Nhiều người không cho con ăn rau, dầu mỡ, hoa quả, tôm cá… khi trẻ bị tiêu chảy, vì cho rằng những thức ăn này khó tiêu, chua hoặc tanh. Sự kiêng kỵ đó sẽ khiến trẻ lâu bình phục hơn, vì những thực phẩm này chứa các chất rất cần thiết cho việc tái tạo niêm mạc đường tiêu hóa và tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Sau đây là một số sai lầm khác mà nhiều người mắc phải
– Cho trẻ nhịn ăn để ruột được nghỉ ngơi: Nhiều nghiên cứu cho thấy, niêm mạc ruột tuy bị tổn thương do bệnh tiêu chảy nhưng vẫn đủ khả năng hấp thu nước và 70% các chất dưỡng. Vì vậy, cần tiếp tục cho trẻ ăn uống như bình thường, nhằm giúp trẻ có đủ dưỡng chất, tăng sức chống đỡ với bệnh tật. Nếu trẻ đang bú mẹ thì hãy tiếp tục cho bú theo nhu cầu và tăng số lần bú. Ngoài đảm bảo dinh dưỡng, điều này còn có tác dụng chống mất nước do tiêu chảy.
– Người mẹ kiêng nhiều loại thức ăn để sữa được lành: Nhiều người mẹ thậm chí chỉ ăn cơm với muối khi con bị tiêu chảy, cho rằng việc này sẽ giúp đứa trẻ an toàn khi bú mẹ. Tuy nhiên, sự kiêng kỵ này không những khiến trẻ không nhận đủ dinh dưỡng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng tiết sữa của người mẹ.
– Không cho trẻ ăn sữa chua vì sợ ruột bị bào mòn: Trên thực tế, sữa chua làm giảm thời gian và độ nặng của đợt tiêu chảy, do quá trình lên men đã chuyển phần lớn đường lactose (loại đường khó hấp thu) trong sữa bò sang một dạng dễ hấp thu hơn. Ngoài ra, một số chủng vi khuẩn trong sữa chua có khả năng ức chế sự phát triển và gây bệnh của các vi sinh vật có hại trong đường tiêu hóa, tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch.
Lưu ý
– Trẻ khi bị tiêu chảy thường chán ăn. Các bậc cha mẹ cần cho trẻ ăn nhiều bữa hơn và kiên trì động viên, khuyến khích trẻ ăn. Không dùng thức ăn chứa nhiều đường hoặc nước giải khát công nghiệp vì những thực phẩm này có thể làm tình trạng tiêu chảy nặng hơn.
– Thức ăn cho trẻ phải được nghiền nhỏ, nấu hơi loãng hơn thường ngày. Mỗi bữa ăn cần có đủ chất bột, đạm, vitamin và muối khoáng.
– Nếu ngày thường trẻ có ăn sữa bò và sữa đậu nành thì khi trẻ bị tiêu chảy, chế độ ăn này vẫn cần được duy trì. Tuy nhiên, khi bị tiêu chảy, một số trẻ không dung nạp được đường lactose trong sữa bò hoặc protein của sữa đậu nành. Biểu hiện là mặc dù trẻ rất thèm ăn nhưng sau khi ăn khoảng 30 phút thì quấy khóc, nôn và tiêu chảy nặng thêm. Trong trường hợp này, hãy pha sữa bằng nước cơm để giảm nồng độ lactose trong sữa hoặc làm sữa chua cho trẻ ăn.