Triple test là xét nghiệm tầm soát trước sinh còn gọi là xét nghiệm bộ ba, là loại xét nghiệm tầm soát sử dụng máu mẹ để tìm hiểu nguy cơ một nguy cơ khuyết tật của bào thai. Đây là xét nghiệm vô cùng quan trọng, mẹ bầu nào cũng cần phải biết.
Mục lục
3 chỉ số được sử dụng trong xét nghiệm là: AFP, hCG và Estriol
- AFP (alpha-fetoprotein) là protein được sản xuất bởi bào thai.
- hCG (human chorionic gonadotropin) là loại nội tiết do nhau sản xuất trong quá trình mang thai
- Estriol: là một estrogen (một dạng hormone) được sản xuất bởi cả bào thai và nhau thai.
Phương pháp tiến hành xét nghiệm
Xét nghiệm thường được thực hiện trong tuần thứ 15-20 của thai kỳ, bằng cách phân tích mẫu máu của mẹ đến phòng xét nghiệm. Do đó, Đây là loại xét nghiệm không xâm lấn và hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến mẹ và thai. Kết quả thường có sau 3 – 5 ngày làm việc.
Ngoài kết quả xét nghiệm với máu, các nguy cơ dị tật bào thai còn được định lượng trên các yếu tố như tuổi tác, cân nặng, chứng tiểu đường hoặc những bất thường về gene của người mẹ…
Đối tượng có nguy cơ cao
Tất cả thai phụ đều nên làm Triple test, đặc biệt những thai phụ sau đây:
– Thai phụ có tiền sử gia đình về dị tật bào thai.
– 35 tuổi hoặc trên 35 tuổi.
– Sử dụng thuốc hoặc chất gây nghiện nguy hiểm trong thời gian mang bầu.
– Mắc chứng tiểu đường và phải tiêm insulin.
– Mắc chứng bệnh truyền nhiễm trong thời gian mang thai.
– Tiếp xúc với phóng xạ.
Ý nghĩa của của các chỉ số Triple test
Triple test được đánh giá dựa trên hàm lượng cao hoặc thấp của AFP, hCG và estriol:
– Hàm lượng AFP cao cho biết thai nhi có nguy cơ mắc khuyết tật ống thần kinh hoặc thiếu một phần não.
– Nồng độ AFP giảm nếu kết hợp với nồng độ hCG và estriol giảm thì thai có tăng nguy cơ bị hội chứng đao (Trisomy 21 hay tam thể 21), Hội chứng Edwards (Trisomy 18 hay tam thể 18) hoặc bất thường nhiễm sắc thể khác.
Ngoài ra, Triple test có thể nhận diện được song thai hoặc đa thai.
Tuy nhiên, để ước tính chính xác mức độ nguy cơ phải kết hợp kết quả xét nghiệm ba chất trên với nhiều yếu tố khác như tuổi của người mẹ, chủng tộc, cân nặng, chiều cao, tiền sử bản thân người mẹ như tiểu đường, hút thuốc, tình trạng thai như đơn thai hay song thai, tuổi thai vào thời điểm xét nghiệm, và tiền sử sản khoa.
Trong trường hợp kết quả cho thấy thai hiện tại có nguy cơ cao bị một hoặc nhiều các rối loạn trên thì cần được thực hiện chẩn đoán xác định bằng thủ thuật xâm lấn như chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau.
Trước khi tiến hành các thủ thuật các cặp vợ chồng nên hiểu hết những tai biến có thể sảy ra do thủ thuật trước khi quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận chuẩn đoán.
Việc chẩn đoán sớm trước sinh giúp xác định chính xác tình trạng bất thường của thai và giúp cho các cặp vợ chồng có thông tin để đưa ra các quyết định phù hợp như chuẩn bị cho các biện pháp điều trị (như phẫu thuật cột sống chẻ đôi), lên kế hoạch các chế độ chăm sóc đặc biệt cho bé sau sinh, chuẩn bị tâm lý và các vấn đề có thể ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình hoặc quyết định vấn đề tiếp tục mang thai cho đến khi đủ ngày.
Lưu ý: Cũng có nhiều trường hợp do tuổi thai sai nên dẫn đến kết quả không được chính xác vì vậy các mẹ nên chấp hành y lệnh bố trí thời gian để làm Triple test đúng tuần tuổi