Mùa nào ở Việt Nam (xuân, hạ, thu, đông) cũng có những căn bệnh đặc trưng, thường gọi là “bệnh theo mùa”. Đặc biệt, vào những tháng hè khắc nghiệt, thời tiết nóng bức, khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược, dễ sinh bệnh…Vì vậy, bảo vệ sức khỏe trong những ngày hè là nhiệm vụ trọng yếu của mỗi người.
Các bệnh thường gặp trong ngày hè
+ Mệt mỏi, cảm giác bứt rứt, khó chịu, mất tập trung, lừ đừ.
+ Cảm cúm, viêm hô hấp: nóng, sốt, ho, sổ mũi, đau họng…
+ Viêm phế quản hoặc viêm phổi.
Các bệnh trong mùa hè: cảm cúm, viêm hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi, da liễu…
+ Rối loạn giấc ngủ, ngủ bị thức giấc hoặc mộng mị, nằm mơ…
+ Các bệnh ngoài da: rôm sảy, lang ben, viêm da dị ứng…
+ Huyết áp thay đổi thất thường (huyết áp hạ: hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế nằm sang ngồi hoặc đứng dậy; huyết áp cao:nhức đầu vùng thái dương, trán hoặc gáy, cảm giác nóng phừng mặt, da ửng đỏ).
+ Rối loạn, nhiễm trùng tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm: do dung nạp những thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh.
+ Xuất hiện các bệnh do siêu vi gồm: sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu…
Phương pháp phòng bệnh
+ Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể để tăng cường sức đề kháng.
+ Cung cấp đầy đủ lượng nướctừ 1,5 đến 2,5 lít/người. Nên chia đều nhiều lần, chú trọng vào buổi sáng, trưa và chiều.
+ Ăn nhiều rau quả, trái cây, uống nước ép trái cây, sữa tươi.
+ Vệ sinh sạch sẽ thân thể hàng ngày (nên sử dụng các loại sữa tắm ít gây khô da).
+ Khi đi ra đường nên mang khẩu trang có than hoạt tính để tránh bụi.
+ Duy trì thói quen nhỏ nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) vào mắt, mũi sau khi ra ngoài đường và khi trở về nhà.
+ Không nên để thức ăn bên ngoài sau khi sử dụng. Khi tái sử dụng cần phải bảo quản trong tủ lạnh, xử lý trong khoảng 24 giờ để tránh mắc các bệnh về tiêu hóa.
+ Đối với những người bị huyết áp cao cần hạn chế ăn các món như thịt cá khô mặn, đồ hộp, mắm, đồ ngọt…
+ Không nên thức khuya, đảm bảo giấc ngủ trưa từ 15 đến 30 phút.
+ Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, phát quang khu vực xung quanh, cắt tỉa cây cối gọn gàng.
+ Điều chỉnh máy điều hòa đúng cách (cài đặt nhiệt độ khoảng 25-27 độ C), không để nhiệt độ quá thấp sẽ khiến cho trẻ bị viêm hô hấp kéo dài, tái phát…
+ Tiêm ngừa văcxin và lịch nhắc để phòng bệnh thủy đậu, sởi, quai bị, rubella, cảm cúm…
Lời kết
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên thời tiết thường thay đổi thất thường. Vào mùa hè có những thời gian đỉnh điểm nhiệt độ lên đến 39 hoặc 40 độ C gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Những căn bệnh thường gặp vào mùa hè là cảm cúm, viêm đường hô hấp, viêm phổi, phế quản, các bệnh ngoài da, nhiễm trùng đường tiêu hóa, bệnh thủy đậu, sởi, quai bị, rubella…
Để bảo vệ sức khỏe trong những ngày hè, cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, tập thể dục thường xuyên, cung cấp đầy đủ lượng nước cần thiết, ăn nhiều rau quả, trái cây, vệ sinh thân thể sạch sẽ, nhỏ nước muối sinh lý mũi, họng hàng ngày….và đặc biệt là tiêm đủ các mũi vắc xin phòng bệnh thủy đậu, sởi, quai bị, rubella, cảm cúm… cho trẻ nhỏ.
Hải Yến – Benh.vn