Đa phần, trong các gia đình chị em phụ nữ thường là những “đầu bếp giỏi”. Tuy nhiên, có những loại thực phẩm tưởng chừng rất đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, nhưng thiếu nó lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người mà không phải ai cũng biết, đó là i-ốt. Tình trạng thiếu hụt i-ốt đang có xu hướng quay trở lại, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Vậy, những ảnh hưởng do thiếu hụt i-ốt là gì? Cách phòng tránh thiếu hụt i-ốt ra sao? Benh.vn sẽ cùng bạn đọc giải đáp vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Mục lục
I-ốt cần cho con người như thế nào?
Trong bào thai:
Trong giai đoạn đầu của bào thai, cơ thể thai nhi chịu ảnh hưởng từ việc hấp thu i-ốt của mẹ.
-Thiếu i-ốt trong thời kì bào thai gây đần độn, thiểu năng trí tuệ, bướu cổ sơ sinh.
-Thiểu năng trí tuệ và đần độn ở trẻ gây tổn thương vĩnh viễn không chữa được.
Ở những lứa tuổi khác
– Trẻ em thiếu i-ốt trí não kém phát triển, đần độn.
– Phụ nữ có thai thiếu i-ốt dẫn đến sảy thai, thai chết lưu…
– Thiếu i-ốt dẫn đến bệnh bướu cổ, thiểu năng giáp.
– Thiếu i-ốt làm giảm khả năng lao động và phát triển sức khỏe.
Thiếu i-ốt dẫn đến biểu cổ (Ảnh minh họa)
Lượng i-ốt cần đảm bảo cho con người
Người lớn
Trung bình cần khoảng 150mcg/ngày.
Trẻ em
Dùng ít hơn người lớn, khoảng: 100mcg/ngày (tùy thuộc độ tuổi)
Phụ nữ có thai
Phụ nữ có thai cần bổ sung i-ốt cho sự phát triển của thai nhi (Ảnh minh họa)
Cần nhiều hơn người bình thường, khoảng: 200mcg/ngày.
Phụ nữa cho con bú
Cần lượng i-ốt nhiều nhất so với những trường hợp khác, cần khoảng 209mcg/ngày.
Phòng tránh thiếu i-ốt
– Sử dụng muối i-ốt làm gia vị trong chế biến món ăn hàng ngày.
– Bổ sung các thực phẩm giàu i-ốt
+ Các loại hải sản: tôm, cua, cá, ghẹ… rong biển, tảo biển.
+ Các loại rau: rau xanh đậm, rau dền, rau đay, mồng tơi,…
+ Các loại trái cây tươi, thịt và sữa.
Bổ sung i-ốt từ các loại thực phẩm (Ảnh minh họa)
– Khi sử dụng muối i-ốt hàng, nếu dư thừa, i-ốt dư sẽ được thải ra ngoài theo nước tiểu, vì vậy không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Những lưu ý khi sử dụng muối i-ốt
– I-ốt trong muối có thể bị hao hụt 20% khi chiên hoặc nướng, mất 50% khi luộc.
– Không rang muối i-ốt.
– Khi ướp thức ăn, bỏ một ít muối i-ốt trước, sau khi nấu chín thì bỏ thêm cho vừa đủ.
– Nên cho muối i-ốt vào thức ăn sau khi đã nấu chín.
– Giữ muối i-ốt nơi khô ráo, tránh ánh sáng mặt trời, dùng xong buộc kín miệng túi hoặc để muối trong lọ đậy nắp kín để tránh i-ốt bị bay hơi.
Không rang muối i-ốt (Ảnh minh họa)
Hiện trạng sử dụng i-ốt tại Việt Nam
Ông Lê Phong, phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nội tiết T.Ư
“Việt Nam là một trong những nước nằm trong khu vực thiếu i-ốt. Kết quả điều tra vào năm 1993 của Bệnh viện Nội tiết Trung Ương cho thấy tỉ lệ bướu cổ ở trẻ em toàn quốc từ 8-12 tuổi là 22,4% (cao gấp nhiều lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là ít hơn hoặc bằng 5%), 94% dân số nằm trong vùng thiếu i-ốt.
Năm 1992, chương trình quốc gia phòng chống bướu cổ chính thức được thành lập, tỉ lệ bướu cổ ở trẻ từ 8-12 tuổi giảm rõ rệt xuống còn 14,9% vào năm 1998, 10,2% vào năm 2000, 6,1% vào năm 2003 và 3,6% vào năm 2005.
Độ phủ muối i-ốt toàn quốc đạt tiêu chuẩn vào năm 2005 là 91,9%. Tuy nhiên những năm sau, độ phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh trên phạm vi toàn quốc và khu vực đều sụt giảm nghiêm trọng.
Do thiếu kinh phí hoạt động, đặc biệt thiếu kinh phí mua hóa chất dùng trộn vào muối ăn là iodua kali (IK) và iodat kali (KIO3) – những nguyên liệu buộc phải nhập khẩu vì trong nước chưa sản xuất được, do vậy trên thực tế toàn quốc đang thiếu hụt i-ốt.
Muối i-ốt là nhu cầu thiết yếu của người dân (Ảnh minh họa)
Nguyên liệu thường dùng để làm muối iốt là KIO3 hiện có ở nước ta đều là hàng dự trữ trong kho và chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu thực tế của người dân.
Đất ở Việt Nam không có i-ốt do i-ốt bị rửa trôi bởi mưa và các đợt lũ lụt. Khi i-ốt không có trong đất, nước, nó sẽ không có trong cỏ, cây, hoa màu… Động vật ăn thức ăn đó cũng cho các sản phẩm thịt, trứng, sữa… không có i-ốt. Riêng hải sản như tôm, cua, cá, mực lại có một lượng i-ốt nhất định, tuy nhiên lượng i-ốt này quá ít, không đủ cho nhu cầu của con người hằng ngày.
Do vậy, chỉ có cách bổ sung i-ốt từ bên ngoài vào cơ thể, phổ cập nhất vẫn là muối. Hiện ta đang thiếu hoàn toàn nguyên liệu làm muối i-ốt (mặc dù chưa làm điều tra) nhưng có thể khẳng định hầu như các sản phẩm có ghi bao bì chứa i-ốt như nước mắm, bột nêm, muối… trên thị trường hiện nay đều khó có thể có đủ lượng i-ốt cần thiết đạt tiêu chuẩn phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt”.
Bệnh viện Nội tiết Trung Ương
“I-ốt được coi là một vi chất cần thiết đối với sự phát triển của đời sống con người. Tùy từng giai đoạn khác nhau của đời người, khi thiếu i-ốt sẽ gây nên những tác hại khác nhau.
Thời gian gần đây, tình trạng sử dụng muối i-ốt giảm sút là do quy định nguồn ngân sách, phương pháp giải ngân của các địa phương, sự bàng quan của các cấp lãnh đạo chưa thấy rõ tác hại thiếu i-ốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Bên cạnh là do tập quán của người dân thường xuyên dùng nước mắm, nước tương, bột nêm… trong bữa ăn hàng ngày mà những gia vị này thường không có muối i-ốt.
Để phòng các rối loạn do thiếu hụt i-ốt, dễ dàng nhất là sử dụng muối i-ốt hàng ngày khi chế biến các loại thức ăn.
Với trẻ em trong độ tuổi tăng trưởng cần phải thường xuyên chế biến thức ăn giàu chất i- ốt để phát triển khỏe mạnh, thông minh”.
Lời kết
Tác dụng của i-ốt là thực sự cần thiết và quan trọng đối với sức khỏe mỗi cá nhân và cộng đồng.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe gia đình, đảm bảo đủ lượng i-ốt cần thiết cho mỗi người/ngày, chị em phụ nữ cần có kiến thức về tác dụng của i-ốt, qua đó bổ sung những loại thực phẩm có chứa i-ốt trong bữa ăn và sử dụng bột canh i-ốt, muối i-ốt…làm gia vị nấu ăn hàng ngày.
Benh.vn