Đi giày, dép không phù hợp với kích cỡ bàn chân, mục đích khi mang giày hoặc chất liệu không phù hợp… dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt, chị em phụ nữ, do nhu cầu thẩm mỹ nên mang những đôi giày cao gót đến 10 hoặc 20 cm còn gây ra nhiều hệ lụy khác. Vậy, mang giày dép không phù hợp ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Mục lục
- 1 Các dạng bàn chân (rất nhiều dạng bàn chân)
- 2 Chọn giày không phù hợp dẫn đến hậu quả gì
- 3 Sử dụng giày không đúng mục đích ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào
- 3.1 Gây vấp ngã, chấn thương, tổn thương gân và dây chằng
- 3.2 Gây teo móng chân, nhiễm nấm chân, chàm dị ứng
- 3.3 Gây ảnh hưởng đến khung xương (đối với trẻ em)
- 3.4 Gây trượt, ngã, chấn thương (đối tượng là người cao tuổi)
- 3.5 Gây nhiễm trùng khi bị vết thương ngoài da ( đối tượng là người bệnh tiểu đường)
- 4 Cách chọn giày phù hợp với bàn chân
- 5 Lời kết
Các dạng bàn chân (rất nhiều dạng bàn chân)
- Bàn chân bình thường.
- Bàn chân Hy Lạp (dễ mang các loại giầy).
- Bàn chân Ai Cập (dễ tổn thương do giầy dép).
- Bàn chân giao chỉ (các ngón chân chõe ra), bàn chân hỗn hợp (đặc trưng của người Việt Nam)…
Bàn chân giao chỉ là đặc trưng của người Việt Nam.
Chọn giày không phù hợp dẫn đến hậu quả gì
Chọn giày dép không phù hợp và mang trong thời gian dài có thể dẫn tới những hậu quả rất nghiêm trọng liên quan tới sức khỏe chứ không chỉ đơn thuần về vấn đề cảm nhận hay thẩm mỹ.
Gây đau chân, đau lưng, thoái hóa khớp gối…
- Việc mang giày không tương thích với hình dạng bàn chân có thể gây đau ở gót chân, cổ chân, các ngón chân. Cũng có thể đau ở cẳng chân, khớp gối hoặc vùng thắt lưng do làm tăng áp lực đến các cơ bắp.
- Khi mang giày không thích hợp, lâu ngày sẽ gây ra các nốt chai bất thường ở gót chân, vùng bàn chân tiếp giáp các ngón… có thể gây lở loét, nhiễm trùng dẫn đến nguy hiểm cho những người mắc bệnh tiểu đường.
Gây viêm lớp cân mạc lòng bàn chân, biến dạng khớp ngón chân
- Đối với phụ nữ, nếu thường xuyên mang giày cao gót (đặc biệt là kiểu mũi nhọn) dẫn đến bệnh lý viêm lớp cân mạc lòng bàn chân do bị căng giãn quá mức, viêm và biến dạng khớp ngón chân cái và ngón út (thành một góc nhọn). Đi giày cao gót thường xuyên còn là nguyên nhân dẫn đến chứng thoái hóa khớp gối.
- Ngoài ra, khi mang dép hoặc giày quá chật hoặc rộng khiến da bị cọ xát thường xuyên hoặc bàn chân lỏng lẻo nên chân dễ bị viêm, chấn thương như bong gân…
Phụ nữ mang giày cao gót thường xuyên dẫn đến biến dạng khớp ngón chân.
Sử dụng giày không đúng mục đích ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào
Sử dụng giày không đúng mục đích cũng gây hậu quả nghiêm trọng không kém việc chọn sai giầy dép khi mang.
Gây vấp ngã, chấn thương, tổn thương gân và dây chằng
Sử dụng giày không phù hợp như dùng giày thông thường để chạy bộ, giày tập thể dục để đá bóng, chơi tennis, tập aerobic… khiến chân bị đau, dễ vấp ngã, chấn thương, gãy xương do mỏi, viêm hay tổn thương các gân và dây chằng…
Gây teo móng chân, nhiễm nấm chân, chàm dị ứng
Một số nguyên liệu chế tạo giày gây teo móng chân, móng chân ăn sâu trong khóe hoặc bị nhiễm nấm. Ngoài ra, nếu chất liệu giày quá thô cứng sẽ gây ẩm ướt do bí khí, hoặc gây chàm, dị ứng cho da…
Gây ảnh hưởng đến khung xương (đối với trẻ em)
Đối với trẻ em, sử dụng giày dép không phù hợp sẽ cản trở sự hoạt động và phát triển của cơ bắp, ảnh hưởng đến sự phát triển của khung xương sau này.
Gây trượt, ngã, chấn thương (đối tượng là người cao tuổi)
Người cao tuổi do mắt kém nên rất dễ gây trượt ngã, chấn thương nếu đi giày hoặc dép không phù hợp.
Gây nhiễm trùng khi bị vết thương ngoài da ( đối tượng là người bệnh tiểu đường)
Bệnh nhân tiểu đường, nếu đi giày, dép không đúng mục đích sử dụng dễ dẫn đến biến chứng, bị nhiễm trùng khi bị vết thương ngoài da.
Bệnh nhân tiểu đường đi giày, dép không đúng mục đích dẫn đến nhiễm trùng ngoài da.
Cách chọn giày phù hợp với bàn chân
Để chọn giày dép phù hợp với bàn chân, cần lưu ý tiêu chí và các thông số lựa chọn.
Các tiêu chí khi chọn giày dép phù hợp với bàn chân
- Không gây đau chân.
- Bảo vệ được bàn chân.
- Nguyên vật liệu an toàn, ít kích ứng, hút ẩm tốt.
- Đế cứng chắc, có độ bám, ít trơn trượt.
- Đủ độ cứng chắc để bảo vệ và độ mềm, nhẵn để không gây tổn thương da.
- Có kèm miếng lót đế, chêm hay đệm mũi và gót…
Các thông số cần lưu ý
- Chiều dài: Đo từ gót đến ngón dài nhất + 2/3 cm.
- Chiều ngang: Phần rộng nhất tương ứng với số đo từ ngón cái đến ngón út ở đoạn tiếp giáp giữa các ngón với phần mu bàn chân.
- Chiều cao gót không được quá 5 cm, chiều rộng gót 2 cm, độ dốc vừa phải…
Không đi giày cao gót quá 5cm để bảo vệ sức khỏe đôi bàn chân.
Lưu ý
- Đối với trẻ em mới tập đi, giày phải thật mềm, đối với tuổi lớn hơn cần đế cứng và dày nhưng phải thật dẻo để phù hợp với sự hiếu động của trẻ.
- Bệnh nhân tiểu đường, viêm khớp mãn tính, nên chọn giày mềm, êm vừa vặn và có hình dạng thích hợp.
- Với người chơi thể thao, đế giày phải dẻo, dày, có giảm xóc, ôm sát vùng cổ chân…
Lời kết
Theo số liệu điều tra, những năm gần đây, số bệnh nhân bị bệnh lý bàn chân, đặc biệt là bệnh nhân nữ ngày càng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu do mang giày dép không phù hợp: đi giày quá cao (trên 5 phân), giày mũi nhọn, sử dụng giày không đúng mục đích…dẫn đến đau lưng, thoái hóa khớp gối, biến dạng khớp ngón chân…
Vì vậy, việc chọn giày để bảo vệ sức khỏe cho đôi bàn chân là rất cần thiết như: chọn loại giày chất liệu an toàn, ít kích ứng, hút ẩm tốt, không gây đau chân, không chọn loại giày cao quá 5 cm, độ dốc vừa phải…Bên cạnh đó, người mua cần lưu ý đi mua giày vào buổi chiều (kích cỡ lớn nhất của bàn chân), thay tất thường xuyên, giữ vệ sinh tốt cho bàn chân, giữ chân khô ráo… để đảm bảo sức khỏe cho đôi chân và có được đôi giày phù hợp.