Hiện nay mỗi gia đình chỉ có một đến hai con vì vậy cha mẹ nào cũng muốn các bé ra đời khỏe mạnh. Việc bổ sung thái quá các chất dinh dưỡng và ăn “vô tổ chức” đã khiến các bà bầu tăng cân ngày càng nhiều trong thai kỳ. Điều này dẫn đến tình trạng mẹ thì thừa quá nhiều cân trong khi các bé chưa chắc đã hấp thụ hết các chất được đưa vào.
Mục lục
Vậy việc phụ nữ mang thai bồi bổ quá nhiều và tăng cân quá nhanh nguy hiểm như thế nào, ảnh hưởng đến sức khỏe bà bầu ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề này.
Nguy cơ mắc bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé khi tăng cân nhanh trong thai kỳ
Tăng cân nhiều trong thai kỳ phụ nữ dễ mắc các bệnh cao huyết áp, vỡ màng thai, sẩy thai, tiền sản giật..(Ảnh minh họa)
– Tăng cân nhanh và bị béo phì trong khi mang thai người mẹ sẽ dễ mắc các bệnh như cao huyết áp, màng thai vỡ sớm, viêm tĩnh mạch, nguy cơ cao bị sẩy thai, tiền sản giật…
– Sau khi sinh, chị em còn có nguy cơ ra nhiều máu hơn những sản phụ khác do sinh lực co bóp tử cung yếu dẫn đến việc những phụ nữ thừa cân sẽ phải sinh mổ.
– Phẫu thuật mổ lấy thai cũng trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn đối với các bà bầu béo phì. Lớp mỡ dày dưới da sẽ khiến bác sĩ khó khăn hơn trong việc gây tê, truyền tĩnh mạch….
– Bên cạnh đó, việc tăng cân quá mức trong thời kỳ mang thai cũng làm tăng nguy cơ mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, điều đó có nghĩa bé sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh khi trưởng thành.
– Ngoài ra, việc béo phì thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ thai to và phải can thiệp khi sinh, nguy cơ hạ đường huyết sơ sinh, vàng da, hạ canxi máu…nguy hiểm cho mẹ và bé trong quá trình sinh nở.
Tăng cân thế nào là vừa?
– Tốt nhất trong 9 tháng mang thai, các mẹ bầu chỉ nên tăng 1/4 trọng lượng cơ thể so với trước khi có thai. Tức là nếu trước khi mang thai, các mẹ có cân nặng 40 kg thì trong suốt thời kỳ mang thai nên tăng khoảng 10kg; nếu là 50kg thì nên tăng khoảng 12kg.
– Để tránh bị đái tháo đường ở các mẹ mang thai, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng khuyến cáo, mức tăng cân của mẹ bầu trong thời gian 9 tháng lý tưởng nhất là từ 10-12kg. Trong đó, 3 tháng đầu tăng 1kg, 3 tháng giữa tăng từ 4-5kg và 3 tháng cuối tăng từ 5-6kg.
– Ngoài ra, bà bầu có thể áp dụng chỉ số BMI để kiểm tra và xác định được số cân nên tăng trong quá trình mang thai.
BMI = Cân nặng (kg)/chiều cao bình phương (m²)
- Phụ nữ nhẹ cân: BMI dưới 19,8, mức tăng cân hợp lý của bà bầu là 12-18kg.
- Cân nặng bình thường: BMI từ 19,8 đến 26, bà bầu tăng cân chuẩn là 11-14kg.
- Thừa cân: BMI từ 26 đến 29, bà bầu tăng cân hợp lý là từ 8-11kg.
- Béo phì: BMI trên 29, mức tăng cân hợp lý của mẹ bầu là 8kg
- Nếu mang song thai, mức tăng cân hợp lý của mẹ bầu là 15-20kg trong suốt thai kỳ.
Làm thế nào để vẫn cung cấp đủ dưỡng chất cho mẹ và con mà không tăng cân nhiều
Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp bà bầu không tăng cân nhiều mà vẫn dủ dinh dưỡng cho thai nhi (Ảnh minh họa)
– Để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và con mà không tăng cân quá nhiều, chị em phụ nữ cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh để đảm bảo lượng axit folic, sắt, calci; uống sữa; ngũ cốc; …thịt cá để đảm bảo lượng protein vào cơ thể nhưng phải phân bổ bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ với lượng vừa đủ.
– Không nên cố bồi bổ bản thân, ép mình ăn nhiều món bổ, món béo… vì như vậy sẽ khiến chúng ta tăng cân không cần thiết, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Sau khi sinh khó lấy lại vóc dáng.
Lời kết
Là phụ nữ, khi mang thai ai cũng muốn dành cho đứa con của mình những thứ tốt nhất để con phát triển đầy đủ với mong muốn khi sinh ra con sẽ là một đứa trẻ khỏe mạnh. Nhưng không phải bồi bổ quá nhiều lúc nào cũng tốt, các bà mẹ nên lưu ý đến chế độ ăn uống khoa học: phân bổ bữa ăn, bổ sung dưỡng chất với các thành phần vitamin đầy đủ, hợp lý để thai nhi phát triển tốt.
Benh.vn