Thoái hoá cột sống thắt lưng là quá trình lão hoá mạn tính các thành phần sụn khớp, đĩa đệm cột sống, các dây chằng cột sống và tổ chức xương đốt sống, tiến triển từ từ tăng dần gây đau và hạn chế vận động, biến dạng cột sống mà không có dấu hiệu của viêm. Dây chằng quanh cột sống bị kéo giãn ra và vôi hoá ở đoạn sát bờ đĩa đệm tạo nên các gai xương thường xuất hiện ở bờ trước thân đốt sống làm hẹp lỗ tiếp hợp
Mục lục
Cơ chế bệnh sinh của thoái hoá cột sống thắt lưng là sự kết hợp của hai quá trình: thoái hoá sinh lý tự nhiên theo lứa tuổi và thoái hoá mắc phải sau chấn thương, rối loạn chuyển hoá, miễn dịch, nhiễm khuẩn….
Nhận biết bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng
Triệu chứng lâm sàng
– Đau lưng cấp: do đĩa đệm bị phồng, thoát vị gây chèn ép và kích thích vào rễ thần kinh, dây chằng dọc sau.
- Thường xuất hiện sau làm nặng đột ngột, quá mức và sai tư thế.
- Đau vùng thắt lưng, đau tăng khi gắng sức như ho, hắt hơi, thay đổi tư thế.
- Hạn chế vận động cột sống do co cứng cơ cạnh cột sống, thường có tư thế chống đau.
- Nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau bệnh đỡ dần và khỏi sau 1 đến 2 tuần.
– Đau mạn tính: do thoái hoá đĩa đệm, đàn hồi kém, giảm chiều cao đĩa đệm làm giảm khả năng chịu lực, đĩa đệm thoát vị ra sau chèn ép các dây thần kinh hông to.
- Đau âm ỉ kéo dài, không lan xuống chân, đau tăng khi vận động, thay đổi tư thế.
- Giảm khi nghỉ ngơi hoặc khi dùng thuốc giảm đau.
- Biến dạng cột sống một phần, hạn chế vận động cột sống thắt lưng.
– Hội chứng ép rễ thần kinh hông to: do đĩa đệm bị thoái hoá rách bao xơ, giảm khả năng chịu lực nên dưới tác động của áp lực cao, nhân nhầy bị đẩy ra phía sau chép ép rễ thần kinh gây kích thích và đau từ vùng thắt lưng lan dọc mặt sau ngoài đùi xuống cẳng chân và gót chân.
Các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh
– X quang thường quy thẳng, nghiêng, chếch ¾ trái, phải: thường thấy các dấu hiệu hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, gai xương (gãy cổ chó)
– Chụp cộng hưởng từ khi có nghi ngờ thoát vị đĩa đệm hoặc chèn ép tuỷ
Biến chứng bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng
– Biến dạng cột sống, hạn chế vận động cột sống.
– Chèn ép gây tổn thương tuỷ sống.
Nguyên nhân
– Do quá trình lão hoá tổ chức sụn, đĩa đệm và tổ chức quanh khớp.
– Tình trạng chịu tải áp lực kéo dài của sụn khớp: bệnh nghề nghiệp, tư thế lao động.
– Sau chấn thương cột sống, bất thường trục chi dưới, yếu cơ, di truyền.
Chẩn đoán bệnh: chẩn đoán thoái hoá cột sống thắt lưng dựa vào:
– Hỏi tiền sử bệnh, tuổi, tác nhân cơ giới, dấu hiệu lâm sàng, dấu hiệu X quang.
– Loại trừ các nguyên nhân gây đau lưng khác.
Điều trị bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng
Chế độ dinh dưỡng: chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng đủ chất, vitamin và khoáng chất, tránh tình trạng thừa cân
Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng
– Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng có tác dụng giảm đau tốt, với mục đích sửa chữa tư thế xấu và duy trì dinh dưỡng ở cạnh khớp.
– Các phương pháp nhiệt có tác dụng giảm đau chống co cứng cơ, giãn mạch làm tăng cường chuyển hoá dinh dưỡng như: hồng ngoại, chườm ngải cứu, đắp paraphin, tắm ngâm suối khoáng nóng.
Điều trị đau thắt lưng cấp
– Nằm bất động trên giường cứng, tư thế nằm ngửa hai chân hơi co ở khớp háng và gối bằng cách kê đệm gối tròn vào khoeo, thời gian bất động 1-2 ngày, có khi 5-6 ngày.
– Xoa bóp nhẹ nhàng vùng thắt lưng.
– Điều trị bằng nhiệt: paraffin, hồng ngoại, sóng ngắn, túi chườm…
– Điều trị bằng điện: điện xung, điện châm, điện phân dẫn thuốc giảm đau.
– Điều trị bằng siêu âm liên tục hoặc chế độ xung vào 2 bên cột sống, không dùng liều cao chiếu thẳng vào cột sống vì có thể gây tổn thương tuỷ sống.
– Kéo giãn cột sống liên tục với lực nhỏ (1/3 trọng lượng cơ thể), ngày 1 lần, mỗi lần 15-20 phút, có tác dụng làm giãn cơ. Không nên kéo ở chế độ ngắt quãng vì sẽ kích thích làm cơ càng co cứng hơn.
– Hướng dẫn bệnh nhân tập bài tập cột sống thắt lưng trong quá trình điều trị và sau thời gian bất động, mức độ tăng dần.
Điều trị đau thắt lưng mạn
– Sóng ngắn có tác dụng tạo nhiệt nóng ở sâu, tăng cường chuyển hoá, chống phù nề, chống viêm giảm đau.
– Dòng xung điện kích thích: có tác dụng giảm đau, tăng cường chuyển hoá.
– Dòng Gavanic và Faradic làm tăng cường quá trình khử cực và dẫn truyền thần kinh đưa thuốc giảm đau vào vùng tổn thương.
– Siêu âm làm mềm tổ chức xơ sẹo trong sâu, chống viêm, giảm đau, tăng cường chuyển hoá, tăng tái tạo tổ chức.
– Kéo giãn cột sống bằng hệ thống kéo giãn kỹ thuật số: điều trị bệnh sinh thoái hoá đĩa đệm, thoái hoá cột sống căn bản nhất vì mục đích của phương pháp là tạo ra áp lực âm ngay trong lòng đĩa đệm nhằm giải nén, tạo điều kiện cho nhân nhầy đĩa đệm chuyển dịch hướng tâm trở về vị trị ban đầu. Tăng cường các chất chuyển hoá và dinh dưỡng vào trong đĩa đệm giúp tái tạo tổ chức.
– Bên cạnh đó bệnh nhân cần phải có chế độ tập luyện thích hợp để sửa chữa các nguyên nhân cơ giới gây đau và làm mạnh các cơ chi phối vận động vùng thắt lưng. Tập vận động phù hợp với mức độ tổn thương: tập bài tập cột sống giúp làm tăng sức mạnh nhóm cơ cạnh cột sống, cải thiện tầm vận động khớp đốt sống
– Chế độ nghỉ ngơi tránh thay đổi tư thế đột ngột
Điều trị thuốc
– Thuốc giảm đau: giảm đau thông thường acetaminophen ( paracetamol; tylenol H8), giảm đau chống viêm không steroid (meloxicam, piroxicam, celecoxib, etoricoxib…) theo các mức độ nhẹ – vừa – nặng, không dùng dài ngày
– Thuốc giãn cơ: eperisone (myonal), tolperisone (mydocalm)…
– Một số thuốc chống thoái hoá: glucosamin sulfate, chondroitin , atrodar…..
Điều trị phẫu thuật: chỉ áp dụng khi điều trị thuốc và phục hồi chức năng không có kết quả, nguy cơ biến chứng.
Cách phòng tránh bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng
Thường xuyên tập luyện vận động với các bài tập cho cột sống.
Luôn giữ cột sống ở tư thế đúng trong lao động cũng như trong sinh hoạt hàng ngày.
CNTTCBTG – BV Bạch Mai