Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt ở độ tuổi trên 30. Đây là loại ung thư mà tế bào ung thư thường xuất phát từ vùng chuyển tiếp nơi tiếp nối tế bào biểu mô vẩy và tế bào biểu mô trụ ở cổ tử cung.
Mục lục
- 1 Phát hiện ung thư cổ tử cung nhưng không tiếp nhận điều trị
- 2 Khiến cáo của chuyên gia
- 3 Dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư cổ tử cung
- 4 Một số yếu tố nguy cơ
- 5 Vì sao cần tầm soát sớm ung thư cổ tử cung
- 6 Tầm soát sớm ung thư cổ tử cung được thực hiện như thế nào?
- 7 Những lưu ý khi tầm soát ung thư cổ tử cung
Theo Ghi nhận năm 2018, Việt Nam có khoảng 4.200 ca mắc mới và hơn 2.400 ca tử vong vì bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi đã vào giai đoạn muộn. Những con số trên là hồi chuông cảnh báo chị em phụ nữ quan tâm hơn đến sức khỏe của mình.
Phát hiện ung thư cổ tử cung nhưng không tiếp nhận điều trị
Ngày 11/2, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện K đã tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân Quốc tịch Nam Phi, cuối tháng 11/2018 bà đã được chẩn đoán ung thư CTC nhưng không điều trị. TS.BS Nguyễn Tiến Đức, Trưởng khoa HSCC cho biết Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng ra máu âm đạo, chóng mặt, buồn nôn, da xanh niêm mạc nhợt, vô niệu.
Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị suy thận cấp do khối ung thư cổ tử cung xâm lấn lan rộng làm giãn niệu quản 2 bên, Ure máu tăng cao lên đến 44 (chỉ số bình thường là 2.5 – 7.5); Creatinin tăng đến 1216 (chỉ số bình thường là 44-106) và hội chứng thiếu máu nặng. Ngay lập tức các bác sĩ Khoa HSCC đã tiến hành truyền máu, lọc máu, cấp cứu tích cực giúp tình hình bệnh nhân được cải thiện. Chỉ số hồng cầu, huyết sắc tố tăng, sau 2 lần lọc máu chỉ số Ure giảm còn 9.8 và Creatinin giảm xuống hơn 300.”
Bệnh nhân đã được chỉ định các xét nghiệm siêu âm, chụp Cộng hưởng từ cho thấy khối u CTC khích thước 9,5×8,7×9,6cm, nhiều hạch chậu và hạch chủ bụng, khối tuyến thượng thận 2 bên. Bệnh nhân được chẩn đoán bị suy thận cấp và mắc ung thư CTC giai đoạn IV, sẽ tiếp tục được theo dõi và điều trị.
Khiến cáo của chuyên gia
Chuyên gia bệnh viện K khuyến cáo “Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra triệu chứng và khả năng điều trị thành công cao. Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư CTC theo chỉ định của bác sỹ, đồng thời tiêm phòng vắc xin, đây là cách phòng tránh và phát hiện sớm nhất bệnh ung thư CTC”.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư cổ tử cung
- Ra khí hư màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu.
- Ra máu âm đạo bất thường.
- Ra máu âm đạo sau khi quan hệ
- Đau vùng bụng dưới.
- Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng…
Một số yếu tố nguy cơ
– Virus HPV: là thủ phạm chính gây ung thư CTC (99,7%), lây truyền qua đường tình dục. Bình thường, HPV có hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao. Trong đó, có 2 type nguy cơ cao nhất là type 16 và type 18.
– Ức chế miễn dịch: thuốc hay các bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch như HIV/AIDS, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng HPV và dẫn đến ung thư cổ tử cung.
– Nguy cơ mắc bệnh tăng theo tuổi, đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi.
– Sinh con quá sớm (dưới 17 tuổi) khi cơ quan sinh sản chưa phát triển toàn diện.
– Cinh đẻ nhiều lần (từ 3 lần trở lên) thì tỷ lệ mắc bệnh cao gấp hai lần so với những người sinh 1 – 2 con.
– Một số nguyên nhân khác: béo phì, thuốc lá, quan hệ tình dục bừa bãi, sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài…
Vì sao cần tầm soát sớm ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là rất cần thiết cho việc điều trị, đem lại hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Phát hiện sớm ung thư CTC sẽ tiết kiệm chi phí, giảm thời gian điều trị, giảm rủi ro. Chi phí cho một lần đi khám sàng lọc ung thư sớm là rất nhỏ so với số tiền phải bỏ ra để điều trị bệnh khi phát hiện ở giai đoạn muộn.
Tầm soát sớm ung thư cổ tử cung được thực hiện như thế nào?
Việc tầm soát ung thư cổ tử cung sẽ thực hiện với các bước:
- Khám phụ khoa
- Soi cổ tử cung: Phát hiện tổn thương sớm bất thường tại cổ tử cung
- Thực hiện xét nghiệm Pap smear và HPV: Xét nghiệm Pap được thực hiện nhằm tìm kiếm sự thay đổi trong các tế bào cổ tử cung, là một xét nghiệm đơn giản tìm những bất thường của tế bào cổ tử cung.
- Xét nghiệm HPV: rất có giá trị
- Sinh thiết cổ tử cung: khi phát hiện dấu hiệu bất thường qua soi cổ tử cung hoặc xét nghiệm Pap smear có tế bào bất thường.
- Các xét nghiệm khác: siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu.
- Đọc kết quả và tư vấn (hoặc chỉ định khác nếu có).
Việc tầm soát ung thư cổ tử cung nên được thực hiện ở những cơ sở uy tín
Những lưu ý khi tầm soát ung thư cổ tử cung
- Thăm khám, làm xét nghiệm này lúc không có kinh nguyệt.
- 2 ngày trước khi thử Pap không bôi kem hay đăt thuốc vào âm đạo.
- Không sinh hoạt tình dục trong vòng 1 – 2 ngày trước khi thử Pap.
Tùy vào giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Hiện nay tại Việt Nam bệnh ung thư CTC đang được điều trị theo các phương pháp hiện đại như phẫu thuật triệt căn, hóa xạ trị triệt căn, hóa xạ trị kết hợp phẫu thuật. Phẫu thuật là phương pháp phổ biến khi bệnh ở giai đoạn sớm. Phạm vi phẫu thuật có thể là phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung, cắt tử cung toàn bộ, cắt tử cung triệt căn, vét hạch bằng mổ nội soi hoặc mổ mở.
Phát hiện sớm sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa. Vì vậy việc phòng và phát hiện sớm bệnh phải luôn được đặt lên hàng đầu. Chị em phụ nữ nên quan tâm đến những biểu hiện bất thường, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của mình, thường xuyên thăm khám phụ khoa để không còn lo lắng về căn bệnh này. Hãy khám và tầm soát sớm ung thư cổ tử cung để bảo vệ sức khoẻ của chính mình.
Benh.vn (theo BV K)