Nứt kẽ hậu môn (anal fissure, fissure anale) là bệnh được đặc trưng bởi một vết loét nông giống như một vết rách nằm ở ống và rìa ống hậu môn. Bệnh được Edouard Quesnu mô tả từ năm 1895. Nhưng cho tới nay, bệnh sinh chưa được hiểu biết một cách tường tận và hiện nay còn có những giả thuyết được nêu ra.
Bệnh gặp khá nhiều, đứng hàng thứ ba sau bệnh trĩ và các bệnh nhiễm trùng vùng hậu môn trực tràng. Trong 4 năm rưỡi, từ 1-7-1997 đến 31-12-2001, bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh có 58 trường hợp.
Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm cho bệnh nhân rất đau đớn khi đi đại tiện. Lý do vào viện của hầu hết các trường hợp là đau dữ dội ở hậu môn khi đại tiện. Vì cơn đau dữ dội chắc chắn sẽ xảy ra khi đại tiện nên nhiều bệnh nhân không dám ăn vì sợ ăn nhiều sẽ đại tiện nhiều, đau nhiều.
Về điều trị, có nhiều phương pháp, từ nội khoa đến thủ thuật và phẫu thuật. Gần đây các phương pháp phẫu thuật có những thay đổi do những hiểu biết mới về bệnh sinh.
SINH BỆNH HỌC
Có nhiều giả thuyết giải thích sự xuất hiện của thương tổn nứt và giải thích vị trí ở phía sau của nó. Sau đây là những quan điểm về sinh bệnh học:
Thuyết giải phẫu
Ở phía sau của hậu môn, cả nam và nữ, có chỗ yếu. Đó là vùng Brick, còn được gọi là tam giác Minor. Ở nữ giới, lại có thêm một điểm yếu ở phía trước hậu môn, cho nên thương tổn nứt thấy không những ở phía sau mà còn thấy cả ở phía trước.
Thuyết mạch máu
Bằng phẫu tích (Klosterhalfen) và bằng siêu âm DOPPLER (Schouten), người ta thấy cực sau của hậu môn được nuôi dưỡng kém, ở đây có hiện tượng thiếu máu cục bộ.
Viêm xơ cơ thắt
Về cơ năng, áp lực của cơ thắt lúc nghỉ tăng cao. Về mô học, ở vùng này có viêm xơ cơ thắt (Arnous, Brown). Cơ thắt bị co thắt và bị viêm xơ là những nguyên nhân gây nên hiện tượng thiếu máu.
Sừng hóa da
Ở vùng có thương tổn nứt thường có hiện tượng sừng hóa của da. Da bị sưng hóa bị cứng và mất tính đàn hồi, nên dễ bị rách (Arnous).
Nhiễm khuẩn
Hậu môn là vùng bẩn nên lớp liên bào biểu mô phủ ở đây dễ bị nhiểm khuẩn (Duhamel).
Cơ học
Phân rắn đi qua hậu môn, cọ sát mạnh vào hậu môn, nhất là ở phía sau. Nứt hậu môn cũng có thể xảy ra sau phẫu thuật cắt trĩ và các thủ thuật sản khoa.
THƯƠNG TỔN
Vị trí
Thương tổn của nứt hậu môn là một viêm loét ở da-niêm mạc của vùng lược. Về chiều cao, ổ loét đi từ rìa hậu môn ở phía ngoài tới đường lược phía trong. Theo chu vi của vòng hậu môn, thương tổn nứt trong hầu hết các trường hợp ở phía sau, nơi 6h.
Kèm với ổ loét của nứt hậu môn có thể có, ở đầu ngoài thương tổn loét, một búi trĩ (sentinel pile) hay một mảng da thừa và ở đầu trong sát với đường lược một chút phì đại (hyperrtrophic papilla). Như vậy, búi trĩ, loét, nhú phì đại là bộ ba kinh điển của thương tổn Nứt hậu môn.
Ngoài ra còn thấy ở các vị trí khác: phía dưới nơi 12h, ở cả sau và trước, ở bên. Vì hầu hết là ở phía sau, cho nên khi thấy thương tổn không nằm ở phía sau phải nghĩ đến các bệnh khác. Ở giới nữ, vị trí trước nhiều hơn ở giới nam, 10% so với 1%.
|
J.C Sarles 161 BN |
R. Copes 440 BN |
Sau |
86% |
71,4% |
Trước |
11% |
15,2% |
Bên |
1% |
4,5% |
Sau và trước |
2% |
8,9% |
Tiến triển
Thương tổn của bệnh nứt hậu môn tiến triển theo hai giai đoạn:
Giai đoạn cấp tính
Ở giai đoạn cấp tính, thương tổn là một vết rách rất nông, hình cái vợt mà đầu to ở phía ngoài đầu nhỏ ở phía trong, bờ thấp, đáy màu hồng. Tiếp sau giai đoạn cấp tính là giai đoạn mãn tính.
Giai đoạn mãn tính
Ở giai đoạn mãn tính, thương tổn là một vết loét sâu, bờ nổi cao, đáy màu trắng và có những sợi vòng của cơ thắt chạy ngang qua. Trước kia người ta tưởng đó là những thớ của bó dưới da cơ thắt ngoài. Những nghiên cứu gần đây đã xác định chúng là những thớ của cơ thắt trong.
Thương tổn nứt có thể được phủ bởi một lớp u hạt viêm. Khi bị nhiễm trùng, thấy ở đây vài giọt mủ. Hiện tượng co thắt cơ trong giai đoạn cấp tính dần dần được thay thế bằng hiện tượng tăng trương lực cơ trong giai đoạn mãn tính.
Nếu không được điều trị kịp thời và có hiệu quả, ổ loét của nứt hậu môn có thể tiến triển thành áp xe hậu môn và nếu áp xe không được điều trị đúng qui cách, sẽ thành rò hậu môn.
Benh.vn