Có rất nhiều trường hợp người bị tai nạn gây chấn thương sọ não nhưng do trước khi đưa đi cấp cứu bệnh nhân không được sơ cứu đúng cách, khiến tình trạng chấn thương thêm trầm trọng. Vậy sơ cứu thế nào là đúng để có thể giúp người bệnh thoát khỏi những nguy hiểm?
Mục lục
1. Sơ cứu nạn nhân
– Nếu gặp một nạn nhân bị chấn thương vào đầu, có chảy máu nhiều ở vết thương da đầu, cần tìm cách băng cầm máu ngay. Các cách băng tùy thuộc vào nơi chảy máu.
– Ghi nhận tình trạng tri giác của nạn nhân lúc tiếp cận nạn nhân để báo lại cho nhân viên y tế. Đây là dữ kiện rất quan trọng cho việc chẩn đoán và điều trị nạn nhân. Ví dụ: tỉnh, lơ mơ, mê man v.v…
– Nếu có thể, ghi nhận tình trạng hai đồng tử (con ngươi ở tròng đen mắt) của nạn nhân. Đây cũng là dữ kiện cần thiết cho nhân viên y tế tại bệnh viện tiếp nhận nạn nhân.
– Chú ý thương tích ở các bộ phận khác trong cơ thể nạn nhân như gãy xương chi trên, gãy xương đùi, chấn thương bụng, ngực v.v… Băng bó hoặc cố định các vết thương đồng thời ghi chú để dễ thấy trước khi chuyển nạn nhân đi. Nếu có các vật lạ đâm vào, không nên lấy chúng ra khỏi vết thương. Chỉ được lấy các vật dính vào vết thương khi người bệnh đang nằm trên bàn mổ trong bệnh viện.
– Đặt nạn nhân nằm nghiêng cho lưỡi hạ xuống thấp, để đờm dãi và máu chảy ra ngoài dọc theo lưỡi, tránh gây tắc nghẽn đường hô hấp.
– Sau khi xử trí cấp cứu ban đầu, cần tìm phương tiện đưa nạn nhân đến trung tâm y tế hay bệnh viện gần nhất.
– Trong khi vận chuyển cần phải giữ thẳng cột sống cho đến khi nạn nhân được chuyển đến trung tâm cấp cứu gần nhất, vì gập cột sống có thể làm nạn nhân ngừng thở đột ngột.
Công việc phải làm của các nhân viên cấp cứu ban đầu:
– Đặt nẹp cổ, đặt đường truyền tĩnh mạch, nội khí quản…
– Vận chuyển đến khoa cấp cứu ngoại chấn thương
– Điện báo cho bác sĩ chấn thương
– Đánh giá tổn thương
– Chụp Xq, CT scan sọ, siêu âm bụng, xét nghiệm máu…
– Chụp CT sột sống, CT ngực
– Mổ cấp cứu:
Dẫn lưu ngực, lấy máu tụ
2. Vận chuyển nạn nhân thế nào?
– Hiện nay phương tiện xe gắn máy rất phổ biến và cơ động nên đôi lúc người dân thường sử dụng để vận chuyển người bị nạn đến bệnh viện nhanh chóng. Tuy nhiên khi nạn nhân có chấn thương vùng đầu hoặc nghi ngờ có chấn thương sọ não cần phải vận chuyển dúng cách để giảm bớt những biến chứng có thể làm nặng thêm tình trạng hiện có.
– Không nên:
+ Vận chuyển bằng xe gắn máy
+ Khiêng vác nạn nhân mà không có dụng cụ hỗ trợ
+ Để nạn nhân tự về nhà – Bỏ qua các dấu hiệu nghi ngờ
+ Nghĩ chở người sắp chết hoặc ra máu nhiều trên xe ô tô là không may mắn.
– Nên:
+ Gọi điện thoại số 115
+ Vận chuyển nạn nhân bằng băng ca.
+ Liên lạc với người nhà nạn nhân nhanh chóng.
Lời kết
Chấn thương sọ não là một chấn thương ở mức độ vô cùng nguy hiểm. Não bộ là cơ quan điều khiển tất cả các hoạt động cũng như sự sống của con người. Nếu cơ quan này bị chấn thương nghiêm trọng mà không được sơ cứu kịp thời và đúng cách sẽ gây nên các di chứng nặng nề hoặc nguy hiểm hơn là dẫn đến mất mạng cho người bị tai nạn. Mọi người nên trang bị cho mình những kỹ năng phòng tránh và sơ cứu để có thể tự bảo vệ bản thân cũng như giúp đỡ những người xung quanh khi không may có chuyện xảy ra để không phải để lại hậu quả nào đáng tiếc.
Benh.vn