Được ngâm mình trong làn nước mát trong những ngày hè quả một hình thức thể thao giải trí thú vị. Tuy nhiên ở các hồ bơi công cộng, ẩn sau làn nước xanh ngắt ấy là rất nhiều tác nhân gây bệnh trong bể bơi, người đi bơi cần lưu ý để tự bảo vệ mình.
Mục lục
Bơi lội rất tốt cho sức khỏe nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh
Các tác nhân thường thấy trong bể bơi có thể gây bệnh như rong rêu, nấm mốc, vi khuẩn, các loại kem chống nắng, kem tạo màu da, mồ hôi nước bọt. Ngoài ra, sự tương tác giữa chất khử trùng và các chất gây ô nhiễm nước hồ bơi có thể tạo ra một hỗn hợp của chloramines và có thể gây hại…. Các tác nhân này dễ dàng thâm nhập vào cơ thể con người thông qua các vết xước nhỏ trên da và gây ra một số bệnh sau:
Viêm kết mạc
Vi khuẩn Chlamydia Trachomatis gây bệnh viêm kết mạc sống rất thoải mái trong nước hồ bơi. Vì thế, không có gì lạ khi chúng ta dễ mắc bệnh viêm kết mạc khi đi bơi. Khi bị viêm kết mạc, mắt bị cộm như có vật là ở trong, nước mắt chảy nhiều, có rất nhiều gèn, nhức mắt dữ dội khi nhìn thấy ánh sáng…
Vi khuẩn Chlamydia Trachomatis gây bệnh viêm kết mạc sống rất thoải mái trong nước hồ bơi và sẵn sàng tấn công chúng ta.
Bệnh này nếu không chữa trị dứt điểm dễ dẫn đến rối loạn thị giác. Ngoài viêm giác mạc, khi đi bơi bạn còn dễ bị dị ứng mắt, khô mắt, đỏ mắt… Do các hóa chất để làm sạch nước và chất sát trùng. Để phòng bệnh, khi đi bơi, nên đeo kính bảo vệ, sau khi bơi cần nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý Nacl 9,0%.
Viêm tai ngoài
Ống tai ngoài rất dễ bị viêm khi bơi lội do nước bị ứ lại trong tai
Nấm mốc, vi khuẩn trong nước hồ bơi sẽ dễ đọng lại ở tai (do cấu tạo đặc biệt của tai), từ đó gây bệnh viêm tai ngoài. Bệnh này nếu không được chăm sóc, chữa trị tốt có thể gây thủng tai trong và cũng có thể gây xáo trộn thính giác kéo dài. Vì thế, nếu thấy tai bị ngứa, hay có vết lở loét, bạn nên đi khám chuyên khoa tai – mũi – họng. Tuyệt đối không được ngoáy tai, vì hành động đó sẽ tạo thêm các vết xước, giúp vi khuẩn sinh sôi nảy nở nhanh hơn.
Bệnh tiêu chảy
Nước là môi trường lý tưởng để ký sinh trùng gây tiêu chảy có tên khoa học là Cryptosporidium sinh sống. Loại ký sinh trùng này gây tổn thương tế bào biểu mô ở dạy dày, ruột, đường hô hấp. Khi bị nhiễm thường không có triệu chứng, vì vậy chúng ta là những ổ chứa âm thầm truyền bệnh cho những cá thể khác. Khi bị nhiễm Cryptosporidium, bệnh nhân bị tiêu chảy dữ dội, phân toàn nước, kết hợp với đau quặn bụng, mệt mỏi toàn thân, sốt, chán ăn buồn nôn và đôi khi có nôn.
Các triệu chứng thay đổi nhưng thường trong vòng 30 ngày ở những người không có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Ở những người bị suy giảm miễn dịch, có thể tử vong khi bị nhiễm Cryptosporidium. Cryptospo – ridium có khả năng đề kháng cao đối với các hóa chất sát khuẩn cho nước uống và nước bể bơi.
Vì thế, một người bị tiêu chảy có thể dễ dàng gây nhiễm bẩn bể bơi. Để ngăn lây lan các mầm bệnh tại bể bơi, bạn cần tránh để nước ở bể bơi xâm nhập vào miệng. Tắm rửa sạch sẽ trước khi bơi, rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh. Không nên đi bơi nếu bạn bị tiêu chảy, vì như thế dễ truyền bệnh cho người khác.
Bệnh phụ khoa
Vi khuẩn, ký sinh trùng trong bể bơi có thể gây bệnh phụ khoa cho phụ nữ khi đi bơi
Do nước bể bơi có rất nhiều vi khuẩn nấm, vi trùng gây bệnh… nếu không vệ sinh sạch sẽ, các vi khuẩn nấm và vi trùng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, gây ra hiện tượng nhiễm nấm, viêm nhiễm đường sinh dục. Bệnh này nếu không phát hiện sớm và điều trị dứt điểm sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm: Tiểu ra máu, tiểu buốt, rắt; nam giới viêm mào tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt, phụ nữ là viêm âm hộ, viêm cổ tử cung và viêm phần phụ.
Bệnh hen
Thủ phạm gây ra căn bệnh này chính là các chất hóa học được sử dụng rất nhiều nhằm giữ cho nước bể bơi trong hơn. Nếu thấy có hiện tượng ho nhiều và khó thở, nên tạm dừng hoặc hạn chế đi bơi tại các bể bơi công cộng.
Nấm kẽ chân
Bệnh này do nấm Epidermophytin hoặc Trichophytin gây nên. Đối với nấm kẽ chân do Epidermophytin, da kẽ chân bị bợt trắng, có khi xuất hiện mụn nước ở rìa các ngón chân. Do ngứa nhiều, người bệnh phải gãi liên tục khiến các mụn nước bị vỡ, trợt, loét dễ bị nhiễm khuẩn thứ phát làm sưng tấy các ngón chân, lan trên bàn chân, hạch bẹn.
Trường hợp bị nấm kẽ chân Trichophytin, kẽ ngón chân thường tróc vảy da khô, nền da hơi đỏ, rất ngứa, ở rìa bàn chân, gót chân có các đám róc vẩy da vằn vèo. Các móng chân có thể dày lên, sần sùi, màu vàng đục hoặc mủn ra như lõi sậy.
Bệnh da do ấu trùng sán vịt
Bệnh này còn gọi là “bệnh ngứa của người bơi lội”, hay gặp ở người lội nước, tắm sông, ao, hồ, nông dân làm ruộng nước ở vùng nuôi nhiều vịt. Vài phút sau khi ấu trùng thâm nhập qua da, bệnh nhân sẽ thấy ngứa, khoảng 2 giờ sau nổi các vết đỏ, 10 giờ sau nổi các sẩn mày đay. Vị trí thường gặp là cẳng chân, mắt cá chân, quanh các móng chân, móng tay, kẽ tay, kẽ chân.
Một đến 2 ngày sau có các vết xuất huyết dưới da. Sau đó sẩn dần dần lặn. Ở người có cơ địa dị ứng, sẩn ngứa có thể xuất hiện rải rác toàn thân. Sau 5 đến 7 ngày, nếu không bị nhiễm ấu trùng nữa bệnh sẽ giảm và hết. Nếu là sán máng ký sinh ở người thì sau triệu chứng ngoài da có thể có triệu chứng ở đường tiêu hóa hoặc đường tiết niệu sinh dục.
Bệnh da do hóa chất
Bể bơi không đảm bảo vệ sinh là môi trường thuận lợi phát triển các bệnh ngoài da
Các hóa chất để khử trùng, làm xanh nước bể bơi chính là thủ phạm gây các bệnh ngoài da sau: viêm da tiếp xúc (xuất hiện ở vùng da mỏng như mặt trong cánh tay, nách, bẹn, mặt trong đùi) với các triệu chứng điển hình và các đám đỏ da, ngứa, có thể có các mụn nước nhỏ lấm tấm mọc trên nền da đỏ.
Nếu gãi nhiều có thể bị bội nhiễm vi khuẩn gây viêm da nặng. Đen da, sạm da, thậm chí bỏng da cũng là một dạng bệnh do hóa chất. Khi có những xây xát nhẹ (đứt tay, trầy da, vết thương do cạo râu…) cũng không nên đi bơi.
Để tránh các bệnh này, sau mỗi lần bơi lội, cần phải tắm rửa sạch sẽ bằng nước từ vòi sen để tẩy sạch hết những chất hữu cơ đã bám dính vào cơ thể và dùng khăn cá nhân thật sạch lau khô cơ thể trước khi mặc quần áo. Hạn chế tối đã việc thuê quần áo bơi để sử dụng.
Tránh bơi vào các giờ nóng gắt như cuối buổi sáng, buổi trưa và đầu buổi chiều. Tốt nhất là dùng kem chống nắng thoa lên da 15 phút trước khi bơi và sau khi bơi phải tắm thật sạch.
Bệnh liên quan đến phổi
Chất Clo có trong nước bể bơi rất dễ phản ứng với các chất, như urine và mồ hôi, để tạo nên sản phẩm phụ, chủ yếu là chất chloramines, có thể gây khó chịu cho hệ hô hấp của con người. Những người thường tiếp xúc với chloramines có nguy cơ mắc các chứng bệnh như xoang, hay viêm họng cao gấp 2 đến 4 lần, cảm cúm mãn tính, gấp 3 đến 4 lần những người khác. Những người phải tiếp xúc với nồng độ clo càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng lên.
Bệnh về tóc
Các hóa chất dùng để khử trùng, làm sạch nước sẽ làm tóc bạn sẽ trở nên khô và cứng, thậm chí là rụng tóc sau một thời gian đi bơi. Khi bơi bạn nên dùng mũ Nilon bảo vệ tóc để tránh cho tóc và da đầu tiếp xúc với những hóa chất trong bể bơi.
Bs Thanh Hường