Tiểu không tự chủ của phụ nữ là tình trạng khá phổ biến hiện nay, đặc trưng bằng khả năng kiểm soát khi đi tiểu, số lần đi tiểu và lượng nước tiểu mỗi lần. Trung bình cứ 4 phụ nữ thì có 1 phụ nữ gặp vấn đề về tiểu không tự chủ. Tuy nhiên không phải ai cũng điều trị đúng cách để khỏi bệnh.
Mục lục
Thực trạng tiểu không tự chủ ở phụ nữ trên thế giới và Việt Nam
Tỷ lệ phụ nữ mắc tiểu không tự chủ
Theo Hội Tự chủ Quốc tế (International Continence Society), tiểu không tự chủ (TKTC) hay són tiểu (ST) là tình trạng mất kiểm soát tiểu tiện, gây trở ngại về vệ sinh cá nhân và hoạt động xã hội cho bệnh nhân (Abrams P và cs., 2003).
Tổ chức Y tế Thế giới nhận định Tiểu không tự chủ phổ biến toàn cầu, chiếm khoảng 25% ở phụ nữ các lứa tuổi nhưng chưa được quan tâm điều trị (Norton P, 2006). Đây cũng là rối loạn hay gặp, chiếm 25,4% ở phụ nữ Việt Nam (Nguyễn Thị Tân Sinh và cs., 1996; 2009).
Tác hại của tiểu không tự chủ
Tiểu không tự chủ là gánh nặng tâm lý, làm giảm chất lượng sống của người phụ nữ. Họ thường cảm thấy buồn bã, kém tự tin, mệt mỏi, xấu hổ và lo ngại vì mùi cơ thể. Tiểu không tự chủ còn làm giảm khả năng tập trung, giảm năng suất lao động và khả năng hòa nhập cộng đồng, đe dọa hạnh phúc gia đình (Nguyễn Thị Tân Sinh và Nguyễn Đức Hinh, 2007; Abrams P và cs., 2003; Corcos J, 2002).
Tiểu không tự chủ cũng gây tốn kém cho dịch vụ y tế và cá nhân người mắc phải. Ước tính hàng năm ở Mỹ tiêu tốn khoảng 15 tỷ đôla cho điềutrị, cá nhân người mắc tốn 1000 đôla để mua băng vệ sinh hàng ngày, quần lót, giấy thấm, nước hoa, khử mùi (Latthe PM, 2007; Wilson và cs., 2001). Mặc dù vậy, tỉ lệ phụ nữ mắc tiểu không tự chủ đi khám chữa bệnh chỉ chiếm 4-25%, nguyên nhân chính là do thiếu thông tin, xấu hổ và ngành y tế ở một số nước chưa có đủ phương tiện điều trị (Norton P, 2006).
Phân loại các dạng tiểu không tự chủ
- Tiểu không tự chủ do gắng sức: hoạt động thể lực, ho, hắt hơi làm tăng áp lực trong ổ bụng gây thoát nước tiểu ở người có sa cổ bàng quang hay suy yếu cơ thắt.
- Tiểu không tự chủ do bàng quang cường hoạt động:cảm giác buồn tiểu đến nhanh và mạnh, không có khả năng nhịn tiểu cho đến khi đến được nhà vệ sinh. Thường gặp ở người bàng quang luôn trong tình trạng kích thích, tăng co.
- Phối hợp cả hai loại rối loạn trên.
Trong đó Tiểu không tự chủ do gắng sức (TKTCGS) phổ biến nhất, chiếm 2/3 các trường hợp (Hunskaar S, 2000).
Nguyên nhân tiểu không tự chủ
Một số nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng tiểu không tự chủ như:
- Tổn thương do thai sản: Tổn thương về giải phẫu và thần kinh hệ thống đáy chậu trong quá trình thai nghén và sinh con.
- Yếu tố di truyền (độ chắc của tổ chức)
- Yếu tố cơ địa (hút thuốc, béo phì, công việc)
- Yếu tố khác: bệnh phổi mạn tính, tuổi, thiếu hụt estrogen do mãn kinh (Norton P, 2006).
Tổn thương do thai sản gây tiểu không tự chủ
Hệ thống nâng đỡ tiểu khung bao gồm: tổ chức liên kết, cơ đáy chậu và thần kinh. Các tổ chức liên kết, cân cơ, thần kinh, mạch máu có thể bị chèn ép, căng giãn, thương tổn trong quá trình thai sản.
Vitrup theo dõi 305 người sinh con so thấy 32% mắc TKTCGS trong khi mang thai thấy:
- 19% số người không bị tiểu không tự chủ ngay sau sinh nhưng mắc TKTCGS 5 năm sau.
- Trong số phụ nữ bị TKTCGS sau sinh 3 tháng có 92% bị TKTCGS 5 năm sau (Vikrup L và cs., 1992).
- Trong nghiên cứu tiến cứu khác: 344 người có thai lần đầu được chia làm 2 nhóm, nhóm sinh đường dưới và mổ sinh.
- Nhóm sinh đường dưới có nguy cơ bị TKTCGS sau sinh cao gấp 18 lần so với nhóm mổ sinh (Van Brummen HJ, 2007).
- Nghiên cứu lâm sàng và niệu động học sản phụ Pháp sau mổ sinh chủ động thấy 34% đã có TKTC trong khi mang thai, TKTCGS sau mổ chiếm tỉ lệ 22,8%, tăng cân trên 14kg khi mang thai, con to trên 3.500g là yếu tố nguy cơ (Nguyễn Thị Tân Sinh, 2005).
Nguyên nhân gây TKTCGS
Tiểu không tự chủ gắng sức chủ yếu do di động quá mức cổ bàng quang-niệu đạo hay suy yếu cơ thắt cổ bàng quang. Tình trạng này có thể gặp ở bất kỳ người phụ nữ nào, nhưng thường hay gặp nhất ở phụ nữ lao động nặng, viêm nhiễm bàng quang niệu đạo…
Các phát hiện tiểu không tự chủ
- Khai thác các triệu chứng, hoàn cảnh bị tiểu không kiểm soát (xảy ra khi gắng sức hay mót tiểu khẩn cấp hoặc cả hai).
- Khám lâm sànggiúp chẩn đoán nguyên nhân và các tổn thương phối hợp (sa sinh dục, dò tiết niệu).
- Xét nghiệm: đo lượng nước tiểu tồn dư, thử nghiệm gắng sức, xét nghiệm nước tiểu, Q-tip test, niệu động học.
Q-tip test
- Đặt tăm bông vào bàng quang, yêu cầu bệnh nhân ho, nếu góc tăm bông thay đổi trên 30 độ hướng lên trên là di động quá mức cổ bàng quang-niệu đạo.
- Q-tip test được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán
Niệu động học
Là thăm dò phức tạp, các đầu dò nhỏ đo áp lực đặt trong bàng quang, niệu đạo và trực tràng trong quá trình bơm dung dịch đẳng trương vào bàng quang và làm nghiệm pháp gắng sức cho phép xác định nguyên nhân TKTC (do gắng sức, bàng quang tăng co bóp hay phối hợp) (Hunskaar S, 2000).
Điều trị tiểu không tự chủ
Tiểu không tự chủ do các bác sĩ thuộc chuyên khoa nào sẽ điều trị?
- Bác sĩ tiết niệu (urologist): chuyên ngành phẫu thuật sinh dục-tiết niệu.
- Bác sĩ chuyên ngành phụ – niệu (urogynecologist): chuyên về hệ tiết niệu ở phụ nữ, có khả năng phẫu
thuật. - Bác sĩ phụ khoa (gynecologist): chuyên về các bệnh của đường sinh dục nữ.
Phương pháp điều trị bảo tồn tiểu không tự chủ
Để điều trị tiểu không tự chủ, bệnh nhân có thể được bác sỹ tư vấn điều trị nội khoa và tập phục hồi chức năng. Việc điều trị nội khoa gắn với các loại thuốc. Tập phục hồi chức năng cho tiểu không tự chủ sẽ gắn với các phương pháp, bài tập giúp nâng cao khả năng đáy chậu, tăng khả năng kiểm soát các cơ tham gia hoạt động đi tiểu như bài tập Kegel.
Điều trị nội khoa
- Dùng thuốc ức chế co bóp cơ cho các trường hợp són tiểu do mót tiểu khẩn cấp (bàng quang không ổn định, tăng kích thích).
- Tiêm colagen làm phồng vùng cổ bàng quang (colagen injection) nhằm tăng cường độ mạnh của cơ thắt cổ bàng quang trong trường hợp suy yếu cơ thắt. Phương pháp này tốn kém và định kỳ phải tiêm nhắc lại.
Tập phục hồi chức năng cơ đáy chậu (pelvic floor muscle excercises)
- Là lựa chọn đầu tiên cho tất cả các bệnh nhân mắc tiểu không tự chủ do gắng sức.
- Cơ đáy chậu (sàn chậu) giúp kiểm soát sự thoát nước, phân và góp phần tăng cảm giác trong khi giao hợp.
- Sàn chậu bao bọc và nâng đỡ phía dưới của bàng quang âm đạo và trực tràng.
- Theo khuyến cáo của Hội đồng khoa học Quốc tế về điều trị TKTC năm 2005, tất cả các bệnh nhân mắc TKTC cần được tư vấn về tập phục hồi chức năng cơ đáy chậu.
- Bên cạnh tác dụng điều trị TKTC, tập phục hồi chức năng còn có tác dụng phòng sa sinh dục, làm tăng độ khít âm đạo, cải thiện chất lượng sinh hoạt tình dục.
- Bài tập Kegel là một trong những bài tập đơn giản và hiệu quả nhất cho phụ nữ để phục hồi chức năng đáy chậu.
Điều trị tiểu không tự chủ bằng bằng phẫu thuật
Có nhiều phương pháp điều trị tiểu không tự chủ bằng phẫu thuật, tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật chỉ được cân nhắc là phương pháp cuối cùng khi các phương pháp khác không có hiệu quả. Việc áp dụng biện pháp phẫu thuật nào phù hợp với tình trạng bệnh thì bệnh nhân cần tới cơ sở chuyên khoa để chẩn đoán, làm các xét nghiệm cần thiết trước khi quyết định.