Hàng năm cứ vào mùa mưa, ẩm ướt là bệnh sởi lại bùng phát gây rất nhiều lo lắng cho các vị phụ huynh. Trẻ em ở lứa tuổi mầm non, cơ thể còn non nớt là đối tượng dễ mắc bệnh sởi nhất…Nguy hiểm hơn, thời gian ủ bệnh kéo dài, khó phát hiện dẫn đến việc ngăn ngừa, đề phòng gặp khó khăn và dễ lan tràn thành dịch bệnh. Vậy, phương pháp đề phòng và chăm sóc trẻ khi bị sởi như thế nào?
Mục lục
Tìm hiểu về bệnh sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp, rất dễ lây với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ… Bệnh sởi thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh cũng có thể mắc Bệnh sởi có thể gây thành dịch.
Virus Sởi là thủ phạm gây bệnh Sởi (Ảnh minh họa)
Bệnh sởi thường xuất hiện vào thời điểm nào?
- Bệnh sởi có thể gặp xuất hiện quanh năm nhưng mùa mưa nhiều hơn mùa nắng.
- Bệnh sởi dễ bùng phát thành dịch theo chu kỳ 2 đến 4 lần trong năm.
Nguyên nhân gây bệnh Sởi
Nguyên nhân gây bệnh Sởi là do Virus Sởi. Virus Sởi có thể lây nhiễm qua đường hô hấp bằng cách:
- Lây trực tiếp khi bệnh nhân: ho, hắt hơi, nói chuyện…
- Lây gián tiếp ít gặp vì virus sởi dễ bị diệt ở ngoại cảnh.
Triệu chứng
- Biếng ăn, quấy khóc, người hâm hấp sốt vài ngày rồi đột nhiên sốt cao.
- Đi ngoài lỏng, mệt mỏi, mắt cộm đỏ, sợ ánh sáng.
- Chảy nước mắt, hắt hơi, sổ mũi, ho khan, họng đỏ.
- Xuất hiện những chấm trắng bằng đầu kim mọc rải rác trong môi, má trước răng hàm, trán hoặc sau tai, sau gáy, lưng có 1 vài nốt đỏ như muỗi đốt.
- Sởi thường mọc từ sau tai, mặt, cổ, lan xuống các chi. Khi sởi mọc đến bụng thì bắt đầu bay từ trên đầu dần xuống… Sởi bay 3 ngày là hết nốt ban, để lại nốt thâm sau khi bay.
Trẻ quấy khóc, sổ mũi, xuất hiện các nốt trên tai, mặt, cổ…khi bị sởi (Ảnh minh họa)
Lưu ý: Khi xuất hiện dấu hiệu lên sởi, cần cách ly trẻ để tránh lây lan và điều trị kịp thời.
Quá trình bị bệnh
- Thời kỳ ủ bệnh chừng 10-12 ngày, có khi ngắn hơn (7 ngày), có khi dài hơn (20 ngày), thường không có biểu hiện gì.
- Một số trường hợp sau khi tiếp xúc với trẻ ốm, trẻ sốt nhẹ trong 5-6 ngày rồi khỏi đến 3-4 ngày sau mới sốt cao, chảy nước mắt nước mũi, hoặc đi tướt, trớ…
- Tiếp đến là thời kỳ khởi phát, dài 4-5 ngày với triệu chứng nổi bật là sốt và viêm họng (có thể sốt cao trên 39 độ C), kèm theo nhức đầu, đau cơ, khớp; chảy nước mũi, chảy nước mắt, mắt đỏ, ho nhiều, ho khan, có khi bị tiêu chảy.
Thời gian ủ bệnh kéo dài và thường không có biểu hiện gì…(Ảnh minh họa)
- Các triệu chứng tiếp tục nặng thêm, có khi bắt đầu bằng những cơn thở rít, hơi sổ mũi, ban đêm ho, hay nằm mê…sau đó sởi bắt đầu mọc.
- Phần nhiều ban mọc ở sau tai, chân tóc rồi lan dần theo trình tự: mặt, cổ, lưng, bụng và chân tay.
- Đến ngày thứ ba, ban mọc khắp người, mọc dầy nhất ở những nơi hay cọ xát hoặc phơi nắng. Có khi các nốt ban hợp với nhau thành từng vầng. Các nốt sởi hình tròn hoặc bầu dục, có màu đỏ hồng nhạt, ấn vào biến mất, da xung quanh vẫn bình thường.
- Khi sởi mọc hết thì trẻ hết sốt và sởi bắt đầu bay, sởi bay cũng theo trình tự như khi mọc, để lại các vết thâm và bong da nhỏ.
- Thường sau 1 tuần ban sởi bay hết và chỉ sau 2 tuần trẻ trở lại bình thường.
Cách chăm sóc trẻ bị sởi
Giữ ấm cho trẻ và kiểm tra nhiệt độ cho trẻ thường xuyên (ảnh minh họa)
- Cho trẻ mặc ấm, tránh gió lạnh, ẩm ướt.
- Bảo đảm phòng ngủ thoáng, sáng, tránh gió lùa.
- Hạn chế gió, nước lạnh, nước kém vệ sinh, không ăn, uống các thứ tanh, lạnh.
- Cho trẻ ăn nhẹ, đầy đủ dinh dưỡng, vitamin, hoa quả, các khoáng chất.
- Cho trẻ uống nhiều nước (dung dịch oresol, nước quả tươi) khi trẻ sốt cao, tiêu chảy để giảm thiểu tình trạng cơ thể bị khử nước.
- Với trẻ đang bú, tiếp tục cho bú mẹ.
- Cho trẻ uống 1 liều paracetamol để giảm đau, hạ sốt (nếu trẻ trên 3 tháng tuổi).
- Súc miệng nước muối 0,9%.
- Nhỏ mắt, nhỏ mũi thuốc kháng sinh.
- Cho trẻ uống thuốc giảm ho, nếu sốt cao lau bằng khăn ấm.
- Để đề phòng khô mắt do thiếu vitamin A, có thể cho trẻ uống vitamin A 100.000 đơn vị trong hai ngày đầu. Sau khi sởi bay cho uống thêm một liều củng cố.
- Các kháng sinh không được dùng trong điều trị sởi nhưng có thể được dùng để điều trị biến chứng viêm tai giữa…
Lưu ý: Cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám và điều trị bệnh theo sự chỉ định của bác sỹ.
Phương pháp điều trị
Về điều trị, hiện chưa có thuốc đặc trị. Chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc, phòng ngừa và điều trị biến chứng. Với thể sởi lành tính, điều trị tại nhà.
- Điều trị hỗ trợ gồm hạ sốt bằng Paracetamol, Ibuprofen.
- Cho trẻ nghỉ ngơi tại giường, bù phụ nước-điện giải, phát hiện biến chứng kịp thời.
- Điều trị kháng sinh khi có bằng chứng bội nhiễm vi khuẩn.
- Các thuốc kháng virus hiện nay không có tác dụng…
Cho trẻ nghỉ ngơi, bù phụ nước-điện giải …khi bị sởi (Ảnh minh họa)
Phương pháp phòng bệnh khi có dịch
- Tiêm phòng sởi.
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi và người mẹ đã từng bị sởi thì kháng thể từ mẹ sẽ truyền cho bé ngay từ trong bụng mẹ và bản thân trẻ đã có khả năng miễn dịch đối với bệnh này.
- Trẻ trên 6 tháng tuổi và đã từng tiếp xúc với vi rút sởi thì sẽ được tiêm vắc xin sởi để ngăn ngừa sự phát bệnh.
- Nếu người mẹ chưa từng bị sởi thì có thể tiêm một mũi human normal immuniglobin (HNIG). HNIG là sự tập trung cao của các kháng thể mà có thể bảo vệ cơ thể ngay lập tức chống lại bệnh sởi.
Phương pháp bảo vệ trước khi có dịch
- Khi trẻ được 13 tháng tuổi, cho bé tiêm phòng sởi, hiệu quả bảo vệ lên tới 90 – 95%. Một liều nhắc lại khi trẻ trong độ tuổi 3 – 5 sẽ tăng hiệu quả bảo vệ lên tới 99%.
- Vắc xin phòng sởi chính là các vi rút sởi được làm mất độc lực, an toàn, không gây bệnh cho người tiêm phòng.
Tiêm phòng sởi cho trẻ (Ảnh minh họa)
Các vi rút này được đưa vào cơ thể sẽ kích thích hệ miễn dịch sản xuất kháng thể, đủ sức chống lại khi gặp các vi rút mạnh hơn.
Lời kết
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp, dễ lây, thường gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi. Bệnh có thể gặp ở mọi nơi và quanh năm nhưng mùa mưa nhiều hơn mùa nắng và dễ bùng lên thành dịch theo chu kỳ 2-4 lần trong năm.
Các biến chứng thường gặp của bệnh sởi là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm não… và là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng cho trẻ. Vì vậy, khi trẻ bị sởi, cha mẹ cần cho trẻ mặc ấm, tránh gió lạnh, ẩm ướt, không ăn, uống các thứ tanh, lạnh. Cho trẻ uống nhiều nước (dung dịch oresol, nước quả tươi) khi trẻ sốt cao, tiêu chảy để giảm thiểu tình trạng cơ thể bị khử nước. Cho trẻ súc miệng nước muối 0,9%, nhỏ mắt, nhỏ mũi thuốc kháng sinh…đặc biệt trước và sau khi bị bệnh, cha mẹ cần cho trẻ cách ly để đảm bảo sởi không lây lan ra cộng đồng dân cư.
Benh.vn