để đun nấu, sưởi ấm, chạy máy phát điện, khói từ các vụ cháy nhà, khói xả từ động cơ ô tô, xe máy, ở nơi thông khí kém (phòng kín, khu vực ít lưu thông khí), sử dụng lò nướng bằng khí đốt để sưởi…
Mùa thường gặp bị ngộ độc loại khí này là mùa đông.
Nếu phát hiện và điều trị muộn gây tử vong, hoặc để lại di chứng thần kinh-tâm thần nặng nề khi xuất viện chiếm tới 4-40%. Phụ nữ mang thai, thai nhi, người cao tuổi, người có bệnh lý mạch vành, mạch máu não nguy cơ bị ngộ độc nặng hơn.
Biểu hiện ngộ độc
Biểu hiện chung
Chúng ta nghĩ đến bị ngộ độc khí CO khi có:
Người bệnh có tiếp xúc với nguồn phơi nhiễm: đã nêu trên phổ biến là đốt than, củi, chạy động cơ trong phòng kín…Chú ý hỏi trong nhà có nuôi chó, mèo không. Nếu chó, mèo chết chứng tỏ là bị ngộ độc khí CO nặng.
Các biểu hiện cụ thể
- Khởi đầu: triệu chứng tản mạn và không đặc hiệu.
- Ngộ độc nhẹ thường đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn có thể chẩn đoán nhầm với nhiễm virus. Có thể gặp da đỏ như quả anh đào nhưng là dấu hiệu không đặc hiệu.
- Ngộ độc khí CO nguy hiểm hoặc nặng khi:
Toàn thân: Người bệnh bị ngất, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân.
Thần kinh: Co giật, bất tỉnh co cứng tay chân hoặc có những động tác bất thường.
Tim mạch: có thể tụt huyết áp, nhịp tim không đều chiếm 5-6 %. Đau ngực rất thường gặp chiếm tới 1/3 bệnh nhân bị ngộ độc CO vừa và nặng. Có thể gặp tổn thương cơ tim cấp, thiếu máu cơ tim, thay đổi T, ST, loạn nhịp tim.
Hô hấp: khó thở, trào bọt hồng.
Tổn thương cơ: biểu hiện tay chân sưng đau, nước tiểu sẫm màu, đỏ và ít dần.
- Nhiều trường hợp sau khi hồi phục từ 3-240 ngày lại xuất hiện lại các biểu hiện thay đổi tính cách, giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt nửa người, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, cử động chậm, tay chân cứng và run, cơ mặt bị liệt. Những biểu hiện này được gọi là hội chứng thần kinh-tâm thần muộn chiếm tới 40% trường hợp.
- Đánh giá mức độ nặng trên lâm sàng:
Nhẹ: Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, nôn
Vừa: Đau ngực, khó tập chung, nhìn mờ, khó thở khi gắng sức nhẹ, mạch nhanh, thở nhanh, hoại tử cơ, thất điều.
Nặng: Đau ngực, hồi hộp, mất định hướng, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, thiếu máu cơ tim, phỏng da.
Chẩn đoán ngộ độc khí CO
Để chẩn đoán bạn có bị ngộ độc khí CO không thì cần có sự hợp tác tốt của bạn và gia đình bạn để trả lời những thông tin mà bác sĩ yêu cầu.
Phát hiện xem người bệnh có các biểu hiện của nhiễm độc khí như mô tả ở phần trên không?
Chú ý tìm những dấu hiệu nặng như thấy người bệnh bất tỉnh, tím, đái ỉa không tự chủ. Cần đưa nhanh nạn nhân đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt.
Cần tìm những nguyên nhân có thể gây ra ngộ độc khí CO. Trước tiên bạn hoặc người nhà, người thân cần kiểm tra xem trong nhà nạn nhân hiện đang còn các nguồn sản sinh ra khí CO, đặc biệt là đang dùng các loại than để sưởi như than củi, than tổ ong, than đá, máy phát điện để ở tầng hầm…
Diện tích phòng nạn nhân ở là bao nhiêu mét vuông? có mở cửa sổ hoặc có lỗ thông gió không?
Tại cơ sở y tế: đo nồng độ carboxyhemoglobin (COHb) giúp cho chẩn đoán. Chẩn đoán xác định khi nồng đọ COHb> 15%, nhưng nồng độ COHb < 15% không loại trừ được ngộ độc vì nếu phát hiện muộn nồng độ carboxyhemoglobin sẽ bị giảm đi.
Ngoài ra, còn làm thêm các xét nghiệm về công thức máu, urê, đường máu, điện giải đồ, creatinin, AST, ALT, khí máu động mạch, chụp Xquang tim phổi, chụp CT sọ não hoặc cộng hưởng từ sọ não với những người bệnh có rối loạn ý thức.
Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào có tiếp xúc với nguồn khí độc và có các biểu hiện của ngộ độc khí carbon monocyd.
Điều trị ngộ độc khí CO
Khi ngộ độc khí CO cần điều trị tại chỗ và điều trị tại viện như sau.
Tại chỗ:
Người phát hiện ra nạn nhân cần khẩn trương làm những việc sau theo trình tự:
- Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa bệnh nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt (lưu ý đảm bảo an toàn cho người cấp cứu).
- Đồng thời nhanh chóng gọi người hỗ trợ, gọi cấp cứu 115.
- Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở: thổi ngạt ngay bằng hô hấp nhân tạo bằng miệng-miệng hay miệng – mũi.
- Nếu bệnh nhân không tỉnh đặt bệnh nhân nằm nghiêng.
Tại bệnh viện
Cần tiến hành các biện pháp hồi sức
- Khai thông đường thở, hỗ trợ hô hấp khi cần phải đặt ống nội khí quản và thở máy.
- Điều trị chống co giật, hôn mê.
- Tụt huyết áp: truyền dịch, đặt catheter, cho thuốc vận mạch.
- Điều trị toan chuyển hoá, tiêu cơ vân, suy thận.
- Dinh dưỡng cho bệnh nhân.
- Phòng chống loét do nằm lâu.
Điều trị đặc hiệu:
Liệu pháp oxy Cung cấp oxy liều cao càng sớm càng tốt.
- Thở oxy 100% qua mặt nạ không thở lại, lều oxy cho bệnh nhân ngộ độc nhẹ.
- Cần đặt nội khí quản sớm hơn so với các bệnh lý khác, thở máy với FiO2 100%: cho bệnh nhân ngộ độc vừa hoặc nặng có hôn mê, co giật, có suy hô hấp. Thở oxy 100% đến khi HbCO < 5%, với bệnh nhân có thai thì tiếp tục thở oxy thêm 2 giờ nữa sau khi HbCO trở về 0. Nếu không biết nồng độ HbCO thì cung cấp oxy 100% ít nhất trong vòng vài giờ, kéo dài hơn với phụ nữ có thai.
- Thở máy không xâm nhập CPAP (có thể kết hợp PS) và FiO2 100% hoặc BIPAP với FiO2 100%: nếu ngộ độc vừa hoặc nặng và bệnh nhân còn tỉnh, hợp tác tốt với máy thở, không ứ đọng đờm dãi, ho khạc tốt.
- Thở oxy cao áp: cho những bệnh nhân bị ngộ độc nặng.
Phòng bệnh
Tuyên truyền, giáo dục cho người dân
- Không dùng các loại than để sưởi trong phòng kín.
- Không nên dùng lò nướng, bếp gas để sưởi.
- Nên kiểm tra thiết bị an toàn của bếp gas, lò sưởi, hệ thống thông hơi… định kỳ
- Không chạy máy phát điện ở nơi có không gian kín như tầng hầm, nhà để xe.
- Mỗi gia đình nên mua thiết bị phát hiện khí CO (carbon monocyde detecter) để trong nhà.
- Khi đã bị ngộ độc khí CO tại nhà nên tìm, phát hiện nguyên nhân và sửa chữa trước khi quay lại sinh sống.
- Với môi trường lao động nên đo nồng độ CO định kỳ để nồng độ CO không vượt quá ngưỡng cho phép.