Dù cơ quan chức năng khẳng định chưa cấp phép cho sản phẩm bột làm trà sữa trân châu của Đài Loan có chứa chất gây suy thận (axít maleic) nhưng trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều nguyên liệu pha chế loại đồ uống này không rõ nguồn gốc.
Mục lục
Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động tại Hà Nội, sau nhiều nghi vấn chứa chất độc, trà sữa trân châu không còn là một thứ đồ uống đắt hàng. Tuy nhiên, món uống này vẫn giữ chân được rất nhiều bạn trẻ.
Đủ loại nguyên liệu
Giá cả rẻ
Dù có thông tin cảnh báo về trà sữa trân châu của Đài Loan chứa chất độc gây suy thận cho người sử dụng nhưng tại khu vực chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm, Hàng Giầy (Hà Nội)…, thị trường nguyên liệu trà sữa trân châu vẫn khá sôi động.
Giá các nguyên liệu trà sữa trân châu khá mềm: 18.000 đồng/kg hạt trân châu, 60.000 đồng/gói bột sữa, bột trà và khoảng 40.000 đồng/can 2 lít xi-rô các vị trái cây để tạo mùi vị. Điều đáng nói là ngoài các sản phẩm trong nước, nhiều loại bột trà – thành phần không thể thiếu được của trà sữa trân châu – không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác vẫn vô tư bày bán.
Dễ mua, dễ pha chế
Theo một số người kinh doanh mặt hàng này, nguyên liệu chế trà sữa trân châu như hạt trân châu, xi-rô, bột pha chế các loại, trong nước cũng sản xuất được nhưng người kinh doanh vẫn chuộng hạt trân châu do Đài Loan sản xuất bởi sản phẩm này dẻo, giòn, bóng đẹp, bắt mắt và giá thành rẻ. Hầu hết trà sữa trân châu tại các quán đều được làm từ những nguyên liệu, hương liệu đã chế biến sẵn, khi khách yêu cầu thì chỉ cần pha trộn với nhau.
Trà sữa trân châu mối nguy suy thận (Ảnh minh họa)
Tại phố Hàng Giầy, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, phóng viên Báo Người Lao Động dễ dàng mua gói bột trà sữa có trọng lượng 1 kg với giá 60.000 đồng mà theo chủ cửa hàng là sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, khi chúng tôi thắc mắc việc sản phẩm không có nhãn phụ, không rõ nguồn gốc xuất xứ thì người này trấn an: “Đây là hàng Đài Loan 100%. Gói này pha được 50-60 cốc, nếu trà không “dậy” mùi thì cứ ra đây trả lại hàng”.
Nhiều nguy hại
Chất axít maleic gây độc cho thận
Trước những thông tin về trà sữa trân châu chứa lượng lớn axít maleic (chất gây suy thận) vừa được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Đài Loan công bố, ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, cho biết cơ quan này đã lấy mẫu các sản phẩm trà sữa trên thị trường để kiểm nghiệm, truy tìm hóa chất cấm.
Theo ông Hùng, trên thị trường Việt Nam, ngoài những nguyên liệu pha chế trà sữa trân châu do các cơ sở trong nước sản xuất thì mặt hàng này còn được nhập từ Đài Loan. Tuy nhiên, nguyên liệu chứa chất độc mà Đài Loan phát hiện chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, axít maleic là chất sử dụng trong thực phẩm nhưng cũng được dùng trong công nghiệp. Khi sử dụng trong thực phẩm, chất này được coi là phụ gia với hàm lượng quy định ở ngưỡng an toàn cho người dùng và bản thân nó cũng phải đạt độ tinh khiết cao. Tuy nhiên, nếu dùng trong công nghiệp thì đây là chất có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng.
Trà sữa còn chứa nhiều chất độc hóa học bị cấm sử dụng khác
Đây không phải lần đầu tiên trà sữa trân châu bị phát hiện chứa chất độc. Năm 2009, Trung Quốc đã phát hiện chất nhựa polymer rất độc và đường hóa học có trong những hạt trân châu. Sau đó, sở Y tế 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM đã lấy mẫu xét nghiệm nhưng chỉ phát hiện chất tạo ngọt vượt quá quy định, không đạt tiêu chuẩn vi sinh; nhiều mẫu có chất tẩy trắng công nghiệp bị cấm sử dụng.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết những năm qua, cơ quan này vẫn lấy mẫu kiểm tra các chỉ số về vi sinh, chất chẩy trắng, chất bảo quản, phẩm màu, chất tạo ngọt… đối với những nguyên liệu pha chế trà sữa trân châu nhưng chưa phát hiện sự bất thường. Tới đây, cơ quan chức năng của TP Hà Nội sẽ lấy mẫu một số sản phẩm giải khát, trong đó có trà sữa, để kiểm nghiệm các chất cấm sử dụng.
Lời cảnh báo từ chuyên gia
PGS-TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật an toàn thực phẩm – Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, khuyên người tiêu dùng nên tẩy chay những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng và thành phần hóa học. “Những loại hóa chất độc hại không có phản ứng ngay mà cần một thời gian dài mới biểu hiện bệnh” – bà Sửu cảnh báo.
Theo TS Sửu, ngoài những nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe do nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hạt trân châu cũng có thể gây hóc chết người nếu dùng không đúng cách, đặc biệt là đối với trẻ em.