Các bà mẹ thường cho trẻ uống thêm vitamin D để phòng bệnh còi xương. Nhưng nếu tùy tiện, chất này có thể gây ngộ độc và nhiều bệnh khác.
Vitamin D có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển canxi từ máu đến xương, hỗ trợ hấp thu canxi và phốt pho nên có tác dụng chống bệnh còi xương. Nhiều người nghĩ rằng loại vitamin này có thể uống càng nhiều càng tốt, nếu thừa cũng vô hại, nhưng thực ra không phải vậy.
Việc lạm dụng vitamin D sẽ làm tăng canxi trong máu, gây lắng đọng canxi bất thường tại thận, động mạch hoặc cơ vân. Việc thành mạch bị đọng vôi sẽ dẫn đến tăng huyết áp. Liều cao vitamin D có thể gây ngộ độc mà biểu hiện là chán ăn, nôn, mất nước, khát, tăng huyết áp, giảm cân, yếu thận, yếu cơ, đau khớp xương… Trong thời gian mang thai, việc sử dụng quá liều chất này có thể dẫn đến rối loạn tăng trưởng, dị dạng bào thai.
Vitamin D không được dùng cho người bị lao phổi đang tiến triển hoặc có bệnh ở ruột, dạ dày, gan, thận, bệnh tăng canxi trong máu và suy tim.
Do đó, việc sử dụng vitamin D nên có sự hướng dẫn của bác sĩ. Những người cần bổ sung thường là trẻ sơ sinh, trẻ em ít ra ngoài nắng, phụ nữ đang mang thai (nhất là 3 tháng cuối), người cao tuổi ăn ít và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không nhiều, người mắc bệnh đường tiêu hóa gây kém hấp thu vitamin D từ thực phẩm, hoặc mắc bệnh da phải kiêng ra nắng…
Cơ thể nhận vitamin D2 và D3 từ thực phẩm như gan cá, sữa bò, lòng đỏ trứng, thịt… Còn vitamin D3 nội sinh được tế bào da tổng hợp từ tia cực tím của ánh nắng mặt trời (chiếm tới 50-70% nhu cầu).
Benh.vn (Theo SK & ĐS)