Phẫu thuật cắt ruột thừa nhằm loại bỏ ruột thừa ra khỏi cơ thể. Vai trò của ruột thừa gần như không đáng kể đối với cơ thể con người, do đó việc cắt bỏ ruột thừa hầu như không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Mục lục
Khi nào cần cắt ruột thừa?
Bình thường, có hay không có ruột thừa không khác nhau là mấy, vì bộ phận này không đảm nhận vai trò nào của cơ thể cũng như không gây ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe. Tuy nhiên, có hai trường hợp cần phải cắt bỏ ruột thừa, đó là:
Viêm ruột thừa: là tình trạng viêm và nhiễm trùng tại ruột thừa. Các triệu chứng của bệnh gồm: đau âm ỉ khu trú vùng hố chậu phải hoặc đau thượng vị, quanh rốn sau đó đau khu trú vùng hố chậu phải, kèm theo là biểu hiện chướng bụng, buồn nôn và nôn, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, sốt nhẹ. Khi bị viêm ruột thừa, cần tiến hành phẫu thuật càng sớm càng tốt. Nếu tình trạng viêm không được xử lý, ổ viêm có thể vỡ ra, giải phóng vi khuẩn và chất độc vào khoang bụng, gây viêm phúc mạc nguy hiểm đến tính mạng.
Phòng ngừa viêm ruột thừa: Một số đối tượng đặc biệt có nguy cơ cao được cắt bỏ ruột thừa để tránh dẫn đến viêm ruột thừa.
Chi phí mổ ruột thừa
Chi phí mổ ruột thừa tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: cơ sở thực hiện, loại phẫu thuật (mổ nội soi hay mổ mở), tiến triển của bệnh, tình trạng sức khỏe, lựa chọn bổ sung của bệnh nhân…
Hiện nay, mổ ruột thừa nội soi là phương pháp phổ biến thường được sử dụng, vì độ an toàn khá cao và thời gian nằm viện ngắn hơn so với phương pháp mổ mở. Do những ưu điểm như vậy nên mổ ruột thừa nội soi thường có giá cao hơn. Bệnh nhân thực hiện mổ viêm ruột thừa nếu có bảo hiểm y tế thì sẽ được chi trả một phần.
Chuẩn bị trước khi phẫu thuật
Bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Nói với bác sĩ về bất kỳ dấu hiệu bất thường hoặc bệnh lý nào gặp phải trước đó. Bên cạnh đó, thói quen hút thuốc, nghiện rượu, sử dụng thực phẩm bổ sung, thảo dược và các loại thuốc đang dùng cũng cần báo cho bác sĩ. Đa số trường hợp bệnh nhân cần phải nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước khi phẫu thuật.
Quá trình phẫu thuật
Căn cứ vào tình trạng và mức độ viêm ruột thừa, tiền sử, tình hình sức khỏe và đôi khi là nhu cầu của bệnh nhân, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn mổ mở hoặc mổ nội soi.
Mổ hở
Sau quá trình chuẩn bị, bác sĩ sẽ thực hiện một vết rạch da 5cm ở vùng bụng dưới bên phải để bộc lộ ruột thừa. Sau khi ruột thừa được cắt bỏ, vết rạch da được khâu lại bằng chỉ
Mổ nội soi
Với phương pháp này, bác sĩ rạch một vết nhỏ khoảng 0,5-1 cm trên bụng. Qua đó, bác sĩ sẽ đặt các kênh thao tác để thực hiện việc cắt ruột thừa. Trước tiên sẽ tạo khoang làm việc bằng cách bơm khí cacbonic vào ổ bụng, việc truyền dẫn hình ảnh trong quá trình phẫu thuật được thực hiện qua 1 camera. Camera sẽ hiển thị hình ảnh lên màn hình kết nối, cho phép bác sĩ phẫu thuật quan sát bên trong ổ bụng để thực hiện thủ thuật.
Phẫu thuật mổ ruột thừa nội soi có nhiều ưu điểm: ít đau, thẩm mỹ và thời gian phục hồi thường ngắn hơn so với mổ hở. Tuy nhiên chi phí điều trị cao hơn
Phục hồi sau phẫu thuật
Sau khi mổ ruột thừa, bệnh nhân cần nằm lại phòng hồi sức 1-2 giờ sau đó nằm theo dõi và điều trị tại phòng bệnh 1-2 ngày trước khi về nhà. Thuốc giảm đau có thể được sử dụng để giúp bệnh nhân kiểm soát cơn đau.
Sau khi phẫu thuật bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng như:
- Đau đầu chóng mặt nhẹ
- Buồn nôn hoặc nôn khan, ngứa họng
- Đau mỏi cơ bụng hoặc đau tức dưới sườn phải
- Một số trường hợp có thể bí tiểu hoặc tiểu rắt
Một số lời khuyên có thể giúp cho quá trình hồi phục diễn ra tốt hơn:
- Cố gắng vận động sớm, tuân thủ chế độ ăn uống. Thông thường sau mổ 12 giờ có thể ăn cháo hoặc chờ đến khi có trung tiện
- Rửa tay sạch trước và sau khi chạm vào vị trí mổ
- Sử dụng gối hoặc vật mềm hỗ trợ bụng khi ho, cười, hắt hơi…
- Tránh luyện tập thể dục cường độ cao, vận động quá sức hoặc nâng vật nặng trong quá trình hồi phục
- Tránh dùng các chất kích thích: rượu, bia…
- Thông báo ngay cho bác sĩ những triệu chứng bất thường: đau bụng trở lại, sốt…
Hy vọng những thông tin trên có thể giúp cho người bệnh cảm thấy yên tâm hơn trước và sau khi mổ ruột thừa.
Benh.vn