Xử trí khi bị rắn cắn và mức độ độc của các loại rắn
Khi bị rắn độc cắn thường đau dữ dội và thường để lại dấu vết của răng (móc độc). Theo TS.BS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: “Nhiễm độc do rắn độc cắn là mức độ nguy hiểm xếp hàng thứ 5 trong các ngộ độc được đưa đến TT Chống độc ”. Vì vậy nạn nhân cần được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp.
Mức độ nguy hiểm của từng loại rắn như sau:
– Nếu bị rắn hổ mang cắn, tại vết cắn thấy đau buốt, nhìn thấy vết răng (1 hoặc 2 vết răng), phù nề xung quanh vết cắn, chảy máu, hoại tử tại chỗ cắn ngay.
– Rắn hổ chúa cắn nạn nhân rất đau, có phù nề tại chỗ cắn rất dữ dội nhưng không thấy hoại tử, nạn nhân thường bị liệt hô hấp và liệt chi.
– Bị rắn cạp nia (rắn khúc đen, khúc trắng) cắn thì sụp mi mắt, giãn đồng tử, khó nói, khó thở, liệt hô hấp và liệt chi…
– Rắn lục cắn, vết cắn bị chảy máu, sưng tấy nhanh, xuất huyết dưới da, chảy máu và có thể xuất huyết não, phù nề, gây rối loạn đông máu và hoại tử, kèm theo chóng mặt, lo lắng, sốc, suy thận cấp do tiêu cơ vân…
– Rắn biển cắn: các triệu chứng liệt như các loại rắn hổ mang, cạp nong, cạp nia, bệnh nhân bị liệt cơ, tan máu…
Thành phần nọc độc của rắn là các protein dễ gây sốc phản vệ và dẫn đến tử vong cho nạn nhân. Nọc rắn gây tử vong giai đoạn đầu do gây liệt cơ hô hấp, cơ hầu họng, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, giai đoạn sau do xuất huyết nặng, suy thận.
Bs.Sơn cũng khuyến cáo bệnh nhân bị rắn độc cắn, tuyệt đối không dùng thuốc dân gian mà phải sơ cứu và đưa đến cơ sở y tế gần nhất (Nơi có đội ngũ bác sĩ chuyên môn tốt, có máy thở và có sẵn HTKNR) để chữa trị kịp thời không sẽ nguy hiểm đến tính mạnh nạn nhân
Benh.vn – Bệnh viện Bạch Mai