Một nghiên cứu đã hé lộ ra phương pháp dùng hệ vi khuẩn đường ruột để dự đoán nguy cơ dị ứng thức ăn hoặc hen ở trẻ sau này.
Phát hiện này là thành quả của các nhà khoa học đến từ Đại học Alberta và Đại học Manitoba, Canada. Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Dị ứng Thực nghiệm và Lâm sàng (Clinical & Experimental Allergy).
Nhóm nghiên cứu đã thấy rằng: các bé 3 tháng tuổi với hệ vi khuẩn đường ruột ít đa dạng hơn có nguy cơ mẫn cảm với một số thực phẩm như trứng, sữa và đậu phộng khi bé được 12 tháng tuổi.
Nghiên cứu phát hiện hai họ vi khuẩn đặc biệt nổi bật: Enterobacteriaceae và Bacteroidaceae. Những bé sơ sinh bị mẫn cảm với thức ăn có số lượng hai họ vi khuẩn này trong ruột rất khác so với các bé bình thường.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu phân tích ADN để phân loại vi khuẩn trong mẫu phân thu thập từ các bé sơ sinh. Mẫu phân được lấy ở thời điểm các bé được 3 và 12 tháng tuổi. Từ một số chủng vi khuẩn xuất hiện ở giai đoạn sớm trong mẫu phân, họ có thể dự đoán được tình trạng mẫn cảm với thức ăn khi trẻ 1 tuổi. Tình trạng mẫn cảm với thức ăn được thực hiện thông qua phép đo phản ứng da.
Cấu trúc các vi khuẩn đường ruột có thể là những dấu ấn sinh học đặc trưng cho các bệnh trong tương lai ở trẻ.
Giáo sư Anita Kozyrskyj tại Khoa Nhi trường Đại học Alberta, trưởng nhóm nghiên cứu nói: “Đây là một thứ có thể đo lường được nhằm chỉ ra nguy cơ phát triển bệnh mẫn cảm thức ăn khi trẻ 1 tuổi.”
Tác giả chính của nghiên cứu, phó giáo sư Meghan Azad tại Khoa Nhi và Sức khỏe Trẻ em tại Đại học Manitoba, nói rằng họ đang tiếp tục quá trình nghiên cứu và: “Cuối cùng thì, chúng tôi hy vọng sẽ phát triển những cách thức mới để ngăn ngừa và điều trị dị ứng, rất có thể là bằng cách thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột.”
Tăng sự dồi dào vi khuẩn đường ruột ở trẻ 3 tháng tuổi có thể giúp giảm bệnh mẫn cảm thức ăn khi trẻ được 1 tuổi
Giáo sư Azad và các cộng sự đã phân tích dữ liệu từ 166 trẻ tham gia Nghiên cứu Phát triển Theo chiều dọc ở Trẻ Nhũ nhi Canada Khỏe mạnh (CHILD). Dự án này tiến hành trên hơn 3,500 các bé sơ sinh trong các gia đình tại Canada.
12 trẻ (chiếm 7,2%) xuất hiện biểu hiệu mẫn cảm với một hoặc vài thực phẩm khi tròn 1 tuổi. Trong đó, “Enterobacteriaceae xuất hiện quá nhiều, còn Bacteroidaceae lại suy giảm trong hệ vi sinh vật đường ruột của những trẻ bị mẫn cảm với thức ăn ở cả hai thời điểm 3 và 12 tháng tuổi. Ngoài ra, sự đa dạng vi sinh vật cũng thấp hơn ở những trẻ này tại thời điểm 3 tháng tuổi.”
Phân tích còn hé lộ rằng sự dồi dào vi khuẩn đường ruột ở trẻ 3 tháng tuổi có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ mẫn cảm với thức ăn khi bé được 1 năm tuổi.
Ngoài ra, khi tỷ lệ họ vi khuẩn Enterobacteriaceae trên Bacteroidaceae tăng lên, nguy cơ bị mẫn cảm thức ăn của trẻ cũng tăng lên.
Nhóm nghiên cứu cũng khẳng định rằng những phát hiện của họ không hoàn toàn chỉ ra việc mẫn cảm với thức ăn của trẻ sẽ dẫn tới các bệnh dị ứng sau này.
Nhóm tác giả dự tính sẽ mở rộng dữ liệu nghiên cứu bằng cách tăng số lượng tình nguyện viên trong dự án CHILD, và tiếp tục theo dõi các trẻ đã tham gia nghiên cứu để tiếp tục phân tích khi các bé được 3 và 5 tuổi. Giáo sư Kozyrskyj giải thích:
“Cuối cùng thì, chúng tôi muốn biết những trẻ sơ sinh bị thay đổi cấu trúc vi khuẩn đường ruột bình thường liệu có phát triển bệnh dị ứng thức ăn, các bệnh dị ứng khác hay thậm chí hen suyễn trong tương lai hay không.”
Ngân sách cho nghiên cứu này được tài trợ bởi Viện Nghiên cứu Sức khỏe và AllerGen NCE Canada.