Mục lục
- 1 Thông tin chung thuốc Duoplavin
- 2 Dược lực học và dược động học thuốc Duoplavin
- 3 Chỉ định và chống chỉ định thuốc DuoPlavin
- 4 Liều dùng và cách dùng thuốc DuoPlavin
- 5 Sử dụng thuốc DuoPlavin ở phụ nữ có thai và cho con bú
- 6 Tương tác thuốc DuoPlavin
- 7 Tác dụng ngoại ý của thuốc DuoPlavin
- 8 Thận trọng khi sử dụng thuốc DuoPlavin
- 9 Bảo quản
Duoplavin là một thuốc kháng tiểu cầu, ngăn ngừa hình thành cục máu đông, chống tắc mạch. Đây là thuốc tổng hợp chứa hai thành Clopidogrel và Acetylsalicylic của hãng Sanofi Aventis – Pháp.
Thông tin chung thuốc Duoplavin
Tên thuốc: Duoplavin
Hãng sản xuất: Sanofi-Aventis
Thành phần thuốc Duoplavin:
- Mỗi viên: Clopidogrel (dưới dạng hydrogen sulphat) 75mg, acid acetylsalicylic 100mg.
- Quy cách: DuoPlavin 75 mg/100 mg là viên nén bao phim hình bầu dục, hai mặt hơi lồi, màu hồng sáng, có khắc mã số ‘C75’ ở một mặt và ‘A100’ ở mặt kia.
Dược lực học và dược động học thuốc Duoplavin
Thuốc Duoplavin có dược lực học và dược động học kết hợp của hai thành phần Clopidogrel và Acetylsalicylic.
Dược lực học thuốc Duoplavin
Dược lực học thành phần Clopidogrel
Clopidogrel là một tiền chất, một trong những chất chuyển hóa của nó là chất ức chế kết tập tiểu cầu. Clopidogrel phải được các men CYP450 chuyển hóa để tạo thành chất chuyển hóa có hoạt tính ức chế sự kết tập tiểu cầu. Chất chuyển hóa có hoạt tính của clopidogrel ức chế chọn lọc sự kết gắn của adenosin diphosphat (ADP) với thụ thể P2Y12 của nó trên tiểu cầu và qua đó ức chế sự hoạt hóa phức hợp glycoprotein GPIIb/IIIa qua trung gian ADP, nhờ vậy ức chế sự kết tập tiểu cầu.
Vì sự kết gắn không thể đảo ngược được, nên những tiểu cầu này bị ảnh hưởng trong cả quãng đời còn lại của chúng (khoảng 7-10 ngày) và sự hồi phục chức năng tiểu cầu bình thường xảy ra ở một tốc độ phù hợp với sự chu chuyển tiểu cầu. Sự kết tập tiểu cầu do các chất chủ vận không phải ADP gây ra cũng bị ức chế bởi tác dụng chẹn sự khuếch đại hoạt tính tiểu cầu do ADP được phóng thích gây ra.
Vì chất chuyển hóa có hoạt tính được hình thành bởi các men CYP450, mà một số trong đó có tính đa hình hoặc là đối tượng bị ức chế bởi các thuốc khác, nên không phải bệnh nhân nào cũng có sự ức chế tiểu cầu thỏa đáng.
Những liều clopidogrel 75 mg/ngày lặp lại nhiều lần gây nên sự ức chế rõ rệt đối với sự kết tập tiểu cầu do ADP gây ra từ ngày đầu tiên; tác dụng này tăng dần và đạt trạng thái ổn định trong khoảng từ ngày 3 đến ngày 7. Ở trạng thái ổn định, mức ức chế trung bình được nhận thấy với liều 75 mg/ngày vào khoảng 40% đến 60%. Sự kết tập tiểu cầu và thời gian chảy máu dần dần trở về trị số ban đầu trong vòng 5 ngày sau khi ngưng điều trị.
Dược lực học thành phần Aspirin
Acid acetylsalicylic ức chế kết tập tiểu cầu bằng sự ức chế không đảo ngược được của prostaglandin cyclo oxygenase và vì vậy ức chế sự sản sinh thromboxan A2, một chất gây kết tập tiểu cầu và co mạch. Tác dụng này kéo dài suốt quãng đời của tiểu cầu.
Số liệu thực nghiệm gợi ý rằng ibuprofen có thể ức chế tác dụng của aspirin liều thấp trên sự kết tập tiểu cầu khi chúng được dùng cùng lúc với nhau. Trong một nghiên cứu, khi một liều duy nhất ibuprofen 400 mg được uống trong vòng 8 giờ trước hoặc trong vòng 30 phút ngay sau khi uống 81 mg aspirin phóng thích nhanh, thì ASA giảm tác dụng trên sự hình thành thromboxan hoặc kết tập tiểu cầu.
Tuy nhiên, điểm hạn chế của những số liệu này và sự thiếu chắc chắn khi suy diễn số liệu ex vivo sang tình huống lâm sàng hàm ý rằng không thể rút ra kết luận dứt khoát về việc sử dụng ibuprofen thường xuyên, và không có tác dụng có ý nghĩa lâm sàng nào được xem là có khả năng do thỉnh thoảng sử dụng ibuprofen.
Dược động học thuốc DuoPlavin
Dược động học thành phần Clopidogrel
Hấp thu:
Sau các liều uống duy nhất và lặp lại 75 mg/ngày, clopidogrel được hấp thu nhanh. Nồng độ đỉnh trung bình trong huyết tương của clopidogrel không biến đổi (khoảng 2,2-2,5 ng/ml sau khi uống một liều duy nhất 75 mg) xảy ra khoảng 45 phút sau khi uống. Tỉ lệ hấp thu ít nhất là 50%, dựa trên sự bài tiết các chất chuyển hóa của clopidogrel trong nước tiểu.
Phân bố:
Clopidogrel và chất chuyển hóa chính trong máu (không có hoạt tính) gắn kết in vitro có thể đảo ngược được với protein huyết tương người (theo thứ tự là 98% và 94%). Sự kết gắn không bão hòa in vitro xảy ra với một phổ nồng độ rộng.
Chuyển hóa:
Clopidogrel được chuyển hóa rộng rãi ở gan. In vitro và in vivo, clopidogrel được chuyển hóa theo hai đường chuyển hóa chính: một đường qua trung gian các esterase và dẫn đến sự thủy giải thành dẫn chất acid carboxylic không có hoạt tính (85% lượng chất chuyển hóa trong máu), và một đường qua trung gian nhiều cytochrome P450.
Clopidogrel được chuyển hóa lần đầu thành chất chuyển hóa trung gian 2-oxo-clopidogrel. Sự chuyển hóa tiếp theo của chất chuyển hóa trung gian 2-oxo-clopidogrel dẫn đến sự hình thành chất chuyển hóa có hoạt tính, một dẫn chất thiol của clopidogrel. In vitro, đường chuyển hóa này là qua trung gian CYP3A4, CYP2C19, CYP1A2 và CYP2B6. Chất chuyển hóa thiol có hoạt tính, đã được phân lập in vitro, nhanh chóng kết gắn không đảo ngược được với các thụ thể tiểu cầu, qua đó ức chế sự kết tập tiểu cầu.
Thải trừ:
Trên người, sau khi uống một liều clopidogrel được đánh dấu với 14C, khoảng 50% được bài tiết trong nước tiểu và khoảng 46% được bài tiết trong phân trong khoảng thời gian 120 giờ sau khi uống. Sau khi uống một liều duy nhất 75 mg, clopidogrel có thời gian bán hủy khoảng 6 giờ. Thời gian bán thải của chất chuyển hóa chính trong máu (không có hoạt tính) là 8 giờ sau khi dùng liều duy nhất và liều lặp lại.
Dược di truyền:
Clopidogrel được hoạt hóa bởi nhiều men CYP450 đa hình. CYP2C19 can dự vào sự hình thành chất chuyển hóa có hoạt tính lẫn chất chuyển hóa trung gian 2-oxoclopidogrel. Dược động học của chất chuyển hóa có hoạt tính của clopidogrel và các tác dụng kháng tiểu cầu, được đo bằng thử nghiệm kết tập tiểu cầu ex vivo, khác nhau tùy kiểu gen CYP2C19.
* Suy thận: Sau những liều clopidogrel lặp lại 75 mg/ngày trên các đối tượng suy thận nặng (thanh thải creatinin từ 5 đến 15 ml/phút), tác dụng ức chế sự kết tập tiểu cầu do ADP gây ra thấp hơn (25%) so với các đối tượng khỏe mạnh, tuy nhiên, sự kéo dài thời gian chảy máu tương tự như đã thấy trên người khỏe mạnh được dùng clopidogrel 75 mg/ngày. Ngoài ra, sự dung nạp lâm sàng trên tất cả bệnh nhân đều tốt.
* Suy gan: Sau những liều clopidogrel lặp lại 75 mg/ngày trong 10 ngày ở bệnh nhân suy gan nặng, tác dụng ức chế sự kết tập tiểu cầu do ADP gây ra tương tự như đã thấy trên các đối tượng khỏe mạnh. Tác dụng kéo dài thời gian chảy máu trung bình cũng tương tự nhau giữa hai nhóm.
* Chủng tộc: Tỉ lệ lưu hành của các allen CYP2C19 gây nên sự chuyển hóa trung gian và kém của CYP2C19 khác nhau tùy theo chủng tộc (xem Dược di truyền). Trong y văn, chỉ có những số liệu hạn chế trên các quần thể người châu Á để đánh giá ý nghĩa lâm sàng của việc xác định kiểu gen của CYP này trên các tai biến kết cục lâm sàng.
Dược động học thành phần Acid acetylsalicylic (ASA)
– Hấp thu:
Sau khi hấp thu, ASA trong DuoPlavin được thủy giải thành acid salicylic và đạt đến nồng độ đỉnh trong huyết tương trong vòng 1 giờ sau khi uống, nồng độ ASA trong huyết tương cơ bản không còn phát hiện được sau khi uống thuốc 1,5-3 giờ.
– Phân bố:
ASA ít gắn với protein huyết tương và có thể tích phân bố biểu kiến thấp (10 l). Chất chuyển hóa của nó, acid salicylic, có tỉ lệ kết gắn cao với protein huyết tương, nhưng sự kết gắn lại lệ thuộc nồng độ (không tuyến tính). Ở nồng độ thấp (< 100 microgram/ml), khoảng 90% lượng acid salicylic gắn với albumin. Acid salicylic được phân bố rộng rãi đến tất cả các mô và dịch cơ thể, bao gồm hệ thần kinh trung ương, sữa mẹ, và các mô bào thai.
– Chuyển hóa và Thải trừ:
ASA trong DuoPlavin được thủy giải nhanh chóng trong huyết tương thành acid salicylic, với thời gian bán hủy từ 0,3 đến 0,4 giờ đối với các liều ASA từ 75 đến 100 mg. Acid salicylic chủ yếu được phản ứng kết hợp ở gan để tạo thành acid salicyluric, một phenol glucuronide, một acid salicylic glucuronide, và một số chất chuyển hóa thứ yếu.
Acid salicylic trong DuoPlavin có thời gian bán hủy trong huyết tương khoảng 2 giờ. Sự chuyển hóa salicylat có thể bão hòa và độ thanh thải toàn thân giảm ở các nồng độ cao hơn trong huyết thanh do khả năng hạn chế của gan trong việc tạo ra acid salicyluric lẫn phenol glucuronide. Sau khi uống những liều độc (10-20 g), thời gian bán hủy trong huyết tương có thể tăng trên 20 giờ.
Ở liều ASA cao, sự thải trừ acid salicylic tuân theo động học bậc 0 (tức là tốc độ thải trừ hằng định so với nồng độ trong huyết tương), với thời gian bán hủy biểu kiến là 6 giờ hoặc cao hơn. Sự bài tiết qua thận của chất có hoạt tính không bị biến đổi tùy thuộc vào pH nước tiểu. Khi pH nước tiểu tăng trên 6.5, sự thanh thải salicylat tự do ở thận tăng từ < 5% lên > 80%. Sau những liều điều trị, khoảng 10% được bài tiết trong trong nước tiểu dưới dạng acid salicylic, 75% dưới dạng acid salicyluric, 10% là phenol glucuronide và 5% là acyl glucuronide của acid salicylic.
Dựa trên các đặc điểm dược động học và chuyển hóa của cả hai hợp chất, ít có khả năng xảy ra các tương tác dược động học có ý nghĩa lâm sàng.
Chỉ định và chống chỉ định thuốc DuoPlavin
Thuốc DuoPlavin có chỉ định trong nhiều trường hợp bệnh lý tắc mạch và chống chỉ định với các trường hợp dễ bị chảy máu.
Chỉ định thuốc DuoPlavin
Thuốc DuoPlavin chứa clopidogrel và acid acetylsalicylic (ASA) và thuộc nhóm thuốc kháng tiểu cầu. Tiểu cầu là những cấu trúc rất nhỏ trong máu có thể kết tụ với nhau trong khi đông máu. Bằng cách ngăn chặn sự kết tụ này ở một loại mạch máu (gọi là động mạch), thuốc kháng tiểu cầu làm giảm nguy cơ đông máu (một quá trình được gọi là xơ vữa huyết khối).
Thuốc DuoPlavin được dùng để đề phòng sự hình thành các cục máu đông trong các động mạch xơ cứng có thể dẫn đến tai biến xơ vữa huyết khối (như đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc tử vong).
Kê đơn thuốc DuoPlavin để thay cho hai thuốc riêng biệt, clopidogrel và ASA, giúp đề phòng các cục máu đông vì bệnh nhân đang có một kiểu đau ngực nặng gọi là ‘đau thắt ngực không ổn định’ hoặc nhồi máu cơ tim. Để điều trị bệnh này, bác sĩ có thể đặt một khung đỡ (stent) trong động mạch bị tắc hoặc bị hẹp để phục hồi lưu lượng máu hữu dụng.
Chống chỉ định thuốc DuoPlavin
Không được dùng DuoPlavin:
– Nếu bị dị ứng (quá mẫn) với clopidogrel, acid acetylsalicylic (ASA) hoặc bất kỳ thành phần nào khác của DuoPlavin.
– Nếu bị dị ứng với các thuốc kháng viêm không steroid vốn thường dùng để điều trị tình trạng đau và/hoặc viêm ở cơ và khớp.
– Nếu có một bệnh phối hợp gồm hen suyễn, chảy mũi và pô-lýp mũi (một loại u trong mũi).
– Nếu có bệnh đang gây chảy máu như loét dạ dày hoặc chảy máu trong não.
– Nếu có bệnh gan nặng.
– Nếu có bệnh thận nặng,
– Nếu đang mang thai 3 tháng cuối của thai kỳ.
Liều dùng và cách dùng thuốc DuoPlavin
Thuốc DuoPlavin ở dạng viên uống tương đối dễ sử dụng, tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý liều dùng.
Liều dùng thuốc DuoPlavin
Liều thường dùng là một viên DuoPlavin mỗi ngày.
Cách dùng, đường dùng thuốc DuoPlavin
Uống thuốc với một ly nước, có thể kèm với thức ăn hoặc không.
Hàng ngày nên uống thuốc vào một giờ nhất định.
Tùy theo bệnh trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ quyết định thời gian cần dùng DuoPlavin là bao lâu. Nếu bệnh nhân đã từng bị nhồi máu cơ tim, thuốc phải được uống ít nhất là 4 tuần. Trong mọi trường hợp, bệnh nhân nên tiếp tục uống thuốc chừng nào mà bác sĩ còn kê toa cho dùng thuốc này.
Nếu quên uống DuoPlavin
- Nếu quên uống một liều DuoPlavin, nhưng bệnh nhân nhớ ra trong vòng 12 giờ sau giờ uống thuốc thường lệ, hãy uống ngay một viên và uống viên kế tiếp vào giờ thường lệ. Nếu quên uống thuốc hơn 12 giờ, đơn giản chỉ cần uống liều kế tiếp vào giờ thường lệ. Không tăng gấp đôi liều thuốc để bù vào liều quên uống.
- Với các vỉ thuốc 14, 28 và 84 viên, bệnh nhân có thể kiểm tra ngày uống viên Duo-Plavin cuối cùng bằng cách đối chiếu với lịch được in trên vỉ thuốc.
Bệnh nhân không được ngưng điều trị trừ khi bác sĩ quyết định như vậy.
Quá liều thuốc DuoPlavin
Bệnh nhân hãy đến gặp bác sĩ hoặc khoa cấp cứu của bệnh viện gần nhất vì tăng nguy cơ chảy máu.
Sử dụng thuốc DuoPlavin ở phụ nữ có thai và cho con bú
Không được dùng DuoPlavin trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Để phòng xa, cũng không nên dùng thuốc này trong 6 tháng đầu mang thai.
Thận trọng trước khi dùng DuoPlavin ở bệnh nhân đang có thai hoặc nghi có thai. Nếu có thai trong thời gian đang dùng DuoPlavin, khuyên bệnh nhân hãy báo bác sĩ ngay vì DuoPlavin không được khuyên dùng trong khi có thai.
Trong thời gian dùng thuốc này, không nên cho con bú sữa mẹ. Nếu đang nuôi con bằng sữa mẹ hoặc dự định nuôi con bằng sữa mẹ, bệnh nhân hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc này.
Tương tác thuốc DuoPlavin
Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng DuoPlavin hoặc ngược lại.
Đặc biệt, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ biết nếu đang dùng:
- Thuốc kháng đông dạng uống, tức thuốc dùng để giảm đông máu.
- ASA hoặc thuốc kháng viêm không-steroid khác thường dùng để điều trị đau và/hoặc viêm cơ hoặc khớp,
- Heparin hoặc bất kỳ một thuốc tiêm nào khác để giảm đông máu,
- Thuốc ức chế bơm proton (ví dụ omeprazole) để điều trị bệnh dạ dày,
- Methotrexat, một thuốc dùng để điều trị bệnh khớp nặng (viêm khớp dạng thấp) hoặc bệnh da (vảy nến),
- Probenecid, benzbromarone, hoặc sulfinpyrazone, những thuốc dùng để trị bệnh gút (thống phong)
- Fluconazole, voriconazole, ciprofloxacin, hoặc chloramphenicol, những thuốc dùng để trị nhiễm trùng và nhiễm nấm,
- Cimetidin, thuốc dùng để trị loét dạ dày,
- fluoxetin, fluvoxamin, hoặc moclobemide, những thuốc dùng để trị trầm cảm,
- Carbamazepin, hoặc oxcarbazepin, những thuốc dùng để trị một số thể bệnh động kinh,
- Ticlopidin, một loại thuốc kháng tiểu cầu khác.
Bệnh nhân cần ngưng điều trị clopidogrel khác trong khi dùng DuoPlavin.
Nếu thỉnh thoảng dùng ASA (không quá 1.000 mg trong 24 giờ) thì thường không có vấn đề gì, nhưng sử dụng ASA kéo dài trong những trường hợp khác thì bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ hoặc dược sĩ.
Tác dụng ngoại ý của thuốc DuoPlavin
Tác dụng phụ thường gặp nhất đã được nhận thấy với DuoPlavin là chảy máu.
Chảy máu có thể xảy ra dưới dạng chảy máu trong dạ dày hoặc trong ruột, bầm máu, tụ máu (xuất huyết khác thường hoặc bầm máu dưới da), chảy máu cam, tiểu ra máu. Trong một số ít trường hợp, chảy máu trong mắt, trong sọ, hoặc trong khớp cũng đã được báo cáo.
Nếu bị đứt tay hay tự gây thương tích, máu sẽ chảy lâu hơn thường lệ mới cầm được. Đó là do tác động của thuốc vì nó ngăn chặn khả năng hình thành cục máu đông. Đối với những vết cắt hoặc vết thương nhẹ, ví dụ đứt tay, cạo râu, thì thường không đáng lo. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân lo ngại về tình trạng chảy máu, hãy đến gặp ngay bác sĩ (xem mục Thận trọng).
Các tác dụng phụ khác đã được nhận thấy với DuoPlavin
Tác dụng phụ thường gặp: Tiêu chảy, đau bụng, khó tiêu hoặc ợ nóng.
Tác dụng phụ ít gặp: Đau đầu, loét dạ dày, ói mửa, buồn nôn, táo bón, đầy hơi trong dạ dày hoặc trong ruột, nổi mẩn, ngứa, choáng váng, cảm giác tê rần hoặc kiến bò.
Tác dụng phụ hiếm gặp: Chóng mặt.
Tác dụng phụ rất hiếm gặp: Vàng da; đau bụng dữ dội kèm hoặc không kèm đau lưng; sốt, khó thở đôi khi kết hợp với ho; các phản ứng dị ứng toàn thân; sưng miệng; da nổi bọng nước; dị ứng da; viêm miệng; giảm huyết áp; lơ mơ; ảo giác; đau khớp; đau cơ; thay đổi vị giác, viêm mạch máu nhỏ.
Tác dụng phụ không rõ tần suất: thủng ổ loét, ù tai, mất thính lực, phản ứng dị ứng đột ngột đe dọa tính mạng, bệnh thận, hạ đường huyết, gút (tức thống phong, một bệnh đau và sưng khớp do các tinh thể acid uric gây ra) và dị ứng thức ăn diễn biến xấu.
Thận trọng khi sử dụng thuốc DuoPlavin
Thận trọng trước khi dùng DuoPlavin, nếu bệnh nhân có bất kỳ tình trạng nào dưới đây:
Nếu có một nguy cơ chảy máu như:
- Một bệnh khiến bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết nội (ví dụ loét dạ dày).
- Một rối loạn về máu khiến bệnh nhân dễ bị xuất huyết nội (chảy máu bên trong các mô, cơ quan hoặc các khớp trong cơ thể).
- Một thương tích nặng gần đây.
- Mới phẫu thuật gần đây (kể cả nhổ răng).
- Sắp được phẫu thuật (kể cả nhổ răng) trong vòng 7 ngày tới.
- Nếu có cục máu đông trong một động mạch não (nhũn não) xảy ra trong vòng 7 ngày trước.
- Nếu có bệnh gan hoặc bệnh thận.
- Nếu có tiền sử hen suyễn hoặc phản ứng dị ứng.
- Nếu bị bệnh gút (thống phong).
Trong khi đang dùng DuoPlavin
Bệnh nhân nên báo cho bác sĩ:
- Nếu dự định phẫu thuật (kể cả nhổ răng).
- Nếu bị đau dạ dày hoặc đau bụng hoặc chảy máu trong dạ dày hoặc trong ruột (phân đỏ hoặc phân đen).
Bệnh nhân cũng nên báo ngay cho bác sĩ nếu mắc phải một bệnh (gọi là ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối hay TTP) gồm có sốt và bầm máu dưới da dưới dạng những chấm đỏ nhỏ như đầu kim, có hoặc không có tình trạng hết sức mệt mỏi đi kèm mà không rõ nguyên nhân, lơ mơ, vàng da hoặc vàng mắt
Nếu bệnh nhân có vết thương chảy máu, máu sẽ chảy lâu hơn thường lệ mới cầm được. Đó là do tác động của thuốc vì nó ngăn chặn khả năng hình thành cục máu đông. Đối với những vết cắt hoặc vết thương nhẹ, ví dụ đứt tay, cạo râu, thì thường không đáng lo. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân lo ngại về tình trạng chảy máu, hãy đến gặp ngay bác sĩ
Sử dụng thuốc DuoPlavin ở trẻ em
DuoPlavin không dùng cho trẻ em hoặc thiếu niên dưới 18 tuổi. Có thể có một sự tương tác giữa acid acetylsalicylic (ASA) và hội chứng Reye khi dùng những sản phẩm có chứa ASA cho trẻ em và thiếu niên bị nhiễm siêu vi. Hội chứng Reye là một bệnh rất hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong.
Lái xe và sử dụng máy móc
DuoPlavin không ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc sử dụng máy móc.
Bảo quản
Bảo quản ở nhiệt độ dưới 25°C.