Sau một thời gian nghiên cứu và thấu hiểu những bất tiện khi thử máu của bệnh nhân tiều đường. Mới đây, các nhà khoa học thuộc Đại học Leeds đã nghiên cứu một loại thiết bị cảm ứng có tên gọi GlucoSene giúp thường xuyên theo dõi nồng độ glucose bằng tia laser thay vì phải chọc máu ở ngón tay để xét nghiệm.
Một phương pháp kiểm soát lượng glucoSene mới dưới dạng một thiết bị mà đơn thuần chỉ chiếu tia laser lên ngón tay của người dùng trong vòng chưa đến 30 giây. Hệ thống thiết bị đó được biết đến với tên gọi GlucoSense, do Giáo sư Gin Jose và nhóm nghiên cứu của ông tại Đại học Leeds phát triển.
Để sử dụng nó, bệnh nhân chỉ cần chạm ngón tay của họ vào một tấm kính nhỏ trên thiết bị đó. Sau đó, một chùm laser cường độ thấp được chiếu rọi qua tấm kính đến ngón tay của họ. Một phần tia laser sẽ được glucose trong máu hấp thụ và một phần còn lại được phản chiếu trên tấm kính.
Các i-on trên bề mặt kính sau đó phát quang tia hồng ngoại khi tiếp xúc với ánh sáng phản chiếu – càng nhiều ánh sáng chiếu vào chúng, thì chúng càng phát sáng lâu hơn. Bằng cách đo lường khoảng thời gian phát quang đó, một bộ xử lý trong thiết bị có thể xác định có bao nhiêu ánh sáng laser ban đầu đã được glucose hấp thụ và do đó có thể suy ra hàm lượng glucose trong máu.
Sau một thời gian thử nghiệm lâm sàng và phát triển phục vụ mục đích thương mại bởi công ty GlucoSense Diagnostics, hai phiên bản của thiết bị trên được kỳ vọng sẽ có thể thương mại hóa. Chúng bao gồm một thiết bị để bàn có kích thước tương đương chuột máy tính và một thiết bị đeo – giúp đo nồng độ glucose một cách liên tục.
Phương pháp mới giúp người bệnh hạn chế việc lấy máu ở đầu ngón tay
Giáo sư Jose cho biết “Cũng là một thay thế cho việc xét nghiệm bằng cách chọc máu ở đầu ngón tay, công nghệ này mở ra tiềm năng cho những người mắc bệnh tiểu đường có thể nhận được các chỉ số đo lượng glucose liên tục, đồng nghĩa với việc họ ngay lập tức được thông báo khi nào cần thiết phải có sự can thiệp”.
“Điều này sẽ cho phép mọi người tự điều chỉnh và hạn chế tối đa việc nhập viện điều trị khẩn cấp. Thiết bị đeo này sẽ là một sản phẩm giúp gửi cảnh báo đến chiếc điện thoại thông minh hoặc gửi trực tiếp các chỉ số đo lường được tới các bác sĩ, cho phép họ hình dung cách thức một người đang kiểm soát bệnh tiểu đường của họ”.
Được biết, các nhà khoa học tại Đại học Princeton đang nghiên cứu công nghệ tương tự, Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu tại Google, Fraunhofer và Microsoft cũng tích cực nghiên cứu phát triển những thiết bị cảm biến không xâm hại cơ thể giúp đo hàm lượng glucose trong nước mắt và mồ hôi.
Hải Yến – Benh.vn