Điều gì sẽ xảy ra khi bạn duy trì thói quen ăn uống sai lầm mỗi ngày? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem, đó là những thói quen gì và nó gây ảnh hưởng ra sao tới sức khỏe cũng như cơ thể bạn nhé!
Mục lục
1. Không ăn sáng
Nhiều người thường bỏ ăn sáng với các lý do như dậy muộn, không cảm thấy đói hay quên… Chúng ta có thể thấy điều này không gây hại gì vì bạn vẫn có thể làm việc bình thường, tuy nhiên, thực tế lại khá nguy hiểm. Thực chất, sau một đêm dài, cơ thể đã trở nên thiếu thốn năng lượng. Bữa sáng sẽ là nguồn dinh dưỡng vô cùng quan trọng giúp lấy lại sức lực. Vì thế, bỏ ăn sáng sẽ khiến chúng ta phải hoạt động và làm việc trong tình trạng “bụng rỗng”, dễ gây đuối sức.
Về lâu dài, nó còn ảnh hưởng đến dạ dày và sức đề kháng. Không những thế, nó còn khiến bạn cảm thấy đói và ăn quá nhiều vào bữa trưa, từ đó có thể gây nên các căn bệnh về đường tiêu hóa, béo phì…
2. Ăn không đúng giờ
Cuộc sống bận rộn và không ổn định về giờ giấc khiến cho rất nhiều người thường xuyên dùng bữa không đúng giờ. Điều này sẽ làm cho dạ dày hoạt động không hiệu quả, gây tổn hại đến dạ dày, đồng thời khiến bạn quên đi cảm giác đói.
3. Không rửa tay trước khi ăn
Rửa tay sẽ giúp chúng ta hạn chế vi khuẩn từ môi trường bên ngoài và các vật dụng gia đình. Nếu không rửa tay trước khi ăn, các vi khuẩn sẽ khiến chúng ta mắc các bệnh về đường ruột như viêm dạ dày cấp tính, đau dạ dày, buồn nôn, đầy bụng…
4. Ăn mặn
Ăn mặn có thể do thói quen khi nấu nướng hoặc là thói quen ăn uống của rất nhiều người. Điều này không hề tốt chút nào bởi ăn quá nhiều muối sẽ rất nguy hiểm. Muối chứa rất nhiều natri nên có thể dẫn đến chứng đầy hơi, giữ nước trong cơ thể, gây sưng phồng quanh mắt. Nó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp, xơ cứng động mạch vành, xuất huyết não và loãng xương… Ngoài việc chú ý trong khi nấu nướng, chúng ta cũng không nên ăn nhiều các loại thực phẩm chứa lượng muối cao như xúc xích, phô mai hay mì ống…
5. Ăn quá nhanh
Ăn nhanh sẽ khiến thức ăn không được nhai kỹ ở khoang miệng mà trực tiếp chuyển đến dạ dày khi vẫn ở dạng thô để tiêu hóa tiếp. Điều này sẽ trực tiếp làm hại niêm mạc dạ dày, tăng gánh nặng và thời gian làm việc cho dạ dày, làm mệt mỏi cơ bắp dạ dày cũng như giảm nhu động dạ dày.
6. Ăn cơm chan canh
Thực tế, ăn cơm chan canh cũng có thể gây hại cho sức khỏe. Nguyên nhân là do khi ăn như vậy, chúng ta gần như nuốt chửng hoặc chỉ nhai qua loa rồi nuốt luôn. Thức ăn chưa được nhai kỹ khi đi vào dạ dày sẽ tạo thêm gánh nặng cho dạ dày, khiến nó phải làm việc liên tục. Không chỉ thế, nước canh còn có thể làm loãng dịch tiêu hóa dạ dày. Điều này gây nên những ảnh hưởng không tốt tới chức năng tiêu hóa, dễ gây bệnh đau dạ dày.
7. Kiêng hoàn toàn chất béo
Chúng ta thường quan niệm rằng, chất béo không tốt cho sức khỏe, dễ gây bệnh… tuy nhiên, đó chỉ là tác hại khi bạn ăn nhiều hoặc tiêu thụ các chất béo có hại như chất béo bão hòa hoặc chất béo transfat mà thôi.
Chất béo vẫn là một phần không thể thiếu đối với cơ thể. Thiếu chất béo có thể dẫn đến thiếu năng lượng và làm suy dinh dưỡng. Ngoài ra, nó còn làm chậm quá trình tăng trưởng chiều cao, dễ gây viêm nhiễm, lở loét da, quáng gà, giảm sức đề kháng… Vì thế, các bạn cần cung cấp chất béo cho cơ thể nhưng nên sử dụng các chất béo có lợi như chất béo không bão hòa đơn, chất béo không bão hòa đa hay axit béo Omega-3…
8. Dùng dầu rán đi rán lại
Dầu đã qua sử dụng sẽ không có lợi cho sức khỏe bởi nó đã chuyển hóa thành chất béo bão hòa hoặc đã bị phân giải. Vì thế, không những không mang lại lợi ích mà nó còn có thể gây bệnh. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý khi chế biến các món ăn chiên, rán, tránh đun ở nhiệt độ quá cao và sử dụng dầu thực vật thay thế cho mỡ động vật để bảo vệ sức khỏe.
An Nguyên – Benh.vn