Con người sinh ra, trưởng thành, suy yếu, bệnh tât rồi từ trần, đó là chu kỳ “Sinh Lão Bệnh Tử” theo luật tự nhiên từ ngàn năm. Ngày nay, với tiến bộ của khoa học, con người đã có khả năng làm “ảnh hưởng” tới hai trong bốn giai đoạn của chu kỳ đó là Lão và Bệnh. Benh.vn sẽ giúp chúng ta tìm hiểu tuổi già và các phương pháp tổ chức lối sống khoa học để tuổi già sống vui, sống khỏe.
Mục lục
Thế nào là già? Bao nhiêu tuổi thi được gọi là già?
Già là một giai đoạn của cuộc đời, cũng như giai đoạn dậy thì của thiếu niên, giai đoạn trưởng thành của trung niên. Trong giai đoạn này, người già có một số điểm giống nhau đủ để tạo thành một mô hình cho lứa tuổi đó.
Để có giá trị sinh học, các mốc này phải tiên đoán được, không tránh được và không đảo ngược được.
Biểu hiện dễ thấy
– Tóc bạc, da đồi mồi
– Da vùng mặt và cổ bắt đầu nhão
– Khóe mắt xuất hiện nếp nhăn
– Răng bắt đầu lỏng rụng
– Thủy tinh thể của mắt trở nên cứng đục, võng mạc kém nhạy cảm với ánh sáng
– Ăn chậm tiêu, ngủ ít
– Tai nghe nghễnh ngãng, khó bắt được các âm thanh có tần số cao
– Khứu giác kém, mũi không phân biệt được mùi của hóa chất, thực phẩm
– Đại tiểu tiện bất thường
– Nói năng chậm, trí nhớ ngắn hạn sút kém
– Hệ thống miễn dịch yếu, sự sản xuất kháng thể bị trì trệ, cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn..
– Đời sống tình dục cũng có nhiều thay đổi, suy giảm
– Có khuynh hướng sống lẻ loi, không đòi hỏi.
– Một số bệnh có thể xuất hiện
Sự thay đổi ở từng cá nhân
Cũng nên nhớ là sự hóa già ở nữ giới thường muộn hơn và họ cũng thọ hơn nam giới. Lý do nam giới có nhiều căng thẳng do việc làm, lại bị nhiều bệnh tim mạch, ung thư, tai nạn hơn nên mau già….trong khi đó các bà chịu đựng dẻo dai với bệnh tật hơn các ông, giác quan của họ còn tinh tường, trí nhớ tốt hơn.
Sự hóa già cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, nếp sống cá nhân, môi trường chung quanh cũng như quan niệm, thái độ trước sự hóa già.Ngoài ra, mỗi người già theo một cách riêng biệt. Trong một cơ thể, mỗi tế bào, cơ quan cũng già theo nhịp độ khác nhau.
Các loại tuổi già
Trong lĩnh vực nghiên cứu các nhà lão khoa đã phân chia tuổi già làm 7 loại mà khi nghiên cứu kỹ ta có thể thấy tại sao mỗi cá nhân già theo cách khác nhau.
1.Tuổi niên đại. Đây là tuổi mà ta nghĩ tới trước tiên và là số năm con người sống trên trái đất kể từ khi thoát khỏi lòng mẹ.
2.Tuổi di truyền. Khi cha mẹ ông bà thọ lâu thì con cháu cũng có cơ hội sống lâu hơn, vì những hậu duệ này đã được hưởng nhiều gene trường thọ nơi tiền nhân.
3.Tuổi theo thống kê. Đây là số năm trung bình mà con người có hy vọng sống. Tuổi này thay đổi theo thời gian không gian và theo giống tính, nghề nghiệp lối sống, tình trạng sức khoẻ.
4.Tuổi theo cấu tạo cơ thể. Các bộ phân cơ thể khi tới một tuổi cao nào đó sẽ có nhiều thay đổi về cấu tạo.Thí dụ như chiều cao con người ngắn lại, thủy tinh thể mắt vẩn đục, thành động mạch cứng, tuyến giáp teo. Thành ra dù ta không bị bệnh hoạn, tai nạn, tới một thời điểm không định trước sự chết cũng xảy ra.
5.Tuổi sinh lý. Chức năng của các cơ quan bộ phận con người trải qua nhiều thay đổi đưa tới sự suy yếu toàn diện.
6.Tuổi theo bệnh tật. Khi qua khỏi một cơn bệnh hiểm nghèo nhiều người trông thấy cảm thấy như già đi cả chục tuổi.
7.Tuổi tâm lý. Tâm trí con người trải qua nhiều thay đổi với tuổi cao nhưng thường chậm hơn so với các thay đổi khác.
Ý kiến chuyên gia về lão hóa
Tác giả Susanne Robb viết về lão hoá như sau: “Lý thuyết gia nào thử giải thích hiện tượng lão hoá của con người cũng vấp phải một sự thử thách lớn lao. Lão hóa có thể xem như một mức độ tăng gia rất phức tạp của sự phát triển hay cũng có thể là một quá trình đi đôi với sự suy thoái và mất mát. Lão hóa có liên hệ với sự phản ứng của cơ thể đối với các ảnh hưởng di truyền và môi sinh.
Hơn nữa lão hóa là một quá trình rất cá biệt, bị chi phối bởi nhiều nguồn ảnh hưởng tác động lẫn nhau. Vì thế tuổi sinh lý đơn phương không thể dùng để tiên đoán một cách chính xác tuổi thọ của một cá nhân”.
Nói tóm lại, con người chịu ảnh hưởng của di truyền, môi sinh, hoàn cảnh xã hội, lối sống cá nhân, tình trạng tâm thần v.v… nhưng con người cũng có khả năng chi phối đời sống của mình về nhiều mặt để đạt được mục đích sống lâu. Tuy nói sống lâu tùy thuộc từng cá nhân, nhưng về phương diện môi sinh, vấn đề đó trở thành một vấn đề của tập thể.
Ví dụ trong một cộng đồng sống gần nhau, cùng sử dụng một nguồn nước chung, một khoảng không gian chung, thì mỗi cá nhân phải có bổn phận giữ nguồn nước và không khí được trong sạch và tất cả mọi người trong cộng đồng phải có cố gắng như nhau. Nếu một vài cá nhân trong cộng đồng đó cứ xả rác vào nguồn nước và phun khói vào không khí, thì mọi người phải chịu ảnh hưởng xấu.
Con người có thể sống đến bao nhiêu tuổi?
Trong điều kiện lý tưởng, ví dụ có gene di truyền tốt, có hệ thống điều chỉnh tự động tốt, có hệ thống miễn nhiễm tốt, có hoàn cảnh môi sinh tốt, có điều kiện dinh dưỡng tốt, có lối sống lành mạnh v.v… thì con người, trên lý thuyết, có thể sống rất lâu. Theo Leonard Mayflick tuổi thọ tối đa của con người là từ 110 đến 120. Những nhà nghiên cứu ở Đại Học California còn nâng tuổi thọ của con người lên khoảng từ 120 đến 150 tuổi.
Hiện nay, riêng tại Hoa Kỳ, số người sống trên 100 tuổi đã tới trên 60,000 và sẽ còn gia tăng. Trong lịch sử nhân loại, đã có nhiều người có tuổi thọ rất cao như: người Mỹ Delina Filking sanh ngày 4/5/1815, chết ngày 4/12/1928, thọ 113 tuổi; ngư phủ Nhật Bản chết năm 1986, thọ 121 tuổi; bà Jeanne Calment, người Pháp sanh tháng 2/ 1875, mất tháng 8/1997, thọ 122 tuổi.
Cuộc sống và chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi
Ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ dưỡng chất chính là nguồn năng lượng cần thiết cho sức khỏe người cao tuổi giúp phòng tránh các biến cố tuổi già vô cùng hiệu quả.
Bữa ăn của người cao tuổi cần đảm bảo đủ các thành phần sau:
Hỗn hợp thức ăn đạm-béo: nên ăn cá, thủy sản, đậu phụ và đậu các loại, đậu phụng, mè. Các thức ăn này có nhiều protein, chất béo, đặc biệt là acid béo không no rất tốt cho việc phòng chống tăng cholesterol.
Ăn nhiều rau tươi, trái cây: là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng và chất chống oxy hóa. Ngoài ra còn cung cấp chất xơ chống táo bón là triệu chứng hay gặp ở tuổi già do kém hoạt động thể lực, nhu động ruột kém. Nên uống nhiều sữa để phòng tránh loãng xương, sữa chua rất tốt cho mọi lứa tuổi đặc biệt là tuổi già.
Tránh ăn nhiều đường, muối, thịt động vật. Ăn thức ăn mềm và nên có món canh trong bữa ăn vì tuyến nước bọt và bộ răng của người già hoạt động kém. Chú ý nhu cầu năng lượng của người già giảm nên cần giảm lượng thức ăn so với thời trẻ, chú ý theo dõi cân nặng, tránh vượt cân nặng nên có. Tránh ăn quá no, đặc biệt khi có bệnh tim mạch.
Nên uống nhiều nước ít nhất 1-2 lít/ngày, hạn chế uống rượu, nên uống nước hoa quả thường xuyên.
Những người mắc các bệnh mãn tính liên quan đến ăn uống như tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp, thống phong… nên có chế độ ăn thích hợp theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa.
Chế độ sống sinh hoạt
Trong cuộc sống thường ngày, người cao tuổi nên tập thể dục đều đặn. Luyện tập nhẹ nhàng, vận động hợp lý làm duy trì sức bền của cơ, giúp cơ thể khỏe mạnh, giảm tăng huyết áp và cholesterol …
Khám sức khoẻ tổng quát hàng năm cho người cao tuổi là việc làm cần thiết. Đây cũng là dịp để thầy thuốc thực hiện một số xét nghiệm về máu, nước tiểu, theo dõi lượng đường, cholesterol, hồng cầu, bạch cầu…. nhằm đánh giá tình trạng chức năng của thận, bàng quang…. giúp phòng ngừa bệnh tật.
Ăn uống khoa học – sinh hoạt điều độ – lạc quan yêu đời là bài thuốc “thần dược” cho sức khỏe người cao tuổi.
ĐHA – Benh.vn