Vì sao một vài bé sơ sinh lại khóc dữ dội, trong khi những bé khác thì không? Khi các bác sỹ vẫn chưa thể lý giải điều này thì một nghiên cứu của các nhà khoa học từ Hà Lan đã gợi ý rằng: những bất thường trong hệ vi sinh vật đường ruột có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng colic ở trẻ.
Hội chứng colic là tình trạng bé sơ sinh khóc nhiều hơn ba giờ mỗi ngày mà không có lý do cụ thể. Trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nhi khoa Pediatrics này, các tác giả đã xác định một “dấu ấn” vi khuẩn khác biệt trong ruột các trẻ bị colic.
Cần lưu ý rằng, ban đầu bé có đường ruột vô khuẩn (không có vi sinh vật). Vi khuẩn chỉ bắt đầu phát triển, xâm chiếm trong đường ruột chỉ một vài giờ sau khi bé sinh ra.
Nghiên cứu tiến hành trên 12 trẻ bị colic và 12 trẻ khỏe mạnh. Các nhà khoa học lấy mẫu phân của trẻ định kỳ từ lúc sinh ra tới khi bé được 100 ngày tuổi. Mẫu phân được phân tích bằng kỹ thuật giải trình ADN để xác định hơn 1,000 chủng vi khuẩn khác nhau.
Theo nghiên cứu, trong những tuần đầu đời, các bé bị colic có lượng vi khuẩn thuộc ngành Proteobacteria trong ruột nhiều hơn những bé sơ sinh bình thường. Ngành Proteobacteria gồm các vi khuẩn đã được biết tới với khả năng sinh hơi, từ đó có thể gây đau bụng cho trẻ sơ sinh và khiến các bé quấy khóc.
Các trẻ sơ sinh bị colic cũng có ít vi khuẩn Bifidobacteria và Lactobacilli hơn những trẻ thường. Vi khuẩn ở các chi này có thể chống viêm, từ đó làm giảm viêm và đau ruột cho người.
Giáo sư Carolina de Weerth, chuyên gia tâm lý phát triển tại Đại học Radboud Nijmegen, Hà Lan nói: “Trong một thời gian dài, nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia đã tin rầng colic có thể chỉ là một hiện tượng quá khích trong quá trình trẻ sơ sinh khóc. Tuy vậy, nghiên cứu này đã chỉ ra – dù chỉ ở một số trường hợp khóc colic – rằng sự bất thường ở hệ vi sinh vật đường ruột có thể dẫn tới hành vi này của trẻ.”
Sự bất thường của vi khuẩn đường ruột trẻ bắt đầu biến mất sau vài tháng. Điều này cho thấy đây là tình trạng tạm thời. Mặc dù vậy, nghiên cứu của nhóm tác giả vẫn ở quy mô nhỏ và mới chỉ tiến hành vài tháng nên vẫn cần nhiều bằng chứng từ những nghiên cứu lớn hơn.
Nghiên cứu còn cho thấy vi khuẩn xâm chiếm đường ruột của trẻ bị colic chậm hơn những trẻ thường.
Giáo sư William Muinos, đồng giám đốc khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Nhi Miami, nói rằng những phát hiện này rất hợp lý bởi các chủng vi khuẩn có khả năng ảnh hưởng tới việc sinh hơi và nhu động ruột. Những ảnh hưởng này gia tăng có thể khiến trẻ quấy khóc. Mặc dù vậy, giáo sư Muinos cho rằng có nhiều yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng tới trẻ bị colic, và vi khuẩn đường ruột chỉ là một trong các yếu tố gây ra hội chứng này.
Ví dụ, một vài trẻ bị colic có vấn đề về dịch dạ dày hay bị ợ nóng. Thêm vào đó, theo Viện Sức khỏe Hoa Kỳ, những cảm xúc như sợ hãi, phấn khích cũng có thể dẫn tới các triệu chứng colic ở trẻ,.
Kết quả của nghiên cứu gợi ý rằng các nhà khoa học có thể nhìn vào hệ vi khuẩn đường ruột để dự đoán liệu trẻ có bị colic sau này hay không. Thêm vào đó, các liệu pháp như dùng chế phẩm probiotic có thể là một giải pháp chữa trị colic, mặc dù cần có nhiều nghiên cứu hơn trong tương lai để kiểm chứng điều này.